Hồi hộp chờ phút đoàn tụ
Trước giờ dự kiến máy bay sẽ đáp xuống (22g), Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ đón trang trọng dưới sự chủ trì của thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175.
|
Các y, bác sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 hoàn thành sứ mệnh quốc tế trở về - Ảnh: Tam Nguyên |
Càng sát giờ dự kiến, mọi người càng hồi hộp mong tin. Bà Nguyễn Thị Mười - 68 tuổi, mẹ của y sĩ điều dưỡng Nguyễn Thị Hảo - xoa xoa bàn tay cho đỡ hồi hộp, thỉnh thoảng nhìn lên bầu trời ngóng máy bay. Hai đêm rồi, bà Mười không ngủ được, bởi bà đã nhiều lần được thông báo đoàn sẽ về nhưng chuyến bay bị hủy. Bà Mười nói, bà thương mấy đứa cháu (con chị Hảo) bởi lúc nghe tin mẹ về, chúng mừng rỡ, chuẩn bị mọi thứ để đón mẹ. Bà thương con gái hễ rảnh là gọi điện thoại về hỏi thăm sức khỏe của bà, việc học của con.
“Phụ nữ mà, dù làm nhiệm vụ nhưng luôn lo lắng cho gia đình. Lần nào gọi về, con tôi cũng khóc, nhất là trong đợt cao điểm dịch COVID-19, vợ chồng đều dương tính, mà chồng tôi lại bị ung thư. Thương con quá nhưng tôi buộc phải la, bảo con không cần lo lắng gì, mọi người đều ổn. Nếu con ủy mị, sẽ khó làm tốt công việc bên đó” - bà Mười nói.
Bùi Ngọc Minh Anh - 14 tuổi, con trai chị Hảo - tâm sự: “Em sợ nhất là lúc mẹ bị COVID-19. Thương mẹ nhiều lắm nhưng sợ mẹ buồn, em không dám khóc mà cố gắng học thật giỏi và phụ giúp ông bà cho mẹ vui. Em đã chuẩn bị quà cho mẹ, giấy khen học sinh giỏi nữa. Em chỉ muốn mẹ bình an trở về. Em muốn nói với mẹ là con yêu mẹ nhiều và nhớ món cá kho của mẹ lắm”. Nói đoạn, Minh Anh lại tiếp tục hướng mắt về khu vực dự kiến sẽ đáp máy bay.
Gần 23g, ánh đèn trên cao xé ngang đêm tối, chiếc máy bay quân sự dần hạ độ cao. Thiếu tá Bùi Thị Xoa - kỹ thuật viên nha khoa, Bệnh viện Quân y 175 - khẽ reo: “Về rồi, đồng đội của tôi về rồi”. Nhiều năm trước, thiếu tá Bùi Thị Xoa là một trong các y, bác sĩ đầu tiên sang Cộng hòa Nam Sudan làm nhiệm vụ. Chị kể: “Đáng lý ra, hôm nay mới là ngày tôi trở về cùng đoàn, nhưng trong đợt quay lại Bentiu, Nam Sudan làm nhiệm vụ lần thứ hai, tôi bị đột quỵ. Chính đồng đội tôi đã cấp cứu, mổ nội soi cho tôi và tháng 12/2021, tôi phải về Việt Nam để điều trị”.
|
Y sĩ Nguyễn Thị Hảo trong vòng tay người thân - Ảnh: Tam Nguyên |
Chị nói, Nam Sudan còn nghèo, nhân viên y tế Việt Nam và người dân bản địa không cùng ngôn ngữ nhưng 63 y, bác sĩ đến từ Việt Nam cảm nhận rõ rệt tình cảm quý mến mà người dân bản địa dành cho mình. Trong gian khó, nhất là khi dịch COVID-19 hoành hành, các y, bác sĩ vẫn cố gắng hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình.
Không chỉ điều trị bệnh cho người dân, các y, bác sĩ Việt Nam còn vận động người dân địa phương trồng cây xanh cho trường học, tặng cây xanh, rau củ cho đơn vị bạn, tặng bản đồ làm bằng sỏi, bằng rác thải tái chế cho trẻ em nghèo nơi đây. Nói đoạn, thiếu tá Bùi Thị Xoa đứng lên, chào trang nghiêm khi xe đưa đồng đội mình vào đến khu vực chào cờ.
Nếu có lệnh, chúng tôi sẵn sàng lên đường
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho biết, đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 có 63 người, đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, khẳng định được vai trò của lực lượng quân y Việt Nam trong nhiệm vụ quốc tế của mình. Các y, bác sĩ không ngại khó khăn, gian khổ, luôn hướng tới điều tốt đẹp, xứng đáng là những sứ giả đưa nền văn hóa yêu chuộng hòa bình của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
|
Người thân của đoàn y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 vẫy tay đón đoàn - Ảnh: Tam Nguyên |
“Sự thành công của lực lượng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã góp phần làm nên thành công của các lực lượng gìn giữ hòa bình, xứng đáng được vinh danh. Vừa qua, chúng ta tiếp tục triển khai lực lượng bác sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 và lực lượng công binh tới các phái bộ Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi tin tưởng rằng, với các lực lượng đi làm nhiệm vụ, Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò, vị thế của mình trước bạn bè quốc tế, trước Liên Hiệp Quốc” - thiếu tướng Hoàng Kim Phụng bày tỏ.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn xúc động: “Đây là lần thứ ba, các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ trở về Tổ quốc. Trong một năm qua, các đồng chí đã trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, nhất là khi cả Việt Nam và thế giới phải gồng mình chống chọi với dịch COVID-19. Bệnh viện Quân y 175 luôn dành tình cảm, sự quan tâm tới các đồng chí, luôn theo dõi tình hình sức khỏe của mọi người. Ngược lại, ở phía bên kia bán cầu, các đồng chí đã làm những việc rất đáng tự hào”. Theo thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, kết quả về chuyên môn, công tác dân vận, sự giúp đỡ người dân bản địa của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam được lãnh đạo Liên Hiệp Quốc với các đoàn bác sĩ nước bạn đánh giá rất cao.
Y sĩ Nguyễn Thị Hảo nói, lúc này, chị không thể diễn tả được niềm vui khi được ôm cha, mẹ, con trai: “Tôi thật sự không biết nói gì. Được về với người thân thật là hạnh phúc. Nhưng phần nào đó, tôi cũng rất nhớ các em nhỏ ở Nam Sudan. Tôi sẽ kể cho các con nghe về cuộc sống khó khăn và tình cảm cũng như sự khao khát hòa bình của người dân Bentiu để các con thấy mình đã rất may mắn khi được sinh ra ở Việt Nam”.
Nhiều y, bác sĩ trong đoàn có chung suy nghĩ: “Chúng tôi cảm nhận rất rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ cao cả này. Nếu có lệnh điều động, chúng tôi sẽ lập tức lên đường, tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế”.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 được thành lập vào tháng 11/2019. Ngày 23/3/2021, bệnh viện chính thức làm nhiệm vụ tại Phái bộ Liên Hiệp Quốc (UNMISS), là tuyến y tế cao nhất tại căn cứ tiền phương của Liên Hiệp Quốc ở tỉnh Bentiu, Cộng hòa Nam Sudan. Từ đó đến nay, các y, bác sĩ của bệnh viện này đã khám, cấp cứu, điều trị cho 2.500 nhân viên Liên Hiệp Quốc tại đây và hơn 1.400 ca bệnh nhân ngoại trú, tổ chức vận chuyển bằng máy bay, phẫu thuật thành công cho rất nhiều ca nặng và phức tạp, chủ động hợp tác và hỗ trợ chuyên môn, tặng thuốc, đào tạo kỹ thuật viên X-quang cho nhiều bệnh viện dân sự của Cộng hòa Nam Sudan. Đặc biệt, bệnh viện đã áp dụng hệ thống tele-medicine trong việc mổ cấp cứu các ca nặng với sự hỗ trợ của các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 175 cách nơi mổ gần 10.000km. Với những thành tích đạt được, 63 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã được Liên Hiệp Quốc tặng Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình; nhiều cán bộ, nhân viên của bệnh viện được các cấp lãnh đạo phái bộ tặng bằng khen. Trong đợt một có 30 y, bác sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 về nước. Những y bác sĩ còn lại dự kiến sẽ trở về vào cuối tháng 5/2022. |
Phạm An - Tam Nguyên