Nghề biên dịch ở Việt Nam hoạt động trong môi trường không được bảo vệ

01/07/2020 - 07:24

PNO - Đội ngũ biên dịch vừa thừa vừa thiếu, lại hành nghề trong một môi trường không được bảo vệ. Đó là những nội dung chính trong tọa đàm "Hiện trạng và tầm quan trọng của công việc biên dịch đối với sự phát triển toàn diện và hội nhập của Việt Nam", vừa diễn ra tại TP.HCM.

Vừa thừa vừa thiếu
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, lượng sách dịch hiện chiếm từ 50-80% xuất bản phẩm trên thị trường. Nhu cầu người đọc tăng, tri thức thế giới ngày càng nhiều, dịch giả cũng có vai trò rất quan trọng trong thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên, đội ngũ này lại “vừa thừa vừa thiếu”. “Thừa là ngày càng có nhiều trường đào tạo biên dịch, bạn trẻ cũng có nhu cầu tự học, tiếng Anh rất giỏi. Nhưng thiếu ở chỗ khó tìm được người dịch tốt thể loại sách khoa học, sách chuyên ngành. Đối với sách ngôn ngữ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungary… lại càng khó” - ông Nam nói. 

Đồng tình với đánh giá của ông Nam, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, Phó giám đốc công ty sách Nhã Nam, chi nhánh TP.HCM nhấn mạnh thêm ở góc độ chất lượng. Từng tiếp xúc với khá nhiều bản dịch của nhiều thế hệ, anh nhận ra, phần lớn dịch giả giỏi nghề đều là những người thuộc thế hệ trước. Đó là điều rất đáng lo ngại, bởi đội ngũ kế thừa rất mỏng. Dù giỏi ngoại ngữ, nhưng năng lực chuyển ngữ của các bạn trẻ lại yếu. Một nguyên nhân có thể chỉ ra, chính là các bạn kém tiếng Việt. 

Tựa một số tác phẩm văn học được dịch và xuất bản tại Việt Nam
Tựa một số tác phẩm văn học được dịch và xuất bản tại Việt Nam

Luận điểm này được bổ sung bởi tiến sĩ Trần Lê Bảo Chân, Trưởng bộ môn biên phiên dịch - Khoa Tiếng Pháp, Đại học Sư phạm TP.HCM, khi nêu ra những kiểu dịch “word by word” phổ biến và sai nghĩa hoàn toàn của nhiều bạn trẻ. Bà Trần Thị Khuyên, Phó giám đốc Alphabooks kể, có trường hợp công ty dịch thuật nhận sách về cắt đoạn, giao cho nhóm biên dịch làm việc và ráp nối lại thành phẩm. Sự khập khiễng về nội dung hoặc sai chi tiết, ngữ nghĩa thường gặp trong các xuất bản phẩm sách dịch chuyên ngành. 

Một điểm cốt lõi của vấn đề “thừa và thiếu” trong dịch thuật: đội ngũ dịch giả hùng hậu, nhưng chủ yếu chỉ xem dịch thuật là nghề tay trái. “Chỉ khi nào dịch giả xem đó là nghề nghiệp chính thức, với những quy tắc, phương châm, đạo đức làm nghề thì mới mong hướng đến chuyên nghiệp hóa. Bởi dịch thuật không đơn giản chỉ là công tác chuyển ngữ, mà còn là sự thông hiểu về văn hóa, các giá trị, dịch giả cần có kiến thức sâu rộng” - bà Khuyên đúc kết.   

Việt Nam chưa có Hiêp hội nghề Biên phiên dịch 

 

Do ảnh hưởng của báo chí và mạng xã hội với lối dịch nhanh, chủ yếu dùng từ phổ biến, dễ dịch nhất mà quên rằng trong tiếng Việt có rất nhiều cách chuyển nghĩa. Tôi ví dụ đơn giản, cứ thấy “lady” là dịch thành “quý bà”, nhưng trong nhiều ngữ cảnh có thể là “lệnh bà”, “mệnh phụ”… Kiểu dịch như vậy vô hình trung các bạn làm cho tiếng Việt nghèo nàn đi. 

Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng

Ở Việt Nam, số lượng làm nghề biên dịch tự do khá đông. Hiện tại, TP.HCM có câu lạc bộ Biên phiên dịch SGCI&T, tại Hà Nội có nhóm biên phiên dịch Hà Nội - những nhóm liên kết hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng dịch thuật. Song, để có “quy chuẩn về dịch thuật” hay “tiêu chuẩn/chứng chỉ hành nghề” như các quốc gia phát triển thì phải cần đến hội nghề nghiệp. Nói như tiến sĩ Trần Lê Bảo Chân thì cần đến “định chế quốc gia”, nghĩa là phải có sự quan tâm, vào cuộc từ phía Nhà nước. 

“Một người bạn nước ngoài khi nghe tôi nói rằng ở Việt Nam chưa có Hiệp hội biên phiên dịch đã vô cùng ngạc nhiên, và gọi đội ngũ biên dịch ở Việt Nam là “những người anh hùng”, vì chúng ta đang hành nghề trong môi trường không được bảo vệ” - bà Chân nói thêm. 

Ai sẽ là trọng tài trong những trường hợp phê bình dịch thuật? Ở các quốc gia có hiệp hội về dịch thuật thì những tranh luận, phê bình đều trong khuôn khổ rõ ràng, văn hóa tranh luận lành mạnh. Còn ở ta, khi có vấn đề gì ở bản dịch, trên mạng xã hội mỗi người có thể nói một kiểu.  

Đứng trước giai đoạn phát triển công nghệ 4.0, khi bàn về dịch thuật mới thấy có nhiều vấn đề, những lỗ hổng lẫn thiếu sót mà bấy lâu nay chưa thể chuyên nghiệp hóa. Rất cần một tổ chức nghề nghiệp chính thống, dịch giả chuyên nghiệp cũng cần có chứng chỉ hành nghề để đảm bảo chất lượng. 

Quỹ dịch thuật, bao giờ?

Một ý kiến đến từ bạn đọc Bình Phước đáng ghi nhận, trong chương trình Trung thu tổ chức tại Úc, bạn cố gắng tìm các bản dịch trên mạng về sự tích chú Cuội - chị Hằng nhưng không thấy. Thay vào đó lại có rất nhiều điển tích Hằng Nga - Hậu Nghệ của Trung Quốc đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh. Đó không chỉ là câu chuyện “thương mại hóa” trong thời đại công nghệ 4.0, mà còn là vấn đề quảng bá văn hóa ra nước ngoài. Lâu nay, các nhà văn, dịch giả Việt vẫn luôn mong chờ một quỹ dịch thuật, có sự đầu tư của Nhà nước để quảng bá văn học, văn hóa Việt ra thế giới. Nhưng đến nay, ưu tư đó còn bỏ ngỏ.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM (HPDF) đặt câu hỏi: Ở các quốc gia khu vực Âu Mỹ, Hàn, Nhật… đều có quỹ dịch thuật, chính sách đầu tư quảng bá văn hóa phù hợp, có hệ thống. “Nhà nước mình đã làm gì - đúng cách, đúng mức chưa trong việc hỗ trợ các đơn vị làm sách tư nhân, các nhà xuất bản để triển khai quảng bá tác phẩm, các thông tin đối ngoại hiệu quả nhất?”. 

Lục Diệp

 

 

 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI