Ngày xuân hát nên bài tình ca

13/02/2021 - 06:13

PNO - Cứ mỗi khi đất nước trải qua những thời khắc khó khăn, lại luôn có những bài ca xuân tuyệt hay ra đời. Chúng như thể chứng minh một nghịch lý về sự lạc quan của người Việt, nhưng có lẽ chúng cũng là phương thuốc an ủi, động viên tinh thần.

Không có gì gọi xuân bằng cái lạnh đang sắt lại. Trong giá rét tưởng chừng làm ta co mình, thì văng vẳng một giai điệu có nét ca trù với những rền nảy lạ lùng. “Bao nhiêu bộn bề, bộn bề mùa xuân… ứ hư”… Lúc ấy ngoài trời lất phất mưa bay, phố phường làng mạc phủ một màu xám đùng đục như trùm tấm chăn. Bên dưới tấm chăn ấy, đường sá xuôi ngược người xe của những chuyến đi cuối năm. Bài hát về mùa xuân vẫn cứ tiếp tục, như dòng miên man của một nỗi nhớ đã sẵn trong lòng.

“Tôi mơ trời xuân 
bao tươi thắm”

Không hiểu sao, giai điệu xuân gây ấn tượng với tôi trước nhất thường là những nỉ non của các làn điệu hát cổ, hay những bài nhạc xuân thời đầu tân nhạc. Những nét ai oán lạ lùng, nếu như so sánh với các bài ca xuân “kích động” được dùng cho các hoạt động thương mại thời hiện đại sau này, vang lên từ nhạc cụ cổ truyền và giọng ca réo rắt, lẽ ra gợi nỗi cô đơn.

Một số bìa bản nhạc xuân của dòng âm nhạc cách mạng
Một số bìa bản nhạc xuân của dòng âm nhạc cách mạng

Nhưng lạ lùng thay, những nét nhạc rất mảnh và những lời ca ngâm ngợi lại chạm vào những sợi dây cảm xúc mong manh, gợi một cảm giác rất “xuân”. Điều này có lẽ vì thực tế thời tiết mùa xuân, nhất là những ngày giáp tết, hay có mưa phùn gió bấc và cái lạnh thấm vào da thịt. Những nhịp phách, trống điểm vào giữa những câu luyến láy, gợi một không khí huyền hoặc.

“Đàn xuân tủi lòng
Nảy cung đợi mong
Reo ai oán trong khuê phòng
Tình tang tang tính tính tình
Lạnh lùng hơn gió ngoài đồng…

Lê Thương diễn tả một Bản đàn xuân đầy vẻ mong manh se sắt, từ âm điệu đến lời ca gợi nhớ những khúc cổ thi, nơi “khuê trung thiếu phụ bất tri sầu”. Bài hát thời đầu tân nhạc này ít còn được nhớ, nhưng mùa xuân đượm vẻ cổ điển báo hiệu sự giao thoa giữa những cung bậc nỉ non của dấu vết văn hóa Á Đông nương vào sự biến đổi tuần hoàn của trời đất và những vũ khúc tưng bừng của các giai điệu âm hưởng Tây phương.

Cùng thời điểm với khúc xuân đượm vẻ ảo não nhưng trong trẻo của Lê Thương, mùa xuân đầu của tân nhạc cũng mau chóng tràn ngập những hình ảnh “Nắng xuân loáng in gương hồ/ Bướm xuân giỡn nô trên bờ” (Xuân nghệ sĩ hành khúc - Lê Yên, năm 1937). Bản hành khúc tưng bừng đón xuân của Lê Yên là một ảnh hưởng ngoại lai, nhưng vẫn là tâm tình của lứa thanh niên ấy.

Bản đàn xuân sử dụng chất liệu của những điệu “oán” tương phản với những điệu valse hay nhịp hành khúc sôi nổi, tựa như tiết xuân giao mùa giữa cảnh đông giá và nắng ấm có thể đến bất chợt, báo hiệu một mùa hè dài của xứ sở nhiệt đới gió mùa. Cũng chính một bài nhạc xuân theo điệu valse, nhưng ca từ bàng bạc sương khói cổ thi của “Hồn cầm phong sương hình dáng xuân tàn”, ấy là Cung đàn xưa (năm 1942) của Văn Cao.

Nhưng không chỉ phản chiếu dấu vết ảnh hưởng của thời tiết tự nhiên, sự khác biệt của hai thế giới xuân trong tân nhạc phản ánh chính xác sự tiếp biến văn hóa của thế hệ thanh niên trí thức thuộc địa, vốn sinh trưởng trong một xã hội còn giữ nhiều cơ sở văn hóa truyền thống, song đã hưởng sự giáo dục tân học.

Trong đó, những giá trị của thẩm mỹ Tây phương có một vẻ quyến rũ của lối diễn đạt tân kỳ, sẵn sàng cho cuộc phô bày bản ngã với bên ngoài. Mùa xuân nằm trong một tổng thể không gian văn hóa, nơi mà xuân là thời gian ước hẹn của “Hôm nay trời xuân bao tươi thắm/ Dừng gót phiêu linh về thăm nhà” ( láng giềng - Hoàng Quý, năm 1942).

Xuân luôn gợi ý niệm cho con người Việt buổi giao thời nhu cầu tìm về nguồn cội văn hóa của mình. Ý niệm khởi nguyên của mùa xuân trong tân nhạc là sự nối dài của hệ thống thẩm mỹ trong Thơ mới cùng thời, của những “Năm mới, tháng Giêng, mồng Một tết/ Còn nguyên vẹn cả mùa xuân” như đại biểu của trào lưu này là Nguyễn Bính đã viết. Bản thân những bài Thơ mới cũng là chất liệu ca từ cho nhiều bài hát mùa xuân ra đời, từ “Xuân đã đem mong nhớ trở về” (Cô lái đò - Nguyễn Đình Phúc, năm 1942) đến “Lòng xuân lơ đãng, má xuân nồng” (Gái xuân - Từ Vũ, năm 1953). Cả một trời xuân hứa hẹn khúc sum vầy, thay dần màn sương khói ảo não của những lời ca buổi đầu.

Xuân của một thời mang dáng vẻ phong tình, lồng trong những vũ khúc tưng bừng, mang thông điệp giục giã “Vui sướng đi cho lòng thêm hăng hái” như lời bài hát sôi nổi Xuân và tuổi trẻ (nhạc La Hối, lời Thế Lữ, khoảng năm 1943-1946) là đại diện. Những bài hát xuân của thời xa xưa luôn khiến tôi ngạc nhiên về sự cầu kỳ của ngữ vựng, của một niềm tin có sắc thái vĩnh cửu về sự hoàn mỹ của mùa xuân, cho dù chúng có kể về muôn hình vạn trạng những mối tình đã ra đi, mà người trong cuộc chỉ biết “đành lòng nay tôi bước chân ra đi, giơ tay buồn hái bông hồng tường vi” giữa lúc xuân vẫn chưa tận.

“Ước mơ những mùa xuân 
bóng dáng tương lai”

Những bài ca xuân từ cuối thập niên 1940 trở đi, đối diện một thực tại khác: những cuộc chiến tranh. Bối cảnh cũng khiến các nhạc sĩ đi theo những hướng phản ánh khác nhau. Những người mang tâm thế biểu đạt vẻ trữ tình có xu hướng viết những âm điệu thoát ly thực tế, tìm đến vẻ đẹp hư ảo của nhân sinh phù thế. Xuân với họ là một chốn Đào Nguyên mãi mãi bình yên, nơi “Đây trên bến xuân thướt tha, bóng xuân về yêu kiều bên nàng hoa” (Bến xuân xanh - Dương Thiệu Tước, năm 1949). 

Cũng một nhạc sĩ đã cho ra đời những khúc ca xuân nổi tiếng là Văn Cao, đã viết lời mới cho bản Bến xuân (năm 1943) của mình thành Đàn chim Việt (năm 1946), tựa như một cuộc chuyển mình mang đầy tính chuyển hóa. Khi viết lời mới, Văn Cao vẫn giữ lại đôi nét gợi nhớ dấu ấn của lời ca nguyên thủy: “Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca” và “Kìa nước xa xa sông Cấm còn mịt mùng ngoài bến xuân”.

Oanh được cho là tên của người đẹp Hoàng Oanh mà Văn Cao đem lòng yêu mến nhưng không dám ngỏ lời, còn bến xuân chính là nơi “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước” cạnh sông Cấm ở Hải Phòng ngày nào. Văn Cao sau đó đã rời bỏ những âm điệu trữ tình, nhưng dấu vết lãng mạn vẫn còn ngay trong những bản hành khúc: “Chúng ta ươm lại hoa sắc hương phai ngày xa/ Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu/ Những bông hoa ngày mai, đón tương lai vào tay/ Những xuân đời mỉm cười vui hát lên” (Tiến về Hà Nội, năm 1949).

Những năm tháng chiến tranh, mùa xuân là mộng ước sum vầy, tìm lại khoảnh khắc riêng tư. Hai từ “hy vọng” và “mộng ước” có lẽ là những từ khóa nhận diện những bài hát xuân phổ biến nhất, cho dù ở miền Bắc hay Nam. Qua làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam hay ở nhà tù Côn Đảo, người ta nghe và hát “Ước mơ, những mùa xuân bóng dáng tương lai/ Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm có mùa xuân nào đẹp bằng” (Bài ca hy vọng - Văn Ký, năm 1958). Trong phòng trà Sài Gòn hay miền cao nguyên, người ta mơ mộng “Rồi mai, có một lần tôi đưa em/ đưa em về miền nắng ấm/ Những con chim thôi ngủ sau mùa đông lạnh căm/ Hát lên gọi mùa xuân rạng rỡ/ đem mặt trời tô mắt dại tuổi mơ” (Mùa xuân trên đỉnh bình yên - Từ Công Phụng, cuối thập niên 1960).

Tôi vốn quan tâm đến một cảm thức tình tự chung của người Việt trước khi đất nước xảy ra chiến tranh và chia cắt. Những bài hát nói đến mùa xuân của một thời hay phóng chiếu tình tự riêng tư vào tình tự dân tộc. Có lẽ những mối liên hệ to lớn thuộc về đất nước, cộng đồng chỉ thuyết phục khi nói bằng tiếng lòng của những trái tim mưu cầu sự đoàn viên. Một Ly rượu mừng (Phạm Đình Chương, khoảng năm 1956) thiết tha mong ước “Ngày ấy quê hương yên vui, đợi anh về trong chén tình đầy vơi”.

Thập niên 1950 tân nhạc cùng có hai bản Tình ca cùng ký thác nỗi lòng vào những mùa xuân chưa trọn đoàn viên. Bài hát của Phạm Duy viết năm 1953 mang một thông điệp hơi có sắc thái chính luận: “Vì yêu, yêu nước, yêu nòi/ Ngày xuân tôi hát nên bài tình ca”. Trong khi đó, Tình ca của Hoàng Việt ra đời năm 1957 lại là khoảng lắng đọng giữa những cơn phong ba thét gào của thời cuộc. 

“Khi đã nghe tiếng ca của lòng người yêu phương xa
Em hãy ngước mắt lên vui nhìn trời xanh quê ta
Chim bay giăng giăng ngoài nắng xuân đẹp thay
Tan cơn phong ba lòng đất yên rồi đây
Em hãy nở nụ cười tươi xinh 
như cánh hoa xuân chào riêng anh
Nói nhau ngàn lời qua đôi mắt xanh…”

Hơn sáu thập niên đã qua, những ước vọng có khi đã thành, có khi còn dang dở, nhưng cái đẹp mà mùa xuân gợi cảm hứng cho các nhạc sĩ vẫn là bằng chứng cho phần trữ tình trong mỗi người Việt, cho dù họ khác biệt lý tưởng hay đã từng đối địch nhau qua những chiến tuyến hữu hình lẫn vô hình.

Một số bìa bản nhạc xuân lãng mạn  của các nhà xuất bản  giai đoạn 1948-1956
Một số bìa bản nhạc xuân lãng mạn của các nhà xuất bản giai đoạn 1948-1956

“Phiến đá vàng lại sống”

Quả thực, cứ mỗi khi đất nước trải qua những thời khắc khó khăn, lại luôn có những bài ca xuân tuyệt hay ra đời. Chúng như thể chứng minh một nghịch lý về sự lạc quan của người Việt, nhưng có lẽ chúng cũng là phương thuốc an ủi, động viên tinh thần. Những năm tháng tuổi thơ tôi ghi dấu những mùa xuân gió lạnh vào căn nhà tuềnh toàng của bố mẹ, song ai nấy hối hả lo một cái tết đầy đủ mỗi lần xuân về. Bài ca xuân của tôi khi ấy là những lời ca chép trong sổ tay của người chị, là những giai điệu trên sân khấu ca nhạc xí nghiệp người mẹ, và những tiết mục ca nhạc phát trên màn hình ti vi đen trắng.

Còn nhớ, bài ca ấn tượng trong sổ tay chị gái tôi đọc là “Mẹ mong đứa con xa nhà, rồi mùa xuân anh ấy sẽ về” (Mùa xuân gọi - Trần Tiến, năm 1981). Giai điệu trên sân khấu tôi nhớ là “Và anh lại ra đi, vui như ngày hội/ Mùa xuân biên giới, súng anh gác trời xa” (Tình ca mùa xuân - Trần Hoàn, thơ Nguyễn Loan, năm 1979). Khi ấy tôi vẫn không biết rằng, tất cả bài ca mùa xuân của 15 năm sau thống nhất vẫn khắc khoải mong ước sum họp. Tiết mục ca nhạc đến giờ tôi vẫn nhớ, là ca sĩ Thanh Lan cất tiếng hát thánh thót: “Gửi về anh/ Người trai Hà Nội/ từ nơi xa xôi quê dừa em đã hẹn, tặng anh một bài ca mới, trái tim em vời vợi nhớ thương” (Hà Nội mùa xuân - Văn Ký, năm 1979).

Những bài ca xuân man mác vẻ lãng mạn hơn so với số đông các bài vẫn phát trên đài, mà khi lớn lên, tôi mới cảm nhận chúng thể hiện phẩm chất vượt gian khổ phi thường của người Việt trong cảnh còn rất nhiều khoảng cách, nhiều khoảng trống vẫn chưa thể rút ngắn, cho dù đã có những chuyến “tàu ta xuôi Nam ngược Bắc/ Và người thương về với người thương” (Đường tàu mùa xuân - Phạm Minh Tuấn, năm 1976)… Dẫu vậy, lúc nào trong tâm khảm thường nhật, lời ca vẫn lấp lánh: “Qua bao nhiêu đau thương nay mùa vui theo chim én đã bay về” (Em ơi mùa xuân đến rồi đó - Trần Chung, năm 1977).

Ngẫm lại, có lẽ mùa xuân những năm tháng ấy đã vui hơn vì những bài ca động viên con người bằng tình yêu, bằng một tâm thế chia sẻ. Khi bài ca bắt đầu có những ca từ mông lung hơn, cũng là lúc tôi nhận ra cuộc sống đang dần đổi thay. Quần áo mới hơn, phố phường nhiều xe hơn, và bữa cơm tết cũng nhiều món hơn. Như thể, vẫn cơn mưa phùn giá buốt năm trước ấy, mà giờ mỗi hạt là một chấm hy vọng của mùa xuân.

“Khi giọt mưa, khi giọt mưa của mùa xuân rơi xuống
Em biết rằng, em biết rằng, giông tố đã bình yên
Gió heo may im, phiến đá vàng lại sống
Lạnh lẽo qua rồi, mưa như lửa bừng lên”

(Khát vọng mùa xuân - Huy Du, thơ Huy Cừ, năm 1984)

Những lời ca xuân vẫn là chỗ dành cho những ý thơ hoa mỹ, những biểu tượng tương phản giữa sự nảy nở của mầm sống mới và cái lụi tàn quá khứ. Trong mỗi thập niên, những lời ca xuân cứ tiếp nối nhau thúc giục con người sống tiếp và tình tự. Sau nửa thế kỷ, những bài ca xuân lại trở về với những khoảng lặng tha thiết, những rung nảy trong trẻo như tơ.

Những năm 1930, những làn điệu ca trù hay chèo từng làm nên thành tựu buổi đầu của các bài hát xuân, thì 50 năm sau, nét truyền thống quay lại. Những lời ca hát kiểu nảy hạt của Một nét ca trù ngày xuân (Nguyễn Cường, năm 1983), Hơi thở mùa xuân (Dương Thụ, năm 1983) và tiếp tục âm hưởng đến tận Thì thầm mùa xuân (Ngọc Châu, 1992) giữ được chân giới trẻ, trong khi người ta phát đi phát lại những bài hát của ABBA hay Michael Jackson như một thứ nhạc xuân.

Những bài ca xuân suốt chiều dài phát triển đã cho thấy chúng có khả năng làm dịu những năm tháng nhọc nhằn,“gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan”. Biết bao người đã vượt qua cảnh tù đày, tật bệnh, cái chết, những hy sinh mất mát là nhờ sự gợi ý lạc quan về tương lai của các câu ca xuân. Dường như chính lúc này, một điệu đàn xuân bay bổng, một lời ca nhuần nhị đắm say cũng có sức mạnh không ngờ. 

Nguyễn Trương Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI