LTS: Tàn chiến chinh, họ bước ra từ bóng tối, lối về hòa bình nhập nhoạng tâm can. Những ngã tư, những cột đèn, con hẻm, dòng kinh, những đời dân xơ xác, một thời là chứng nhân, bao bọc chở che họ, cũng ngơ ngác, cay đắng như chính họ và đồng đội, khi máu xương ơn nghĩa đành bất lực trước những hoài nghi, đòi hỏi phi lý của giấy tờ. Hòa bình rộn rã nhưng lạnh lẽo. Có đôi mắt như muôn ngàn đôi mắt, nhìn họ, bung vỡ niềm đau. Có tiếng nấc từ sâu thẳm của ai đó đã chết bị lãng quên đang giày vò giấc ngủ…
Rồi bóng họ trên vách. Một lời hẹn hò dở dang giấu kín, một trái tim vỡ, như thêm một vết thương tấy đỏ khi chức phận đàn bà chỉ là mơ. Chấn thương tâm hồn của những nữ điệp báo Sài Gòn - Gia Định một thời.
|
Trưa Tây Đô mưa tầm tã. Bà mở cửa. Chỉ còn một cánh tay lành lặn. Đàn ông tàn phế, may mắn với họ chưa phải đã hết, chứ phụ nữ thì cơ hội để hít thở thanh thản, thật hiếm.
|
Một bài thơ tình dở dang lời hẹn |
Nhà sáng choang. “Không con, nhà thuê đó, chứ nhà cô giải tỏa rồi…”. Bà, vợ chồng anh trai đã 73 tuổi và cụ bà đã 102 tuổi, là mẹ VNAH cùng ở. Không thấy tiếng trẻ. Mọi thứ như lặng xuống, thượt ra, chậm rãi. “Chút con vô thăm má cô nghe, sáu tháng rồi bà không nói được”.
Tôi nhìn mắt bà như mưa ngoài kia. Bà và người mẹ, ngoài tình mẫu tử, trong một khúc quanh của số phận, lại đối diện nhau trong khoảnh khắc sinh tử, mà có lẽ cái câu hay nói trái tim mạnh hơn sắt thép, hình như đã bị thay thế.
***
Quê gốc bà ở Cái Răng-Cần Thơ. 15 tuổi đã được kết nạp Đảng, giữ chức quyền xã đội trưởng xã Phú Thứ năm 1963. Năm 1965, bà nhận lệnh tổ chức cầm 200 đồng bạc lên Sài Gòn hoạt động nội tuyến. Thế là bắt đầu hành trình những ngày ở thuê, gánh nước, bán trứng vịt lộn, phụ hồ… để gây dựng cơ sở, nắm thông tin. “Khi bà Hai Riêng (Lê Thị Riêng) lên tổ chức lực lượng biệt động nữ nội thành Sài Gòn, cô chính thức nắm lực lượng này”.
Phim ảnh, sách báo về biệt động Sài Gòn, không thiếu. Tôi đã xem, đọc, giờ đối diện với vị nữ tiểu đoàn trưởng của lực lượng một thời xuất quỷ nhập thần ở nội đô Sài Gòn, nghe bà chậm rãi khơi ký ức. Không có chiến công trong câu chuyện, chỉ có hình ảnh của những trận đánh đường phố sống chết gang tấc; những cái chìa tay của người xa lạ giúp bà thoát vòng vây...
Trận ngày 5/5/1968, đánh đồng loạt vào những vị trí đầu não của giặc, mà sau này, phim Biệt động Sài Gòn đã tái hiện cảnh bà bị bắt. “Đánh tới sáng, cánh tay trái cô trúng đạn, gãy. Cô nói chị Hai Xuân: “Chị cắt cánh tay giúp, chứ nó lủng lẳng em không đỡ súng được”. Chị Xuân quay lại: “Không được Hồng Quân ơi, sẽ chạy chữa”. Chị Xuân nói chưa dứt câu, gục xuống vì trúng đạn. Cô rút dao găm, cắt, khi bàn tay rớt xuống, cô thấy chiếc nhẫn còn ở trong ngón. Đó là chỉ vàng mà ba ngày trước má đưa, dặn khi cần thì đem xài. Cô ra lệnh cho anh em rút hết, mình là chỉ huy, tính mạng anh em ở tay mình. Cô lẩm nhẩm: Má ơi, đứa con cuối cùng của má, vĩnh biệt má. Sở dĩ nói vậy, vì lúc đó má cô đã nhận được tin bốn anh em cô và ba cô đã chết”.
|
Nữ tình báo mang dòng máu hoàng tộc. |
Bà đưa cánh tay cụt lên, chằng chịt sẹo, gõ trên từng ngón của bàn tay kia đếm những người đã chết. Những nhẩm đếm theo khúc tay tròn, lồi lõm, như nhịp gõ bất xứng trên năm ngón tay kia, như gọi tên một nhịp cầu gãy. “Cô bị bắt lần đó, tra khảo chết đi sống lại ở chuồng cọp Côn Đảo. Một bữa qua khe cửa sắt, cô bàng hoàng thấy tụi nó kéo lết má cô vào”. Hóa ra, có chỉ điểm. Bữa đó, mẹ con đối mặt nhau, và được “cho” một điều kiện: nếu mẹ nhận con, con gọi mẹ, mẹ sẽ được chăm sóc con (lúc này đã bị đánh liệt chân), bằng không, đinh sẽ đóng vào bàn chân mẹ. Đáp lại là câm nín và câm nín. Cả ánh mắt cũng lặng im bão tố, để rồi bữa trao trả ở Lộc Ninh, bà hét lên: “Má” và lao tới, khiến bao người sững sờ.
***
Đã qua chiều. Vẫn mưa. Quá khứ, dẫu là một viên gạch, mảnh vỡ, đều là lịch sử mang gương mặt tâm hồn, khi mọi thứ đã lắng xuống, thì nỗi niềm lên tiếng. Bao đàn bà xứ sở này, chiến tranh đi qua, như cây cụt ngọn xơ xác giữa đồng mà vẫn cố xanh, bởi sứ mệnh của cây là tỏa bóng, nhưng máu nuôi thân cây rỉ không ngừng vì vết thương không bao giờ kín miệng. Bà gật, xắn ống quần phải lên đến gối: “Cháu sờ nè”. Tôi chạm vào, rụt lại nhanh, như có điện qua người. Da hay là mặt đường xạo lạo dăm đá, tím tái, nhám xạm bàn tay. “Mảnh đạn đó cháu, cô đã mổ 23 lần rồi mà chưa hết mảnh ở chân, lưng, sườn đầu, thương tật 1/4 mà”.
Tôi kinh hãi. Thần chết vẫn chưa bỏ cuộc. Những mảnh đạn đó, không gỉ, vì có máu nuôi. Liệu có bao nhiêu người đàn bà như bà, nuôi tử thần trong người, hiến tuổi xuân cho quốc gia, để rồi bây giờ ngồi chà xát lên những mảnh đạn mang gương mặt hôm qua?
Những mảnh đạn như đang cựa quậy trên bàn tay tôi. Hòa bình, bom không còn nổ trên cánh đồng, nhưng vẫn dội đều đều trong tim người. Có thời, căn nhà tập thể của bà có đến bốn đứa con nít, ba cụ bà già, là con và ba mẹ anh em đồng đội, đói quá, đem gửi thủ trưởng nuôi, nên có ai tin phó ban tổ chức chính quyền như bà mà có lúc chỉ ăn rau muống suốt năm-bảy ngày, đói mờ cả mắt? Câu trả lời hé ra khi tôi hỏi rằng những nữ biệt động Sài Gòn và bà có được phong anh hùng không?
|
Nữ tình báo Tám Thảo |
“Mỗi lần trở lại Sài Gòn, đi trên những con đường, góc hẻm xưa cũ mà tim như bị đạn cắm lần nữa. Ban Liên lạc tiểu đoàn, Hội LHPN thành phố gửi văn bản, rồi nhắc lại lần nữa đề nghị phong tặng AHLLVT cho tiểu đoàn và cô, giấy trắng mực đen từ ông Trần Bạch Đằng đến Thành ủy đã xác nhận là có tiểu đoàn biệt động nữ, nhưng cũng bị rơi vào nghi ngờ, có người nói bằng văn bản hẳn hoi là tụi nó nghi binh chứ làm chi có biệt động đến 178 quân, chỉ có 13 người thôi. Trời đất, 15 người hy sinh kia kìa. Anh em xác tan thịt nát ở góc phố nào đó, hoặc trong nhà lao mà khí tiết trung trinh, làm sao kêu thấu trời cho rõ?
Ở thành phố, giờ còn 14 cơ sở, khi cô bị bắt, họ như ngồi trên đống lửa vì trong nhà còn giữ truyền đơn, súng đạn, thực phẩm cho biệt động, sau giải phóng yêu cầu xác nhận họ, thì người ta nói nhà có ba người thì nên cho một thôi. Thử nghĩ mà coi, làm cơ sở mà vợ hoặc chồng con không thuận, thì bại lộ liền. Lúc đó mà họ khai, thì cô đã chết trong chuồng cọp. Họ yêu nước, muốn thoát ly, mình vận động bám thành đô làm cơ sở, giờ lật kèo nói vậy, đau không? Không có nội tuyến mạnh, thì sao nếu cần, ghé ngang một nhà tại Củ Chi, ngắn gọn “má ơi, cho con gửi một tiểu đội?” là được nhận liền.
Họ, đủ thành phần, nhưng gặp nhau ở lòng yêu nước. Mình vay mượn họ tiền bạc, ân nghĩa, giờ trả sao đây? Tiền của ai, ra sao, cô nhớ hết, nhưng nhà nước có quy định dễ dàng cho trả đâu? Họ không đòi, chỉ nói Quân ơi, sao mình nợ thì tới hạn nhà nước kêu, còn nợ của mình, là vô thời hạn? Cả đời cô mang ơn tấm lòng của bà con nội đô. Day dứt này đến chết không thôi”.
|
Người chăm sóc má cũng là bà mẹ VNAH |
Còn đồng đội thì sao? Bao câu hỏi âm thầm hoặc hiển lộ không ngừng lên tiếng từng ngày từng phút. Trước năm 2002, khi tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng chưa được chính thức xác nhận, làm chế độ chính sách cho anh em là chuỗi những tuyệt vọng.
Năm 1976, tiểu đoàn bị xóa phiên hiệu, pháp nhân không có, anh em ra quân, không giấy tờ, không sắc áo, bị nghi ngờ, thế là tản mát hết, tìm lại họ để xác nhận là chuyện không dễ dàng. Có chị Trần Thị Tiến quê Phụng Hiệp, trợ lý tiểu đoàn biệt động. Giải phóng ra, chị về quê, bà con nói mày là chiêu hồi, thế là dắt dây hệ lụy, con tốt nghiệp đại học, không có việc làm vì mẹ chiêu hồi, không tiến thân được, chồng thì bỏ đi.
Một bữa bà về, mang hết giấy tờ, hỏi thăm tên bốn người từng là lính mình, thì một người phụ nữ từng là cán bộ tỉnh, sững nhìn: “Không, chị Tiến là chị ruột tôi, chỉ chiêu hồi mà”. Năm lần bảy lượt xác nhận, đến 2002 mới xong, nhưng lúc đó, thời hiệu truy nhận huân huy chương đối tượng này đã hết. Chị Tiến chỉ được một cái bằng khen của tỉnh. Bà cố vận động chị vào Hội Cựu chiến binh để có thẻ bảo hiểm y tế, lương hướng thì không có đồng nào. Bây giờ sống một mình trong căn nhà nát dưới đó, chị đó nói thôi Hồng Quân à, không giám định thương tật được đâu, vì chị không có tiền.
“Đau xót lắm con, 10 năm cô lặn lội mới làm được hồ sơ cho tám liệt sĩ, còn sáu người thì cha mẹ, quê quán, không biết. Người ta đòi chứng thương, chứng tử, tên chính xác, trời đất, biệt động nội tuyến, ai làm nấy biết, biệt danh cũng cách mạng đẻ ra, lấy chi mà giấy với tờ? Còn sáu anh em kia, mất xác trên Kênh Tẻ trong đêm vượt kênh tấn công, tàu pháo nó giã nát hết, mình là chỉ huy, chỉ biết tên chứ quê nó ở đâu mà tường. Ước mơ lớn nhất của cô, là khi má khuất núi, cô sẽ đi tìm, dẫu có bị giấy tờ nó hành ra sao. Lãng quên người chết là giết họ hai lần”. Cay đắng ngùn ngụt dâng như át cả tiếng mưa.
***
Bỗng có giọt nước mắt chực chờ rơi xuống bàn: “Có lần cô nói với má, khi con tuổi như má, không biết nhờ ai”. Tuổi xuân của đời nữ điệp báo, biệt động là những nhập nhoạng, mà ở họ lời chia ly tình yêu như đã đóng đinh vĩnh viễn trước rồi. Một bài thơ hò hẹn của một trung tá bộ đội năm 1975, mãi chôn ở góc tim. Mà thật, có một đám cưới đã diễn ra, rồi cũng chẳng vào đâu.
Buồn quá, bà nuôi một đứa con xin được, rồi thêm bốn đứa nữa là con của đồng đội cũ, nhưng chúng lớn rồi ra đi hết. Bà chớp chớp mắt “cô không có nỗi buồn riêng”. Thật không? Dặm dài dằng dặc đi tìm cái không cho riêng mình, nén lại và bùng vỡ như thơ bà viết: “Tôi về đối diện tình yêu - Đầy trời mưa, nát cánh diều tuổi thơ - Rã rời gom nhặt đoạn tơ - Cho tình yêu đến cuối trời biệt ly - Tôi về điểm hẹn lại đi - Tận đau với lẽ sống vì yêu thương”…
Lê Trung Việt