Những ngày này, hai chữ “vần công” rộn rã trên môi kẻ già, người trẻ ở vùng quê. Những ngày này, tình lân lý thực sự thể hiện trong mỗi nhà, mỗi nơi tạo thành một nét riêng không thể lẫn vào đâu được của nông thôn Việt. Tát đìa, tát mương vần công, gặt lúa đập lúa vần công, giã gạo vần công, quết bánh phồng, tráng bánh tráng vần công, lợp nhà vần công...
Hãy hình dung cảnh tượng vui vẻ của một buổi tát đìa, tát mương ăn Tết. Người nhà quê thường để dành ít nhất một hai đìa cá (nếu có) để gần Tết bắt cá lóc, cá rô đồng rộng trong lu, trong khạp ăn dần. Chỗ không có đìa thì tát mấy con mương quanh nhà. Mấy nhà cùng xúm lại tát đìa, hôm nay nhà này, mai nhà khác. Công việc tát nước bắt cá nhờ vậy không còn chút gì là nhọc nhằn như khi tát một mình.
Vui nhất là khi người lớn đã bắt hết cá, tôm, tép rồi thì lũ trẻ đứng trên bờ tự nãy giờ ùa xuống “hôi” tiếp. Ít nhiều gì cũng còn cá tôm sót lại. Có đứa giỏi bắt cá dưới bùn hôi được nhiều, có đứa không bắt được gì. Nhưng không sao, ai cũng có phần. Thậm chí còn có cá tặng cho những nhà neo đơn, cho người già cả trong xóm để ai cũng có nồi cá kho đón Tết. Cái đạo lý “Ăn đồng, chia đủ” ấy, thật đẹp làm sao!
|
Tát mương bắt cá |
Lại nhớ, cả xóm thi nhau gặt lúa ngoài đồng. Những năm còn làm lúa mùa, cứ gần Tết là lúa chín. Bà con phải gặt cho kịp mang về nhà, đập lúa bỏ vào bồ rồi mới thong dong ăn Tết. Cũng gặt, đập vần công, hết nhà này sang nhà khác nên không khí vùng quê lúc nào cũng ấm áp, nhộn nhịp. Cánh đồng lúa chín vàng, lòng người cũng vàng rực, óng ánh nghĩa tình như thế.
Chưa hết, những buổi giã gạo để có ít gạo mới cúng ông bà trên mâm cơm ngày Tết cũng rộn rả không kém bởi hình thức lao động vần công này. Đó cũng là dịp để những chàng trai, cô gái thân thiết nhau hơn, hiểu nhau hơn và biết đâu sau ngày Tết, lại có những cặp “nên duyên”.
Ngày nay, đa phần trồng lúa thần nông, lọai lúa ngắn ngày, từ hai đến ba vụ mỗi năm nên chuyện gặt lúa ăn Tết cũng mất dần, chuyện đập lúa, giã gạo vần công cũng trôi vào quá khứ bởi mọi thứ đã được máy móc làm thay rồi. Và trôi vào quá khứ còn là tiếng quết bánh phồng trong đêm, âm thanh thình thịch ấy đã đi vào giấc ngủ êm đềm của bao đứa trẻ miền quê trong khi với người lớn đó là những đêm xóm làng không ngủ với niềm náo nức đợi xuân về.
|
Làng nghề bánh phồng ở thị trấn Cái Bè - Ảnh: Việt Ngân |
Cảnh những bác nông dân ngồi lợp lá trên các mái nhà, miệng cười toe toét cũng rất quen thuộc. Những tiếng gọi nhau í ới để đưa lá lên, để tiếp thêm lạt buộc cứ ầm ĩ cả một góc trời. Hầu hết các nhà trong xóm đều là nhà lá nên mỗi năm cứ gần Tết mọi nhà lại kiếm tiền mua lá lợp lại nhà, chuẩn bị mùa mưa sắp tới. Những chàng trai trong xóm lại đi lợp nhà vần công theo lịch được sắp xếp rất nghiêm nhặt cho từng nhà.
Và cuối cùng ai cũng vui vẻ đón Tết trong căn nhà tinh tươm, ấm cúng mỗi lúc xuân về. Làm vần công còn có cái lợi là những tấm lá, bó lạt còn dư lại của nhà này có thể chuyển qua nhà khác không bỏ phí thứ gì. Cái lợi nhất vẫn là cái chuyện “Anh giúp tôi, tôi giúp anh, cả xóm giúp nhau” đã trở thành một hương ước bất thành văn thắm đượm trong lòng người của một thời nghèo khó mà sáng trong, đẹp đẽ.
Những ngày cận Tết, ngồi nhớ lại một nét sinh hoạt của miền quê xưa, lòng cứ bồi hồi nao nao. Hình như có nhiều thứ đang mất dần đi theo thời gian, theo sự phát triển của cuộc sống. Dù sao, tôi vẫn có niềm tin rằng tình làng nghĩa xóm không vì thế mà phôi pha, rằng nông thôn mới vẫn mang trong lòng nó cái gốc rễ của tình người, một tình người như “lạt mềm buộc chặt” để làm nên sức mạnh của cộng đồng.
Và dẫu hình thức “Vần công” không còn nữa thì cái đạo lý “tối lửa tắt đèn có nhau” ấy vẫn sáng mãi trong lòng dân tộc Việt.
Trúc Ty