Nghệ An, Nam Định cấm biển tránh siêu bão Yagi từ sáng 6/9

05/09/2024 - 17:52

PNO - Nghệ An cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 5g sáng 6/9. Nam Định cấm các phương tiện ra khơi; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 6g ngày 6/9 đến khi có tin bão cuối cùng.

Chiều 5/9, Nghệ An có công điện hỏa tốc, yêu cầu Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện ven biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TX Cửa Lò và TX Hoàng Mai; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị liên quan cấm tàu thuyền ra khơi để đảm bảo an toàn trong bão Yagi.

Ngư dân đưa thuyền đánh cá về cảng cá Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai) neo đậu tránh bão Yagi - Ảnh: Khánh Trung
Ngư dân đưa thuyền đánh cá về cảng cá Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai) neo đậu tránh bão Yagi - Ảnh: Khánh Trung

Theo đó, Nghệ An cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 5g sáng 6/9. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển cũng được yêu cầu phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 16g ngày 6/9.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung yêu cầu các địa phương ven biển, đơn vị liên quan sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú; tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn.

Nghệ An là tỉnh có nhiều hồ, đập lớn nhất của cả nước với hơn 1.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Trước dự báo là địa phương có mưa lớn do ảnh hưởng bão số 3, tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ nhỏ đã tích đầy nước do địa phương quản lý đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

Nông dân Nghệ An tranh thủ thời tiết năng ráo thu hoạch, phơi lúa - Ảnh: Phan Ngọc
Nông dân Nghệ An tranh thủ thời tiết năng ráo thu hoạch, phơi lúa - Ảnh: Phan Ngọc

Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, từ 20g ngày 5/9, thủy điện Nậm Nơn (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) dự kiến xả nước điều tiết với lưu lượng từ 400-1.000m3/s, và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ. Thời gian xả kết thúc cho đến khi lưu lượng nước về hồ giảm xuống dưới mức 311,74m3/s.

Cùng thời gian này, thuỷ điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) cũng sẽ vận hành hồ chứa cắt giảm lũ cho hạ du với lưu lượng xả 400-1.000m3/s.

Trước thông tin siêu bão Yagi sắp đổ bộ, dù không phải là khu vực tâm bão đi qua, nhưng nhiều ngày qua, người dân Nghệ An cũng đã chủ động tranh thủ thời gian thu hoạch lúa, hoa màu… tránh thiệt hại.

Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) - cho biết, để hạn chế thiệt hại, huyện yêu cầu các xã chỉ đạo người dân tranh thủ thu hoạch lúa vụ hè thu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Toàn huyện Nghi Lộc có hơn 5.000ha lúa vụ hè thu, đến nay đã có gần 3.000ha được thu hoạch.

Nam Định cấm biển từ 6g ngày 6/9

Cơn bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Dự báo từ đêm 6/9, bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Nam Định, khả năng gây gió mạnh, nước dâng, sóng lớn trên biển và ven biển; gió mạnh và mưa lớn diện rộng.

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo cấm các phương tiện ra khơi; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 6g ngày 6/9 đến khi có tin bão cuối cùng; đồng thời kiểm đếm, kêu gọi chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển, chòi canh vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 11g ngày 6/9.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, sở, ngành, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Các huyện, thành phố đình, hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng cán bộ lãnh đạo trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ. Đặc biệt, rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển (nhất là tàu thuyền ở khu vực vịnh Bắc Bộ, ven biển) và tại nơi tránh trú.

Phan Ngọc - A.S

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI