Ngày xưa, sợ tiếng pháo

31/12/2022 - 12:21

PNO - Pháo nổ giờ đã là chuyện xa xưa, cũng như một thời bao cấp thỉnh thoảng người ta sẽ nhớ đến nhưng chỉ là hoài niệm, không ai muốn quay lại.

Tết, có một mùi hương cứ vấn vương ký ức, cứ những ngày cuối năm là nhớ. Không phải nhớ để tiếc nuối hay mong chờ, mà vì đó là một phần của tết xưa rộn ràng xôn xao. Những âm thanh đì đùng, mùi thơm lan xa, nghe là biết tết đã chạm ngõ. Một năm mới sắp bắt đầu. 

Đó là mùi pháo, thứ hương gây thương nhớ của những ngày xuân năm cũ. Xưa không cấm pháo, nhưng người ta cũng không đốt lung tung, chỉ có tết hoặc những dịp đặc biệt như cưới hỏi tân gia mới nghe tiếng pháo. Thời khắc giao thừa, pháo rộ khắp nơi, âm thanh nối dài không dứt từ nhà này sang nhà khác. Mùi khói pháo cũng theo đó mà lan tỏa, nồng nồng. Tôi thích những sáng mùng Một yên bình, đường lớn hẻm nhỏ hồng xác pháo. Hầu như không ai vội quét sân, đầu năm tài lộc phải giữ lại nhà, có kiêng có lành. Xác pháo cứ thế mà ở đấy, vương trong gió, như một phần của ngày xuân tươi đẹp.

Đốt pháo thực ra rất tốn tiền, một phong (bánh) pháo nổ đùng đoàng vài âm thanh là hết, muốn nghe “cho đã” phải nối nhiều phong, còn phải thêm pháo đại vào mới đủ vang. Hẻm tôi ở ngày ấy, các nhà cũng đua nhau tiếng pháo, gần đến giao thừa là treo một dây pháo thật dài, mở rộng cửa để người qua lại trầm trồ. Nhà này thường chờ người khác đốt trước, như nhà tôi có mỗi phong pháo cháy rất nhanh, nên hay chờ cuối cùng mới “chốt show”. 

Sáng mùng Một, tôi sẽ cùng lũ bạn trong xóm chạy đi nhặt pháo lép, nhặt lén thôi vì người lớn không cho. Gom gom được nhiều chúng tôi lại đốt, tất nhiên là đi khá xa nhà để không bị bắt gặp. Nghịch xong, chúng tôi ngoan ngoãn chạy về nhà, chờ khách đến để chúc tết nhận lì xì.

Đó là những ngày còn nhỏ, lên cấp II tôi đã bớt thích pháo, cũng không đi nhặt pháo lép nữa. Tôi đã biết pháo nguy hiểm, có lần một đứa trong nhóm trẻ chúng tôi đã bị rách tay vì pháo, may mắn pháo tép, nhỏ nên không đến mức nghiêm trọng.

Tôi không thích pháo cũng một phần là sau này nhiều anh chị lớn nghịch ngợm, chuyên rình ném pháo vào người qua đường. Bạn tôi mùng Hai tết đang chạy xe bị trúng viên pháo, tét ngón chân cái, phải vào bệnh viện may lại, qua tết vẫn còn đi cà nhắc. Bác sĩ nói may mà pháo mới ném lệch xuống chân, không thì tác hại còn lớn hơn.

Tôi sợ nhất là những người đốt pháo đại, mỗi tiếng nổ đều đinh tai nhức óc, loại này nếu trúng vào người thì chắc chắn nát chân tay. Những vụ tai nạn do pháo gây ra, tôi nghĩ cũng không ít, chỉ là thời đó không internet, không điện thoại nên ít phổ biến.

Mà ngày xưa pháo còn “hiền”, lượng thuốc vừa phải, pháo lậu bây giờ mới thật đáng sợ, nổ như động đất, có thể làm nứt tường hư hại nhà cửa. Pháo thời nay không còn mang nét văn hóa dân gian nữa, mà là thuốc nổ tác hại khôn lường.

Năm 1995, pháo chính thức bị cấm. Giao thừa tết tây năm ấy, ngày cuối cùng của năm 1994, xóm tôi rộn ràng tiếng pháo - âm thanh lẽ ra chỉ có trong tết Nguyên đán. Không phải nhà còn dư lấy ra dùng cho hết, vì pháo là chất nổ bình thường cũng không ai dự trữ (trừ nơi bán). Người ta đốt pháo dịp cuối, tranh thủ nghe mùi thơm, ngắm xác pháo, rồi xếp vào những ngăn kỷ niệm. 

Cái tết đầu tiên có lẽ còn tiếc nuối, nhớ tiếng pháo giao thừa, tự thở dài không pháo không vui. Nhưng năm thứ hai, thứ ba rồi rất nhiều năm sau đó, khi đã quen với những ngày xuân an bình, đi trên đường không còn nơm nớp lo sợ bị quăng pháo vào người, thì cảm giác của tôi là thật mừng. 

Niềm vui ngày tết của tôi bây giờ là ngắm pháo hoa đêm giao thừa. Có khi nhà tôi sẽ ra đường, đến những điểm người ta tụ tập xem pháo hoa, cùng đếm ngược thời khắc chuyển giao trong không khí rộn ràng năm mới.

Năm nào bận thì chúng tôi sẽ lên sân thượng cũng có thể ngắm được. Pháo nổ giờ đã là chuyện xa xưa, cũng như một thời bao cấp thỉnh thoảng người ta sẽ nhớ đến nhưng chỉ là hoài niệm, không ai muốn quay lại. Vui tết là phải an toàn, mà pháo có thể gây nguy hiểm nếu bất cẩn, nên… không đốt vẫn tốt hơn. 

Nguyên Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI