Nghệ An đặt mục tiêu tăng thu nhập cho người dân làng nghề lên 2 lần

14/10/2023 - 16:53

PNO - Thông qua đề án Bảo tồn và Phát triển làng nghề, Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2030, 80% làng nghề trên địa bàn sẽ hoạt động có hiệu quả, thu nhập bình quân của người lao động tăng ít nhất 2 lần.

Phụ nữ Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) cùng dệt vải thổ cẩm - Ảnh: Phan Ngọc
Phụ nữ Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) cùng dệt vải thổ cẩm - Ảnh: Phan Ngọc

UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030. Mục tiêu của đề án là giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng của các sản phẩm làng nghề.

Tính đến năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An có 182 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 3 làng nghề phát triển gắn liền với du lịch. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt 4 triệu USD/năm.

Đến năm 2030, Nghệ An đặt mục tiêu khôi phục, bảo tồn được ít nhất 2 nghề truyền thống và 2 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Ngoài ra, công nhận mới ít nhất 30 làng nghề, ít nhất 3 làng nghề truyền thống. Trong đó, có 4 làng nghề gắn với du lịch. 

Hơn 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả. Ít nhất 90% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; phấn đấu mỗi năm tổ chức 2 - 3 lớp dạy nghề, truyền nghề tại các làng nghề.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm. Thu nhập bình quân của người lao động tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020. Nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 8,5 triệu USD/năm. 

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong việc tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn.

Tỉnh cũng yêu cầu duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống. Lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các làng nghề; chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, khuyến khích sự sáng tạo trong các làng nghề; duy trì phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề…

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI