Ngày trung thu đi làm đồ chơi dân gian

17/09/2024 - 06:01

PNO - Một buổi sáng cuối mùa thu, tôi nảy ra ý định đưa 3 bạn nhỏ đến Phường Bách Nghệ, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm của làng nghề Việt. Vì từng nghe một người bạn giới thiệu, tôi đã biết qua về nơi đây.

Tôi muốn các con được tận mắt nhìn ngắm và cảm nhận những món đồ truyền thống rực rỡ sắc màu, hiểu hơn về sự phát triển của đồ chơi trung thu qua nhiều giai đoạn. Mẹ con tôi đã có một buổi sáng rất thú vị.

Phường Bách Nghệ nằm ở biệt thự Hoàng Thành (phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) và nhìn thẳng ra sông Nhuệ. Từ tầng 1 lên tầng 2, không gian được thiết kế với mây, tre, nứa, chum, cây chuối, hoa sen, gùi lúa… như tái hiện vùng đồng bằng Bắc bộ xưa.

Nổi bật trên nền hiện đại pha trộn sự thô mộc này là những món đồ chơi truyền thống như: đầu lân sư tử, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, đèn kéo quân, bộ phỗng đất, trống bỏi, đèn cù, đèn cá chép, đèn thiềm thừ vọng nguyệt, mặt nạ giấy bồi, tò he, thỏ đánh trống… Hay những món đồ chơi đắt tiền mà các bé trai ngày xưa luôn ước ao là tàu thủy, các bé gái luôn khao khát là thiên nga bông...

Rất nhiều những món đồ chơi mà lũ trẻ ngày xưa thích thú và ước ao (Ảnh: Phường Bách Nghệ)
Rất nhiều món đồ chơi mà lũ trẻ ngày xưa thích thú và ước ao - Ảnh: Phường Bách Nghệ

Mỗi món đồ đều mang một câu chuyện. Như chiếc đèn ông sao 5 cánh luôn là một phần không thể thiếu của ngày trung thu ở Việt Nam. Ngày xưa, lũ trẻ thường tự tay mình làm hoặc được người thân làm đèn ông sao cho để tham gia lễ rước đèn quanh làng, quanh phố. Còn chiếc đèn kéo quân ban đầu được tạo ra với ý nghĩa nói về những đoàn quân lính xung trận, sau mở rộng nhiều đề tài khác như quan trạng vinh quy bái tổ, tứ linh nhảy múa, bác nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu thổi sáo...

Những món đồ được làm bằng tay với sự tỉ mỉ, tinh tế của nghệ nhân ở nhiều làng nghề, nay tề tựu ở Phường Bách Nghệ và được trưng bày với sự nâng niu, trân trọng. Người lớn như được lên chuyến tàu về tuổi thơ. Còn các bạn nhỏ có thể hình dung khung cảnh rộn ràng, náo nhiệt của thế hệ ông bà, cha mẹ mình. Những đứa trẻ thức trưa dưới lũy tre làng chơi ô ăn quan, đánh cù hay chạy nhảy trong con phố vắng, reo vui với từng món đồ chơi kỳ diệu thuở đó.

Chụp ảnh với những món tự làm cũng thật ý nghĩa - Ảnh: Phường Bách Nghệ
Hai bạn nhỏ nhà tôi thích thú chơi cờ mặt trời
Hai bạn nhỏ nhà tôi thích thú chơi cờ mặt trời
Hai bạn nhỏ nhà tôi thích thú chơi cờ mặt trời (Ảnh: Linh Nguyễn)
Hoạt động làm mặt nạ giấy bồi rất được ưa chuộng - Ảnh: Linh Nguyễn

Men theo những bậc cầu thang lên tầng 2 là những tấm mành, trụ bằng mây tre. Vì đang dịp trung thu nên cả không gian tầng 2 được trưng bày những hộp bánh trung thu truyền thống. Các vị khách đến đây có thể trải nghiệm làm bánh trung thu mang về.

Trên tầng 2 cũng bày sẵn những trò chơi xưa như nhảy lò cò, ô ăn quan, chơi cờ mặt trời. Mấy đứa trẻ nhà tôi rất thích thú khám phá bộ cờ mặt trời, chỉ nghe qua luật chơi, 2 đứa đã có thể bắt nhịp và cứ thế say sưa… đấu trí.

Ngoài chiêm ngưỡng, lắng nghe những câu chuyện từ dân gian, người lớn và trẻ con có thể tham gia trải nghiệm tự tay làm các món đồ chơi. Có rất nhiều loại hình để trẻ chọn như: vẽ cá, làm chuồn chuồn tre, vẽ mặt nạ giấy bồi, làm đèn ông sao, vẽ bộ phỗng đất… Mức giá trải nghiệm rất phải chăng, từ 30.000 - 200.000 đồng.

Mức giá cho các hoạt động trải nghiệm cũng rất phải chăng (Ảnh: Linh Nguyễn)
Mức giá cho các hoạt động trải nghiệm cũng rất phải chăng - Ảnh: Linh Nguyễn

3 đứa trẻ nhà tôi chọn vẽ cá và làm mặt nạ giấy bồi. Con nâng niu món đồ chơi mới, “trang trọng” đặt vào hộp đồ chơi yêu thích nhất của mình. Ra về rồi, con vẫn nhắc mẹ sau này quay lại.

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI