Nghệ An: Nhiều trường hợp chết oan uổng vì đến thầy lang chữa bệnh dại

28/12/2024 - 06:09

PNO - Năm 2024, đã có 7 người ở tỉnh Nghệ An tử vong do mắc bệnh dại. Phần lớn nạn nhân tử vong do không tiêm vắc xin phòng dại, hoặc dùng thuốc nam để chữa trị sau khi bị chó cắn. Khi có biểu hiện của bệnh dại mới nhập viện thì đã quá trễ.

Lá trầu không có thể thử bệnh dại?

Hơn nửa tháng trôi qua, người dân xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vẫn chưa hết đau lòng bởi cái chết của bé trai N.V.P. (11 tuổi). Giữa tháng 8/2024, P. đang chơi ở sân nhà thì bị chó cắn vào tay. Em được người thân dùng nước rửa chén rửa vết thương, cầm máu rồi đưa đến 1 thầy lang chuyên chữa chó dại cắn ở TP Vinh. Sau đó, thầy lang đưa 3 bịch thuốc nam để em uống trong 10 ngày. Gần 4 tháng sau, P. xuất hiện triệu chứng của bệnh dại như: mệt mỏi, nói sảng, sợ nước…, được người thân đưa vào bệnh viện thì đã quá trễ.

Con chó cắn P. sau đó còn cào bé Đ.V.B. (7 tuổi, hàng xóm của P.). Người thân cũng đưa bé B. đến nhà thầy lang chữa. Chị T.T.L. - mẹ bé B. - kể, sau khi kiểm tra, thầy lang kết luận B. không bị bệnh dại rồi bán cho 1 chai thuốc giá 500.000 đồng cho B. uống để “phòng bệnh”. “Nhiều người trong làng từng bị chó cắn đều đến thầy này lấy thuốc về uống. Cháu còn nhỏ, tôi sợ tiêm vắc xin sẽ ảnh hưởng sức khỏe” - chị L. cho hay. Đến khi P. tử vong, được chính quyền địa phương vận động, chị L. mới đưa con đến bệnh viện tiêm vắc xin phòng dại.

Ông H. dùng lá trầu không và 1 chất lỏng gia truyền bôi vào lưng để thử bệnh dại cho bệnh nhân
Ông H. dùng lá trầu không và 1 chất lỏng gia truyền bôi vào lưng để thử bệnh dại cho bệnh nhân

Dù đã được cảnh báo, song vẫn còn nhiều người dân tìm đến thầy lang để chữa bệnh dại thay vì đến bệnh viện. Ông H. - thầy lang chữa bệnh dại ở TP Vinh - mạnh miệng khẳng định với bệnh nhân: “Còn uống được nước thì tôi vẫn chữa được”. Cách khám bệnh của ông H. là dùng một loại chất lỏng bôi lên lưng của bệnh nhân rồi dùng lá trầu không nhai nhỏ, chà lên. “Nếu lưng đỏ lên thì đã mắc bệnh dại, còn không thì yên tâm không sao cả. Trường hợp đã mắc bệnh, ai muốn về đi tiêm thì đi, còn nếu tin tưởng tôi thì lấy thuốc về uống. Khi đã uống thuốc thì không tiêm vắc xin nữa” - ông H. nói. Ông không tiết lộ thành phần trong bài thuốc chữa bệnh dại của mình, chỉ cho hay đây là thuốc gia truyền. Bệnh nhân uống khoảng 10 ngày rồi quay lại khám. Phần lớn bệnh nhân của ông H. là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, không chịu tiêm vắc xin phòng bệnh dại vì sợ tác dụng phụ.

Chỉ có thể phòng, không thể chữa

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Thành - cho biết, quan niệm tiêm vắc xin phòng dại ảnh hưởng đến sức khỏe hay thai nhi là không đúng. Một số người bị chó cắn nhưng con chó đó không bệnh dại. Sau khi đến thầy lang chữa trị thì cho rằng nhờ thầy lang mà thoát bệnh dại, rồi truyền miệng nhau. “Ở huyện Yên Thành có 1 phụ nữ chữa bệnh dại bằng thuốc nam. Năm ngoái, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã đến kiểm tra, yêu cầu người này ký cam kết dừng hoạt động” - ông Tùng cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Huy Anh - Phó khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An - thông tin, từ đầu năm đến nay, đã có 7 người ở tỉnh Nghệ An tử vong do mắc bệnh dại. Phần lớn nạn nhân tử vong do không tiêm vắc xin phòng dại, hoặc dùng thuốc nam để chữa trị sau khi bị chó cắn. Khi có biểu hiện của bệnh dại mới nhập viện thì đã quá trễ. Bệnh dại thường có thời gian ủ bệnh từ 3-4 tháng, thậm chí đến 1 năm sau khi bị chó cắn. Một khi đã phát bệnh dại thì vô phương cứu chữa. Do đó, ông khuyến cáo: “Khi bị chó, mèo cắn, cào cấu, người dân cần rửa ngay vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy liên tục 10-15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để điều trị vết thương và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Đây là biện pháp duy nhất cứu người khỏi bệnh dại, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam hay các bài thuốc gia truyền”.

Năm 2024, tỉnh Nghệ An ghi nhận hơn 11.800 người đi tiêm vắc xin phòng dại do bị chó, mèo cắn. Ông Trần Võ Ba - Phó chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An - cho biết, tỉnh hiện có hơn 220.000 con chó, gần 40% chưa tiêm phòng dại. Từ đầu năm đến nay, tỉnh xuất hiện 14 ổ dịch, trong đó có 36 con chó chết và bị tiêu hủy do bệnh dại.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI