Nghệ An: Nông dân bất lực nhìn đất canh tác trôi theo tàu hút cát

10/03/2021 - 18:41

PNO - Tàu hút cát lấn vào diện tích đất nông nghiệp của người dân để hút cát khiến tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng. Người dân đã nhiều lần kêu cứu song tình trạng này vẫn không chấm dứt.

Chỉ vào những vết nứt bên mép ruộng ngô, một nông dân xóm Dương Hạp (xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) nói với người vợ đang làm cỏ “bỏ đoạn đó đi, làm cỏ chi cho mất công, tí nữa nó lại trôi mất thôi”.

Lão nông này cho hay, tình trạng sạt lở bờ sông Con (còn gọi là sông Hiếu) đoạn qua xóm Dương Hạp diễn ra suốt nhiều năm qua. Tình trạng sạt lở, cuốn trôi đất canh tác của người dân xuống sông ngày một nhiều, đặc biệt là vài tháng trở lại đây.

Bờ sông bị sạt lở, lấn sâu vào diện tích đất nông nghiệp
Bờ sông bị sạt lở, lấn sâu vào diện tích đất nông nghiệp

Chỉ tay về phía bến cát của một doanh nghiệp nằm đối diện khu vực bờ sông bị sạt lở, anh Đào Việt Thắng (xóm Dương Hạp) cho biết, lòng sông Con trước đây vốn chỉ nhỏ chưa bằng một nửa so với hiện tại. “Gần giữa lòng sông bây giờ trước đây vốn là một con đường cho người dân ra ruộng, nay nó đã sạt lở lấn sâu vào hàng chục mét rồi” - anh Thắng nói.

Theo anh Thắng, nguyên nhân khiến khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng là do tình trạng khai thác cát sỏi. Không chỉ khai thác giữa lòng sông, nhiều tàu hút cát còn liên tục chọc ống hút vào mép bờ sông để hút cát.

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã rồi, nhưng không hiểu sao bức xúc của người dân vẫn không được giải quyết. Cứ tình trạng này thì vài năm nữa làm gì còn ruộng mà canh tác nữa” - anh Thắng bức xúc.

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc bờ sông Con đi qua xóm Dương Hạp có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, tạo ra những hàm ếch lớn, những vách đất dựng đứng cao khoảng 4 - 6m chênh vênh chỉ chờ đổ sập xuống lòng sông bất cứ lúc nào.

Nguyên nhân gây ra sạt lở nghiêm trọng được người dân xác định là do mỏ cát hoạt động đối diện
Nguyên nhân gây ra sạt lở nghiêm trọng được người dân quy về mỏ cát hoạt động đối diện

Ông Lê Dương Ý - Trưởng xóm Dương Hạp cho biết, diện tích đất nông nghiệp của người dân xóm này đang ngày càng bị thu hẹp vì tình trạng sạt lở bờ sông. Sạt lở diễn ra đã nhiều năm, song nặng nhất là từ tháng 10/2020 đến nay. Hiện sạt lở đã ăn sâu vào bờ sông khoảng 60-70m, cuốn trôi hơn 2 héc ta đất canh tác hoa màu.

“Người dân bức xúc, kiến nghị lắm cũng chán. Mới hôm trước, một phụ nữ ra làm ruộng thì thấy có 3 máy vào sát mép ruộng hút cát. Nói mãi không được, người này gọi xóm, công an xã ra thì mấy thuyền này bỏ chạy mất” - ông Ý nói.

Ông Hoàng Ngọc Hạnh - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng cho biết, tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng tại xóm Dương Hạp đã gây thiệt hại rất lớn đến diện tích đất sản xuất cũng như hoa màu của người dân. Sau khi kiểm tra, xã này cũng đã có tờ trình gửi UBND huyện Tân Kỳ đề nghị kiểm tra và đình chỉ khai thác cát sỏi của doanh nghiệp.

Xã này cũng yêu cầu công ty Thái Cực - đơn vị khai thác cát sỏi khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng đất sản xuất, đền bù thiệt hại hoa màu bị sạt lở cho người dân. “Buộc công ty phải trả lại hiện trạng, khắc phục hậu quả. Có thể họ kè lại hay làm như thế nào đó thì bên phòng Tài nguyên môi trường huyện họ có biện pháp” - ông Hạnh nói.

Trao đổi với phóng viên, đại diện công ty Thái Cực thừa nhận quá trình khai thác cát, do công nhân của công ty hút cát sát với ranh giới đất canh tác của người dân nên gây tình trạng sạt lở. “Chỗ dễ làm thì khoảng 1 tiếng đã hút được 1 tàu rồi. Thấy dễ nên cứ cắm đầu vào làm thôi” - người này phân trần.

Nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở tạo ra những hàm ếch lớn, những vách đất dựng đứng chênh vênh
Nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở tạo ra những hàm ếch lớn, những vách đất dựng đứng chênh vênh
Nhiều diện tích đã được gieo ngô cũng bị trôi xuống sông
Nhiều diện tích đã được gieo ngô cũng bị trôi xuống sông

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI