Ngày xưa khuê các

07/12/2014 - 11:14

PNO - PNCN - Kính gửi chị Hạnh Dung! Vợ tôi vốn là con nhà giàu, ngày xưa, lúc tôi “cưa” cô ấy, những người quen biết đã cho là tôi “trèo cao té đau”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Không ngờ sau đó gia đình cô ấy gặp chuyện không may trong làm ăn, rồi sa sút, tôi được tiếng là bác sĩ, dù cũng chỉ mới ra trường, nghèo rớt, nhưng ba mẹ cô ấy đồng ý gả. Vợ chồng sống với nhau gần 36 năm nhưng tôi cảm giác cô ấy vẫn không yêu mình thật lòng. Gia đình tôi chuyển vào TP.HCM đã hơn hai mươi năm nay, hai con trai đã lớn, kinh tế cũng tạm ổn, nhưng cô ấy vẫn không bằng lòng.

Những lúc kể chuyện cho con cái nghe, cô ấy vẫn nói: ngày xưa mẹ đi học trung học, xe hơi đưa đón tận cổng trường. Tôi không để vợ con thiếu thốn gì, nhưng tôi không phải là triệu phú để vung tay mua sắm xe hơi, thuê người làm… như cô ấy mong muốn. Tấm gương của ông bà ngoại vẫn còn đó: từ chỗ ở biệt thự, đi xe hơi tới chỗ phải về làng xin ở đậu nhà người ta mà trốn nợ. Mỗi lần vậy, tôi đều nhắc, dù biết vợ tôi không vui. Gia đình cứ lưng chừng, nóng lạnh giữa những chuyện quá khứ và hiện tại, tôi thực sự không biết vợ tôi muốn gì nữa…

Trọng Nhân (TP.HCM)

Ngay xua khue cac

Anh Trọng Nhân thân mến,

Mỗi người đàn bà đều có một cánh cửa mở vào cõi bí ẩn của riêng mình. Có thể, cõi riêng của vợ anh là những tháng ngày khuê các ngày xưa, thuở còn con gái - cái cõi hoa mộng mà biến cố gia đình đã cắt ngang quá phũ phàng. Vì vậy, nếu chị có đôi lần hoài niệm, kể chuyện, xin anh thông cảm, đừng nhắc lại những chuyện buồn đau, thất bại của gia đình. Anh càng nhắc, càng muốn răn dạy vợ nhớ đến bài học đau đớn đó, thì chị càng muốn quên đi! Một kiểu phản ứng ngược lại bình thường thôi anh ạ.

Mong muốn hiểu được tất cả những tâm tư suy nghĩ của người ta, điều khiển được người ta theo ý mình là một điều không thể, cho dù người đó có là vợ mình đi nữa. Vì vậy, Hạnh Dung nghĩ anh nên chấp nhận vợ cùng với “căn phòng bí ẩn” trong lòng chị ấy. Mà thực tế là bao nhiêu năm qua anh cũng đã chấp nhận rồi. Anh từng tự hào vì mình cưới được chị, dù mình nghèo. Vậy là trong niềm kiêu hãnh của anh có cả cái yếu tố chị là con nhà giàu, là tiểu thư khuê các. Vậy thì tại sao bây giờ anh lại muốn đập vỡ cái giấc mộng khuê các cũ càng trong con người vợ mình đi?

Có hai chuyện cần phân biệt rõ ràng ở đây, là chuyện tôn trọng những tâm tình riêng của vợ, và chuyện đáp ứng nhu cầu thực tế. Anh tôn trọng hoài niệm của vợ mình, không có nghĩa là anh phải sắm sửa cho chị ấy đủ xe hơi, biệt thự, người làm… đúng như ngày xưa chị từng có. Phụ nữ đôi khi chấp nhận hiện tại, nhưng mộng vẫn mộng, mơ cứ mơ. Chị đã chia sẻ đời sống hôn nhân với anh mấy chục năm nay, chắc chị hiểu thực tế. Đánh đồng thực và mộng chỉ làm khổ anh thêm, mà rồi khổ cả chị nữa.

Vì vậy, Hạnh Dung nghĩ cách tốt nhất để tránh cảnh “lưng chừng, nóng lạnh” là anh không nên tranh luận, chỉ trích gì những chuyện về quá khứ nữa. Quá khứ là kỷ niệm riêng của mỗi người, người ta có quyền sở hữu những ký ức đó theo màu sắc người ta ưa thích. Hãy tập trung sống cho ngày hiện tại. Cuộc sống ổn định, con cái trưởng thành… đó là những giá trị mà cả anh và chị đều biết, đều quý. Mặt khác, nếu có điều kiện anh có thể cùng chị đi chơi, cùng tìm một sinh hoạt chung để chia sẻ hạnh phúc. Khi hiện tại bận rộn những niềm vui, người ta sẽ bớt hoài niệm về quá khứ. Chúc anh chị vui và hạnh phúc.

HẠNH DUNG

 hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI