Nghệ An: Nhiều khu đất tái định cư bỏ hoang

03/01/2023 - 06:04

PNO - Chờ đợi đất tái định cư quá lâu, nhiều hộ dân thuộc diện di dời ở Nghệ An phải tự xoay xở lo cho cuộc sống của mình. Đến khi có đất thì người dân không còn muốn di dời.

 

Nhiều người dân xóm 9, xã Hưng Lam đã làm lại nhà, nâng nền để thích ứng với lũ, không còn nhu cầu di dời đến khu tái định cư - ẢNH: PHAN NGỌC
Nhiều người dân xóm 9, xã Hưng Lam đã làm lại nhà, nâng nền để thích ứng với lũ, không còn nhu cầu di dời đến khu tái định cư - Ảnh: Phan Ngọc

Khi cần không có, khi có lại hết cần

Năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đầu tư mở rộng dự án tái định cư (TĐC) cho các hộ dân vùng thiên tai, sạt lở xã Hưng Lam (nay là xã Xuân Lam), huyện Hưng Nguyên. Khu TĐC này nằm bên đường ven đê Tả Lam, có vị trí giao thông khá thuận tiện, gồm đường bê tông, mương thoát nước, điện sinh hoạt với kinh phí đầu tư hơn 24 tỉ đồng. 

Dự án do Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng để bố trí chỗ ở mới cho 100 hộ dân vùng ngập lũ và sạt lở đất phía ngoài đê sông Lam. Nhưng mãi đến 10 năm sau, năm 2021, dự án mới hoàn thành và bàn giao cho địa phương. Đến nay, khu TĐC vẫn bỏ hoang, chưa có một hộ dân nào đến ở. 

Ông Nguyễn Xuân Sinh - 55 tuổi, trú xã Xuân Lam - bày tỏ: “Khi có thông tin dự án được triển khai, người dân địa phương rất vui và lần lượt đăng ký với hy vọng thoát khỏi cảnh chạy lũ. Nhưng kỳ vọng rồi lại thất vọng. Chờ mãi cũng không thấy. Năm nào tiếp xúc cử tri dân cũng hỏi và họ cứ hứa mà chẳng thấy xong, nên chúng tôi phải tự xoay xở lo cho mình”. 

Chỉ tay về căn nhà mái thái 3 gian khang trang được xây từ vài năm trước, ông Sinh cho biết, ngán ngẩm cảnh chạy lụt hết năm này sang năm khác nên vợ chồng ông đã vay mượn để xây lại ngôi nhà cao ráo để tránh lũ. 

Ông Dư Văn Thủy - người dân nằm trong diện được di dời đến khu TĐC - cũng cho hay, vì chờ quá lâu nên năm 2021, ông đã xây nhà mới, nâng nền nhà cao thêm 1,3m để tránh lũ. “Xây cao như vậy thì năm nào lũ lớn cũng chỉ bị ngập nhẹ nên không còn quá lo lắng. Ở đây đất vườn nhà tôi có cả ngàn mét vuông, còn có thể làm rau để bán. Đến khu TĐC có ít đất, nên tôi không đi nữa” - ông Thủy lý giải.

Lo dân sẽ bán đất tái định cư

Tương tự, 2 khu TĐC dành cho dân vạn chài sông Lam ở xã Thanh Thủy và xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương cũng có nguy cơ “ế ẩm” do triển khai quá chậm. Dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2009 với kinh phí hơn 80 tỉ đồng, là nơi ở mới của gần 200 hộ vạn chài sống lênh đênh trên sông Lam. Thế nhưng đến đầu năm 2022, sau 13 năm, dự án mới hoàn thành, nên nhiều hộ dân ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương không thể chờ, đã rời sông lên bờ cất nhà ở từ lâu. 

Ông Bùi Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Võ Liệt - cho biết, hơn 10 năm trước, thời điểm dự án TĐC được triển khai, trên địa bàn xã có gần 100 hộ dân có nhu cầu chuyển lên khu TĐC, nhưng nay thì nhiều hộ không còn nhu cầu. Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - cho biết, dự án TĐC dành cho người dân vạn chài triển khai quá chậm khiến nhiều người không thể chờ đợi được. Ngoài ra, “Dân vạn chài làm gì có nhà, chỉ có mỗi cái thuyền thôi. Giờ lên bờ, Nhà nước không hỗ trợ tiền dựng nhà nên rất khó cho họ. Hơn nữa, dù được bố trí đất rừng sản xuất khi lên bờ, nhưng liệu người dân vạn chài có quen với trồng trọt trên rừng không!?” - ông Trình Văn Nhã đặt vấn đề.

Trước tình trạng trên, lãnh đạo huyện Thanh Chương cho rằng, nếu làm không chặt chẽ, sẽ dẫn đến tình trạng người dân đến nhận đất TĐC nhưng không ở mà bán lại cho người khác. Như vậy mục tiêu của dự án cũng không đạt được. 

Dân chê đất được cấp quá ít và cằn cỗi 

Năm 2010, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đầu tư xây dựng 2 khu TĐC tại 2 xã Quỳnh Thắng và Quỳnh Trang để di dời gần 100 hộ dân sống trong vùng bị ngập lụt ven hồ Vực Mấu và ven sông Mai Giang. Thời điểm đó, chủ đầu tư dự án là UBND huyện Quỳnh Lưu đã lấy ý kiến và cho người dân đăng ký di dời. Tuy nhiên, đến nay 2 khu TĐC này vẫn chưa có một hộ dân nào chuyển đến ở với lý do diện tích đất TĐC được chia quá nhỏ so với đất ở hiện tại của họ, nơi ở mới đất cằn cỗi khó trồng trọt như nơi ở hiện tại, tiền hỗ trợ xây nhà mới quá ít… Vì thế mà họ không muốn trả đất cũ để đến nơi ở mới, thay vào đó là nâng cao nền nhà để thích ứng với lũ. Bỏ hoang lâu năm, nhiều hạng mục được xây dựng khang trang bắt đầu xuống cấp, hư hỏng. 

Khảo sát lại nhu cầu tái định cư

Tại xóm 9, xã Xuân Lam có gần 200 hộ dân sinh sống lâu đời trên một ốc đảo nằm giữa sông Lam thường xuyên chạy lụt. Ông Nguyễn Văn Phận - Chủ tịch UBND xã Xuân Lam - cho biết, những năm gần đây, đường giao thông được bê tông hóa và nâng cao lên, theo đó người dân cũng nâng nền nhà cao lên theo đường nên không còn bị ngập nặng khi mưa lũ như trước. Hầu hết 100 hộ dân đăng ký di dời 10 năm trước nay đã tự xây lại nhà và nâng cao nền để thích ứng với lũ, chỉ còn khoảng 20 hộ ven sông có nguy cơ sạt lở đất có nhu cầu di dời.

Ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An - cho biết: nếu người dân không vào thì có thể mở rộng đối tượng được đến khu TĐC hoặc tham mưu chuyển mục đích sử dụng khu đất. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Xuân Lam cho rằng, khu TĐC này nằm ở vị trí khá khuất, trường hợp chuyển sang bán đấu giá cũng rất khó. Nếu bán được, số tiền thu về chắc chắn cũng sẽ không bằng số vốn đã bỏ ra để đầu tư cho dự án… 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI