Ngày trở về của người lính chiến trường miền Đông

24/03/2023 - 16:29

PNO - "Nước mắt và niềm vui" là hồi ký của trung tá Vũ Thành Trung - người lính trở về từ chiến trường miền Đông Nam Bộ - vừa được ra mắt.

Sáng ngày 24/3, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức buổi giao lưu, ra mắt tác phẩm Nước mắt và niềm vui (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của trung tá Vũ Thành Trung. Ông từng là lính trinh sát trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. 

Nhà văn Trầm Hương kể, trung tá Vũ Thành Trung từng tìm đến chị nhờ chấp bút, chị từ chối vì muốn động viên anh tự kể chuyện về ký ức đời mình. Bẵng đi một thời gian, chị nhận được tin anh đã hoàn thành bản thảo. Trung tá Vũ Thành Trung nói, đó cũng là một "cuộc chiến đơn độc" của anh khi ngồi bên trang viết. 

Tác phẩm hồi ký của Trung tá Vũ Thành Trung vừa ra mắt
Tác phẩm hồi ký của trung tá Vũ Thành Trung vừa ra mắt

Tác phẩm gồm 15 chương với 2 phần chiến tranh và hòa bình. Cuộc chiến ở chiến trường khu 6 Bình Thuận, chiến trường Nam Tây Nguyên, chiến trường miền Đông Nam Bộ được tác giả kể lại chi tiết. Những cuộc hành quân, những cơn sốt rét rừng, những trận đánh ác liệt… được viết ra từ người trong cuộc, hùng tráng và đầy cảm động.

Nhà văn Hoài Hương cảm nhận: “Có những trang viết ứa nước mắt. Đó là tình đồng đội, đồng chí giành hy sinh về mình, nhường cho nhau sự sống. Có những trang viết xúc động và khá mềm mại khi tác giả kể lại câu chuyện tình yêu, kể lại những khoảnh khắc ấm áp ở bệnh xá dã chiến được chăm sóc, được yêu thương. Đó là tình quân dân như cá với nước, là tình yêu với rừng, với thiên nhiên…”. 

Trung tá Vũ Thành Trung và nhà văn Trầm Hương-người đã động viên ông viết hồi ký chiến trường
Trung tá Vũ Thành Trung và nhà văn Trầm Hương - người đã động viên ông viết hồi ký chiến trường

“Hồi ký Nước mắt và niềm vui là một công trình có giá trị lịch sử lớn, ghi lại một dấu ấn đậm nét, làm sống lại những tháng năm hào hùng của cả miền Đông Nam Bộ, anh dũng đi đầu trong cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập nước nhà. Nội dung quyển hồi ký đã khơi dậy, giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng của dân tộc ta” -  ông Phạm Khoa Nam - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Phước Long (Bình Phước) - nhận xét.

Trong tác phẩm, có những trang viết về Phước Long - nơi mà tác giả cùng đồng đội đã cùng nhau chiến đấu và góp phần làm nên chiến thắng Phước Long, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trung tá Vũ Thành Trung từng là lính trinh sát, sau đó là cán bộ chỉ huy. Dù ở cương vị nào, ông cũng đã dũng cảm, gan dạ, mưu trí vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ.

Trung tá Vũ Thành Trung (Mười Trung) là nguyên Phó ban quân báo Quân khu 10, Trưởng ban Quân báo tỉnh Bình Phước, sau ngày hòa bình, ông làm trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Dương. 

Từng cận kề cái chết

Nhà văn Kim Quyên chia sẻ chi tiết khiến bà cảm động nhất trong tác phẩm, đó là trận chiến ngày 27/12/1965. Khi cùng đồng đội chuẩn bị hành quân đến vị trí tập kết để tham gia trận đánh rất ác liệt ở Bu Prăng, Mười Trung nghĩ mình sẽ khó qua trận này, nên đã đem tất cả đồ dùng cá nhân cho các anh em cùng tiểu đội. Anh chỉ mặc 1 bộ quần áo trong người. 

"21g, các chiến sĩ bắt đầu cắt rào kẽm gai bằng kềm cộng lực. Đến 23g, bị địch phát hiện, pháo sáng và hỏa lực của địch bắn xối xả vào tất cả các hướng tấn công của ta. Người đồng chí nằm cạnh Mười Trung bị 1 quả cối rơi trên lưng. Mười Trung thấy người tê buốt, không cử động được. Anh sờ đùi bên trái, thấy mất 1/3 đùi, bàn chân trái gần như bị đứt lìa và nhiều vết thương trên người, máu tuôn xối xả, anh bất tỉnh…

Thật lâu sau, khi tỉnh lại, Mười Trung thấy mình nằm dưới tấm tole từ nhà lính bay ra. Tấm tole bằng sắt rất nặng, nhưng anh cố trườn ra. Anh quan sát chung quanh thì thấy đơn vị đã rút đi, còn lại một số anh em bị thương nặng và hy sinh nằm lại. Anh biết là trận đánh không dứt điểm.

Mười Trung còn một khẩu Thompson và băng đạn 30 viên. Anh đem hết tàn lực, cố chống bằng 2 cùi chỏ để trườn dần ra ngoài dưới làn pháo sáng của máy bay. Đạn trong đồn vẫn còn bắn liên tục vào các đồng chí đã hy sinh và trọng thương. Chúng phát hiện Mười Trung, định ùa ra bắt sống, anh vừa trườn vừa nã đạn vào đám lính, diệt được 5 tên, số còn lại không dám chạy theo nữa nhưng vẫn bắn rát theo khiến anh bị thêm vết thương trên cánh tay.

Ra khỏi hàng rào, anh cố trườn vào một bụi rậm, nằm thoi thóp chờ chết, anh không mong sẽ có người đến cứu, anh hy vọng mình sẽ được chết để không kéo dài cuộc đời tàn tật, phế binh..." - trích bài phát biểu của nhà văn Kim Quyên.

Hàn Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI