“Ngày xưa có một chuyện tình”: Phim chuyển thể hay nhất từ truyện Nguyễn Nhật Ánh

25/10/2024 - 16:16

PNO - Phim "Ngày xưa có một chuyện tình" không đưa vào những sáng tạo đến mức chuyển hướng tuyến truyện, tuyến nhân vật như ở 3 phim trước, mà trung thành khá sát với truyện. Cộng thêm sự nhập vai của dàn diễn viên đã tạo ra một bộ phim chuyển thể hay nhất từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

5 năm sau Mắt biếc, khán giả lại tiếp tục được thưởng thức một tác phẩm chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Ngày xưa có một chuyện tình (chiếu sớm từ ngày 25/10). Lần này người thử sức đưa những con chữ của ông lên màn ảnh là đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Đây là phim thứ ba của anh sau Thưa mẹ con điBằng chứng vô hình.

Phim kể câu chuyện tình bạn, tình yêu đẹp đẽ của Vinh, Phúc, Miền
Phim kể câu chuyện tình bạn, tình yêu đẹp đẽ của Vinh, Phúc, Miền

Ngày xưa có một chuyện tình phiên bản điện ảnh xoay quanh tình bạn, tình yêu tay 3 của 3 người bạn học Vinh, Phúc, Miền. Câu chuyện phim được mở màn bằng cuộc gặp gỡ giữa Phúc với bé Su, từ đó mạch phim quay về với quá khứ của Phúc. Phúc có người bạn thân là Vinh còm, cả hai cùng thích Miền - cô bạn học cùng lớp. Tuy nhiên, Miền chỉ dành tình cảm cho Phúc, Vinh biết ý lặng lẽ rút lui.

Miền chỉ dành tình yêu cho Phúc
Miền chỉ dành tình yêu cho Phúc

Oái ăm thay, giữa lúc Vinh dừng lại để giữ tình bạn đẹp, thì Phúc đột ngột bỏ nhà ra đi biệt tích, để lại Miền với cái thai trong bụng. 8 năm trôi qua, Vinh vẫn âm thầm ở bên cạnh Miền và hoàn thành được ý nguyện thuở nhỏ là cưới Miền làm vợ. Cuộc sống gia đình đang trôi qua ấm êm thì bỗng một ngày, Phúc trở về và muốn đưa Miền cùng con trai đi nơi khác sinh sống.

Khi đã trưởng thành Vinh vẫn dành tình cảm cho Miền
Khi đã trưởng thành Vinh vẫn dành tình cảm cho Miền

Nhiều phim trước đây chuyển thể truyện Nguyễn Nhật Ánh thường có những sáng tạo khiến tuyến truyện, tuyến nhân vật đôi khi bị chệch hướng. Chẳng hạn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh coi nhẹ tuyến tình bạn chỉ tập trung vào tình anh em, Mắt biếc biến nữ chính Trà Long thành nữ phụ, hay Cô gái đến từ hôm qua “chế” thêm tuyến truyện tình cảm cho nhân vật phụ Chiêu Minh và thầy giáo thể dục. Ngày xưa có một chuyện tình lại bám khá sát nguyên tác, dù cũng có một vài thay đổi nhỏ nhưng không đáng kể.

Trailer phim Ngày xưa có một chuyện tình:

Phim được kể dưới góc nhìn của 3 nhân vật Vinh, Phúc, Miền như trong truyện. Chuyển cảnh của phim khá mượt nên dù dùng thủ pháp đa điểm nhìn, khán giả cũng không thấy rối.

Vốn gây ấn tượng với lối kể chuyện từ tốn, nhẹ nhàng trong phim Thưa mẹ con đi, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh tiếp tục dùng lối kể này dẫn dắt người xem “trôi” vào nội tâm của nhân vật một cách chậm mà "thấm". Nhờ vậy khán giả không thấy sốt ruột trước tình yên đơn phương mù quáng của Vinh còm, không thấy ức chế trước sự phân vân lựa chọn người yêu của Miền, hay những hành động bồng bột của Phúc, mà chỉ thấy đồng cảm với nhân vật.

Tình cảm của Vinh và Miền tiến triển từ tình bạn đến tình yêu
Tình cảm của Vinh và Miền tiến triển từ tình bạn đến tình yêu

Mạch phim đi từ cảm xúc trong trẻo của tình bạn thời thơ ấu cho đến những thổn thức của tình đầu học trò đầu vụng dại thơ ngây. Tiến triển từ nỗi sợ hãi trước những cú sốc đầu đời cho đến niềm day dứt khắc khoải trong tình yêu đôi lứa khi tất cả đã lớn.

Quá trình trưởng thành trong tâm hồn lẫn tình yêu của bộ 3 Vinh, Phúc, Miền được khắc họa vừa nên thơ mà cũng vừa dữ dội, chạm đến trái tim người xem. Cảnh nóng trong phim được xử lý khéo léo, đẹp, không gây phản cảm.

Các diễn viên nhí thể hiện nhân vật Vinh, Phúc, Miền lúc nhỏ trong phim cũng tròn vai
Các diễn viên nhí thể hiện nhân vật Vinh, Phúc, Miền lúc nhỏ trong phim cũng tròn vai

Cũng như 2 phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhMắt biếc, Ngày xưa có một chuyện tình cũng ghi điểm ở phần bối cảnh và diễn viên.

Phú Yên một lần nữa hớp hồn người xem với những khung hình thiên nhiên tươi đẹp, yên bình. Cái đẹp của bối cảnh trong phim không phải để làm thỏa mãn chủ nghĩa duy mỹ của đạo diễn, mà mang lại cái “hồn” thực sự cho câu chuyện, nâng cảm xúc người xem lên.

Phim có nhiều góc máy rộng, trên cao phô bày vẻ đẹp phong cảnh yên bình của Phú Yên
Phim có nhiều góc máy rộng, trên cao phô bày vẻ đẹp phong cảnh yên bình của Phú Yên

Về phần diễn viên, Avin Lu (vai Vinh), Ngọc Xuân (vai Miền) và Đỗ Nhật Hoàng (vai Phúc) đã có một màn trình diễn rất ăn ý. Nội lực diễn xuất và tương tác giữa họ khiến khán giả tin vào nhân vật, tin vào tình cảm đẹp đẽ mà bộ ba Vinh, Miền, Phúc dành cho nhau.

Sau Sài Gòn trong cơn mưa, Em và Trịnh, Avin Lu vẫn chứng tỏ anh là lựa chọn tốt nhất cho dạng vai chàng trai hiền lành, si tình. Diễn xuất của Avin Lu càng về cuối phim càng “bùng nổ”.

Nữ chính Ngọc Xuân gây ấn tượng với vai diễn đầu tay trên màn ảnh rộng
Nữ chính Ngọc Xuân gây ấn tượng với vai diễn đầu tay trên màn ảnh rộng

Với 2 gương mặt lần đầu đảm nhận vai chính trong phim điện ảnh, Ngọc Xuân và Đỗ Nhật Hoàng không gây thất vọng. Cả hai lột tả tròn trịa tính cách nhân vật. Trong đó, Ngọc Xuân ngoài diễn xuất còn có lợi thế ở đôi mắt giàu biểu cảm và gương mặt đẹp tự nhiên, xứng đáng là “nàng thơ” mới của điện ảnh Việt. Những cảnh nặng tâm lý như đoạn ôm chồng tạm biệt trước khi Vinh đi công tác hay đoạn vợ chồng hội ngộ cuối phim được cô diễn tả sâu lắng.

Ngoại hình Đỗ Nhật Hoàng khá dừ khi thể hiện vai Phúc ở giai đoạn còn là học sinh
Ngoại hình Đỗ Nhật Hoàng khá "dừ" khi thể hiện vai Phúc ở giai đoạn còn là học sinh

Những bộ phim chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn có sức hút với người xem, nhưng không phải bản phim nào cũng làm người xem thấy “đẹp” và “đã” như Ngày xưa có một chuyện tình.

Việc trung thành với nguyên tác, hạn chế những sáng tạo thừa thãi, chọn diễn viên phù hợp giúp Ngày xưa có một chuyện tình là tác phẩm chuyển thể đáng xem nhất từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Nếu có một điều đáng tiếc ở phim, thì chỉ là chuyện 2 nam chính Avin Lu và Đỗ Nhật Hoàng khá “dừ” để vào vai học trò.

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI