Triển lãm chủ đề Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại & Biệt đội giữ bình yên "đất lửa" vừa chính thức được khai mạc vào sáng ngày 27/7, tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Các tác phẩm được triển lãm thuộc 2 bộ sách ảnh cùng tên, vừa được ra mắt của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.
Các nhân vật trong sách ảnh từng là tử tù và cựu tù Côn Đảo đã cùng tham dự và giao lưu, trò chuyện với bạn trẻ TPHCM. Các nữ cựu tù thể hiện tiết mục ca diễn cảm động Những cánh hoa ngược dòng, thể hiện tinh thần tranh đấu dũng cảm, kiên cường, không khuất phục trước mọi đòn roi, tra tấn của kẻ thù. Những mái đầu bạc ngày hôm nay cùng ngồi lại bên nhau, chia sẻ và hồi tưởng những năm tháng gian khổ, khốc liệt ở xà lim Côn Đảo.
|
Tiết mục ca diễn xúc động của các nữ cựu tù Côn Đảo |
Cựu tù Lê Hồng Tư - từng là tử tù Côn Đảo vẫn nhớ như in ngày ông và 7 đồng đội khác bị địch chở về pháp trường Cát (trước chợ Bến Thành) để hành quyết ngày 24/9/1965. Lúc đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra tuyên bố: "Nếu Lê Hồng Tư và các bạn anh bị bắn thì Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam không bảo đảm cho số binh sĩ Mỹ đang bị Mặt trận giam giữ". Vậy là chúng bắn 5 tử tù thường phạm, còn đồng chí Lê Hồng Tư và 2 bạn tù chính trị bị đày ra lại Côn Đảo.
Sáng Mùng 2 Tết Mậu thân 1968, cựu tù Lê Hồng Tư một lần nữa bị địch đưa về Sài Gòn với ý định bí mật thủ tiêu ông. Đến lúc Hội nghị Paris họp, chúng lại đưa ông ra Côn Đảo. Cựu tù Lê Hồng Tư nay đã ở tuổi 90, nhưng ông vẫn nhớ rất rõ ký ức từng ngày, tháng với đồng đội thời còn là tù Côn Đảo. Đồng đội ông, rất nhiều người đã ngã xuống vì bị tra tấn, đàn áp. Bản thân ông cũng đã suy kiệt và bệnh tật, trải qua bao nhiêu lần bị đánh đập dã man, chết đi sống lại. Cuối cùng, người tử tù ấy đã được trở về...
|
Từ phải sang: cựu tù Võ Ái Dân, Trần Kim Cúc, Lê Hồng Tư và MC Tùng Leo tại buổi giao lưu |
Cựu tù Võ Ái Dân nói rằng ông rất vui khi thăm lại Côn Đảo ngày nay, mọi thứ đều đã khác. Năm tháng ấy, ông và đồng đội mỗi lần bứt được đọt cây hay lá non nào mà trâu bò ăn được, đều là nguồn rau xanh quý giá để họ cầm cự qua ngày.
Những cựu tù Côn Đảo hôm nay trong trang phục thắm màu cờ Tổ quốc, cùng nhắc lại những câu chuyện cũ, những hồi ức không thể nào quên cho thế hệ sau. Dù đã mất đi một phần cơ thể hoặc chịu nhiều di chứng sau những năm tháng tù đày khắc nghiệt, nhưng tình yêu và niềm tin trong trái tim họ vẫn trọn vẹn và sáng ngời.
Lời sẻ chia của cựu tù Trần Kim Cúc dành cho thế hệ thanh niên hôm nay là đừng bao giờ mất đi niềm tin và hy vọng. Bởi vì chính niềm tin và hy vọng sẽ cho con người luôn giữ vững tinh thần, vững tin vào tương lai, chờ đợi những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong cuộc đời. Niềm tin mãnh liệt vào ngày đất nước hoàn toàn thống nhất chính là sức mạnh tinh thần to lớn để những cựu tù năm xưa vượt qua "địa ngục trần gian" Côn Đảo.
"Hôm nay, thấm thoát đã gần 50 năm từ ngày giải phóng Côn Đảo 1/5/1975, tôi không quên được những giây phút đầy căng thẳng với mạng sống con người, nhưng vẫn lạc quan tin tưởng cách mạng thành công. Và cũng nhớ đến giây phút vô cùng sung sướng hạnh phúc, tưởng như một giấc mơ khi còn sống trở về đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm bị giam cầm, khổ ải" - cựu tù Trần Văn Đúng chia sẻ trong sách ảnh Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại.
|
Bên cạnh những hình ảnh về cựu tù Côn Đảo, triển lãm còn có hình ảnh về đội rà phá bom mìm ở tỉnh Quảng Trị |
Tác phẩm sách ảnh Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cho bạn đọc theo chân các cựu tù trở lại những buồng giam năm xưa, cùng mạch hồi ức về năm tháng bị giam giữ, hành hạ khắc nghiệt nơi "địa ngục trần gian". Những ký ức xúc động được nhắc lại thêm một lần nữa, để thế hệ sau thấm thía rằng "cái giá của hòa bình không hề thấp, chúng ta đã phải hy sinh rất nhiều..." như lời của cựu tù Trần Thị Trúc Chi.
Tác phẩm sách ảnh Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngay trở lại cũng là lời tri ân sâu sắc của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á dành cho những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ Quốc.
"Trong những ngày gian khổ, tập thể chúng tôi có má Nguyễn Thị Chi, do bị mù cả 2 mắt nên được gọi thân thương là má Sáu Mù, lúc bấy giờ là người cao tuổi và già yếu nhất. Biết má là người có uy tín, có lần chúng tách má ra ở phòng khác nhằm chiêu dụ, phân hóa hàng ngũ của ta. Để lung lạc má, chúng đưa đồ ăn ngon ở khu vực chuồng cọp được dọn sạch sẽ. Ngay khi đưa cơm vào, ngửi mùi cá tươi, má đã lớn tiếng hỏi: "26 ơi, các con ăn cơm với gì?". "Dạ, bên 26 vẫn mắm kho với ruồi má ơi!" - chuồng 26 trả lời. Thế là má không ăn và cương quyết trở về chuồng giam cũ" - cựu tù Nguyễn Ngọc Ánh. |
Song Giang