Bất an về nguồn nước ngầm
Kiểm tra lõi lọc nước để thay theo định kỳ, ông Nguyễn Hữu Tiêu - 65 tuổi, trú xã Nghi Ân, TP Vinh - cho biết, nước giếng khoan nhìn khá trong, song ông vẫn phải thay lõi lọc định kỳ 3 tháng/lần. Mỗi lần thay, chất bẩn bám dày lõi lọc, ống nước dẫn lên bồn chứa cũng bám đầy cáu bẩn màu vàng, phải sục rửa.
Dù hệ thống ống dẫn nước máy đã chạy qua cửa nhà ông Tiêu từ nhiều tháng trước, nhưng đến nay gia đình ông vẫn đang phải sử dụng nước ngầm. Không an tâm về nguồn nước, ông mua 2 máy lọc, một máy lọc thô dùng để tắm rửa và một máy lọc nóng lạnh dùng để lấy nước ăn uống hằng ngày.
Đó cũng là tình trạng chung của hàng ngàn hộ dân sống ở ngoại ô TP Vinh những năm qua. Lo lắng về chất lượng nguồn nước ngầm, một số gia đình phải mang can đến nhà người quen ở xã kế bên xin nước, hoặc mua nước lọc đóng chai về nấu ăn.
Anh Lê Văn Khang - 33 tuổi, trú xã Nghi Ân - cho biết: “Không rõ có phải do nguồn nước hay không, song số lượng người chết vì ung thư ở xã ngày một nhiều. Cha tôi cũng đang phải điều trị ung thư phổi. Nhưng không có nước máy thì phải dùng nước ngầm thôi”.
|
Người dân xã Nghi Ân phải lọc nước ngầm để tạm sử dụng |
Nói về chất lượng nguồn nước ngầm, ông Lê Văn Sáu - trú xã Nghi Ân, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành y tế Nghệ An - cho biết, vì ở gần sân bay Vinh nên Nghi Ân từng là “túi bom” của địch trong thời chiến. Ngày nay, vùng đất này lại phải hứng chịu nhiều hóa chất như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng… từ làng nghề trồng hoa, cây cảnh. Tồn dư của các hóa chất này khi thẩm thấu vào nguồn nước ngầm, dù có lắng lọc cũng rất khó loại trừ.
“Số lượng người chết vì ung thư ở Nghi Ân rất nhiều. Nhưng nhiều người vẫn chủ quan vì nghĩ đã có máy lọc nước” - ông Sáu nói.
Để theo dõi chất lượng nước ngầm, ông Sáu thường sử dụng bút thử TDS để kiểm tra chỉ số tổng lượng chất rắn hòa tan trong nước của gia đình và thường cho kết quả từ 200 - hơn 300 mg/lít. Theo ông, nước có chỉ số từ 0-170 mg/lít thì có thể sử dụng để ăn uống, từ 170-300 mg/lít thì sử dụng sinh hoạt, còn từ 300 mg/lít trở lên thì không nên sử dụng.
Ông Trần Văn Phượng - xóm trưởng xóm Trung Tâm, xã Nghi Ân - cho biết, vì lo cho sức khỏe của gia đình, sau khi dự án đường ống dẫn nước máy hoàn thành, nước về tới đầu ngõ, hơn 100 hộ dân trong xóm đã nộp hồ sơ lên Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An đề nghị được cấp nước máy. Nhiều gia đình còn thuê người đào hố lắp sẵn đồng hồ, nhưng đến nay toàn xóm mới có 14 hộ được cấp nước sạch.
Ông Chu Văn Mai - Chủ tịch UBND xã Nghi Ân - cho biết, đầu năm 2024, các dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường ống cấp nước ở xã Nghi Ân với tổng kinh phí hơn 30 tỉ đồng đã hoàn thiện và được đấu nối với đường ống do Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An quản lý, có thể cung cấp nước máy cho hơn 2.300 hộ dân.
Tuy nhiên, đến nay toàn xã có chưa đến 100 hộ dân được cung cấp nước máy. “Nguồn nước ngầm bây giờ không đảm bảo nên người dân kiến nghị được cấp nước máy rất nhiều. Những năm gần đây, số lượng người chết vì ung thư cũng rất nhiều, đa số là chết trẻ khiến người dân càng thêm lo lắng về nguồn nước” - ông Mai nói.
Nước sạch không đủ để đáp ứng!
Không chỉ tại xã Nghi Ân, thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Nghi Đức, TP Vinh cũng đã đến Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An nộp hồ sơ đề nghị được cấp nước máy, nhưng không được đáp ứng. Chỉ đường ống nước máy chạy trước cửa nhà, anh Trần Hồng Việt - 53 tuổi, xã Nghi Đức - nói, những tưởng khi hoàn thành đường ống, nước máy sẽ vào nhà, nhưng đã nhiều tháng trôi qua, điều đó vẫn chưa thành hiện thực.
“Thời chiến tranh ở khu vực này có một kho xăng dầu lớn nên tôi rất lo lắng về nguồn nước ngầm. Nước ngầm sau khi bơm lên bể chứa, tôi phải cho qua máy lọc tổng, rồi qua một máy lọc nhỏ hơn mới dám sử dụng” - anh Việt nói.
Hệ thống đường ống nước sạch ở xã Nghi Đức đã hoàn thành từ năm 2023. Trong đó, 7 tuyến ống đã đủ điều kiện cấp nước máy cho hơn 300 hộ dân, những tuyến còn lại đang được khảo sát để đấu nối với đường ống cấp 2, cấp 3.
Ông Võ Duy Trí - Phó chủ tịch UBND xã Nghi Đức - cho biết, dù đã nhiều lần đề nghị, song đến nay mới chỉ có gần 40 hộ dân được Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An đấu nối cấp nước máy, số còn lại vẫn phải chờ đợi vì… thiếu nước. “Nước sạch cho sinh hoạt là vấn đề cấp thiết. Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án mới sẽ tác động xấu đến nguồn nước ngầm, nên cần sớm cung cấp nước máy để người dân sử dụng, đảm bảo an toàn” - ông Trí nói.
|
Đường ống nước đã về tận ngõ, nhưng người dân xã Nghi Đức vẫn chưa có nước để sử dụng |
Một lãnh đạo Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An cho biết, do công suất các nhà máy nước cung cấp cho TP Vinh và vùng phụ cận hiện không còn đáp ứng được nhu cầu nên tạm thời phải ngưng hợp đồng mới.
Tổng công suất của 3 nhà máy nước cung cấp cho TP Vinh và vùng phụ cận chỉ đạt 94.000m3/ngày đêm, trong khi mùa hè, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao, nhiều thời điểm lên tới 130.000 - 140.000m3/ngày đêm, dẫn đến tình trạng mất nước, thiếu nước nghiêm trọng. Nước yếu, Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An thường phải cắt nước luân phiên nhằm dồn nước về từng khu vực dân cư.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, hơn 2.000 đơn đề nghị cung cấp nước máy được gửi đến Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An đang bị “treo” vì cung không đủ cầu.
“Nếu ký hợp đồng cấp nước cho người dân thì chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, người dân không còn bức xúc vì không được cấp nước. Nhưng như vậy sẽ càng thiếu nước và dân lại bức xúc vì bị mất nước. Hiện công ty đang làm thủ tục để xây dựng thêm nhà máy cấp nước với công suất 50.000m3/ngày đêm để đáp ứng nhu cầu của người dân TP Vinh, nhưng đang còn vướng mắc thủ tục” - lãnh đạo Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An nói.
Dân đòi lại tiền vì chờ 10 năm vẫn chưa có nước Năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An đồng ý cho lập dự án đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt để cung cấp nước cho xã Đô Thành, huyện Yên Thành với tổng mức đầu tư hơn 28 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách là 16,8 tỉ đồng, vốn đối ứng địa phương 11,2 tỉ đồng. Do nguồn vốn đối ứng không đủ nên UBND xã Đô Thành vận động dân đóng góp mỗi hộ 2,5 triệu đồng để xây dựng nhà máy nước. Là xã trũng thấp, nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn nặng, nên đa số người dân tại xã Đô Thành thời điểm đó đều háo hức, tích cực đóng góp với hy vọng sẽ sớm có nước sạch sử dụng. 6 năm sau, năm 2017, dự án hoàn thành và cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, do công suất không đủ đáp ứng nhu cầu nên chỉ gần 1.500 hộ dân ở 7 xóm được cung cấp nước sạch, 7 xóm còn lại đến nay vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn nước này. Chờ đợi quá lâu, dân nhiều lần yêu cầu UBND xã “khẩn trương cấp nước cho dân hoặc trả lại tiền đóng góp xây nhà máy”, song họ chỉ nhận được lời khất nợ. Ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành - cho biết, do trong quá trình triển khai, vốn ngân sách nhà nước bị cắt giảm nên hiện xã vẫn đang còn nợ nhà thầu 15 tỉ đồng và chưa thể quyết toán dự án. Hiện xã không có kinh phí để trả lại cho dân, cũng chưa biết đến bao giờ mới có kinh phí xây dựng nhà máy nước giai đoạn 2 để cung cấp nước máy cho toàn bộ người dân, nên chỉ có thể mong dân thông cảm, tiếp tục chờ đợi. |
Phan Ngọc