Nghệ An: Người lao động không còn phải ngược xuôi tìm việc

21/01/2025 - 06:22

PNO - Với sự đầu tư của nhiều dự án FDI vào tỉnh Nghệ An, người lao động ở tỉnh này sẽ không còn phải ngược xuôi vào Nam, ra Bắc tìm việc làm nữa. Thời gian qua, nhiều lao động đi làm xa cũng đã trở về.

Công nhân làm việc ở khu công nghiệp  VSIP Nghệ An - ẢNH: HOÀNG MINH
Công nhân làm việc ở khu công nghiệp VSIP Nghệ An - ẢNH: HOÀNG MINH

Thu nhập giảm nhưng được gần con

Tan ca, chị Nguyễn Thị Bình - 40 tuổi, trú xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - tranh thủ ghé chợ mua thức ăn về nấu bữa tối cho gia đình. Nhà cách công ty gần 10km nên chị Bình khá vội. Nhưng bù lại, chị không còn phải lủi thủi nấu ăn trong phòng trọ chật chội như trước, có thời gian và điều kiện để chăm sóc cha mẹ và các con.

Trước đây, có thời gian dài vợ chồng chị Bình phải gửi 2 đứa con cho cha mẹ ở quê để vào Bình Dương làm công nhân. Với tổng thu nhập hơn 22 triệu đồng mỗi tháng, sau khi trừ các chi phí nhà trọ, sinh hoạt và gửi về nuôi 2 con nhỏ, tằn tiện chi tiêu, họ cũng không dư được bao nhiêu.

Chán cảnh đi làm xa nhà, xa con nên khi dịch COVID-19 bùng phát, vợ chồng chị Bình quyết định “hồi hương” để tìm việc làm gần nhà. Vì có nghề may nên chị Bình được nhận vào làm việc ngay mà không phải qua thời gian đào tạo.

“Nếu tăng ca thì lương, thưởng mỗi tháng cũng được 7-8 triệu đồng. Mức thu nhập này tuy có thấp hơn so với trong miền Nam, nhưng bù lại mình không mất tiền trọ, lại được ở gần con cái và cha mẹ. Đi làm xa nhà, vất vả nhất là những lúc các con đau ốm hoặc có công việc ở quê lại phải đắn đo suy nghĩ. Không về thì thương con, sợ mọi người trách, nhưng về thì vướng công việc, đường sá xa xôi, tiền tàu xe tốn kém…” - chị Bình nói.

Cùng suy nghĩ với chị Bình, anh Lê Quang Thành - 33 tuổi, xã Vân Tụ, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - quyết định về quê làm việc trong khu công nghiệp WHA (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) để được gần nhà.

Anh Thành từng làm quản lý cho một số công ty sản xuất linh kiện điện tử ở TPHCM và Bắc Ninh với mức lương gần 30 triệu đồng/tháng. Anh cho biết, gần đây có nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về sản xuất linh kiện điện tử đã đầu tư nhà máy ở Nghệ An nên không khó để tìm công việc phù hợp. “Dù lương không cao bằng trước đây, nhưng ở gần nhà mình có nhiều thời gian hơn bên gia đình, đỡ phải đi lại vất vả mỗi dịp lễ tết” - anh Thành nói.

Những năm gần đây, nhờ sự có mặt của các dự án FDI nên nhiều lao động ở Nghệ An không còn phải ngược xuôi vào Nam, ra Bắc tìm việc làm.

“Có nhiều công ty đang tuyển dụng với mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, nếu ở trọ thì cũng không dư dả bao nhiêu, nên mình muốn tìm việc gần nhà để vừa tiết kiệm chi phí vừa tiện chăm sóc mẹ” - chị Trương Thị Lành - 21 tuổi, trú xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc - nói sau khi tham khảo thông tin tuyển dụng của một số doanh nghiệp ở Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An.

Lành từng là công nhân một công ty sản xuất điện tử ở Bắc Ninh với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Ít tháng trước, mẹ ốm nên chị xin nghỉ việc, về quê.

Tỉnh Nghệ An có nguồn lao động dồi dào với hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là lợi thế rất lớn để phục vụ sự phát triển của các dự án, các khu công nghiệp của tỉnh. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, khoảng 790.000 lao động của tỉnh đang làm việc xa quê, trong đó có 90.000 người làm ở nước ngoài.

Những năm gần đây, xu hướng lao động làm việc ngoại tỉnh, nhất là từ TPHCM, Bình Dương… trở về tìm việc làm ngày càng tăng. Trong 2 năm 2023 và 2024 có gần 25.000 lao động trở về quê nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới.

Công nhân ngoại tỉnh khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An làm hồ sơ  hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được giới thiệu và tư vấn công việc mới - ẢNH: PHAN NGỌC
Công nhân ngoại tỉnh khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được giới thiệu và tư vấn công việc mới - ẢNH: PHAN NGỌC

Tăng lương, đãi ngộ để "giữ chân" lao động

Sau 27 năm, tỉnh Nghệ An đã thu hút được 169 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 5,686 tỉ USD. Từ vị trí thứ 20 (năm 2021) trên cả nước về thu hút vốn FDI, từ năm 2022 đến nay, Nghệ An liên tục lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.

Việc mời gọi thành công nhiều tập đoàn lớn của thế giới tham gia chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh như Luxshare, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Sunny… không chỉ tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đây cũng là cơ hội để người lao động có thể tìm được những vị trí việc làm mức lương tương xứng với trình độ đào tạo ngay tại quê nhà.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Lao động - việc làm - an toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An - cho biết, những tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất điện tử, năng lượng tiếp tục hoàn thành đầu tư xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động, nên nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn.

Riêng năm 2025, nhu cầu tuyển khoảng 33.000-43.000 lao động. Giai đoạn 2025-2029 nhu cầu tiếp tục tăng mạnh, riêng khối doanh nghiệp FDI có nhu cầu tuyển dụng khoảng 100.000 lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao là cán bộ quản lý cấp cao, cấp trung, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư công nghệ máy tính, kỹ sư bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)… và có kỹ năng về ngoại ngữ tiếng Trung.

Theo ông Hùng, nhu cầu cao, nguồn nhân lực dồi dào, song việc tuyển dụng cũng như giữ chân lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao của nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tiền lương, thu nhập tại các doanh nghiệp ở Nghệ An còn thấp hơn so với các vùng kinh tế trọng điểm khác. Các công trình phụ trợ, phúc lợi xã hội thiếu đồng bộ…

Đây là những “rào cản” khiến khả năng thu hút lao động tại chỗ vẫn còn thấp, nhiều lao động vẫn chọn “ly hương” để có thu nhập cao hơn. “Để thu hút lao động thì doanh nghiệp cần cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập cho người lao động” - ông Hùng nói.

Ông Thái Minh Sỹ - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An - cho biết, các doanh nghiệp FDI có quy mô lớn mới được đầu tư và đi vào hoạt động vài năm gần đây, nên tỉnh cần tăng cường tuyên truyền để người lao động xa quê nắm được nhu cầu tuyển dụng ở quê nhà.

Thông tin rộng rãi về tiền lương, chế độ đãi ngộ của các doanh nghiệp để người lao động cân nhắc trước khi trở về quê tìm việc. “Ngoài cải thiện mức lương, các doanh nghiệp cũng cần có chính sách chăm lo cho người lao động như hỗ trợ về nhà ở, xây dựng nhà trẻ, hệ thống đường sá, chợ… trong các khu công nghiệp để công nhân xa nhà yên tâm làm việc” - ông Sỹ nói.

Trước lo ngại thiếu lao động ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành chỉ thị yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương làm tốt công tác dự báo nhu cầu lao động và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

Rà soát số lượng lao động trên địa bàn từng xã, phường, thị trấn để thực hiện thông tin, kết nối cung cầu, thu hút lao động vào các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI…

Nhiều chính sách để giữ chân người lao động

Để hạn chế tình trạng “nhảy việc”, giữ chân công nhân, Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh (khu kinh tế Vũng Áng) đã áp dụng nhiều chế độ đãi ngộ. Doanh nghiệp hiện có 400 công nhân, mức lương bình quân là 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài đảm bảo chế độ lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, đơn vị còn hỗ trợ tiền ăn tăng ca, tiền chống nóng, tiền học tập cho con em 2 triệu đồng/người vào đầu năm học…

Xí nghiệp cũng xây dựng khu nhà ở cho người lao động. Công nhân ở gần được hỗ trợ tiền xăng xe, ở xa sẽ có xe ô tô đưa đón. Lãnh đạo xí nghiệp, cán bộ công đoàn còn gần gũi nắm bắt tâm tư, tạo môi trường làm việc thân thiện để công nhân yên tâm gắn bó lâu dài.

Ông Trần Bảo Khánh - Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp May 10 - cho biết, những chính sách đãi ngộ đã giúp người lao động phấn khởi làm việc, giảm hẳn tình trạng nghỉ việc.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI