Sống sót giữa vòng vây
Trong buổi ghi hình chương trình Từ trong đất lửa của Báo Phụ Nữ TP.HCM, rất nhiều lần bà Lại Thị Kim Túy rơi nước mắt, nghẹn ngào khi nhắc lại ký ức Mậu Thân năm 1968. Chiến tranh có lùi xa bao lâu, thì với người trong cuộc, đó vẫn mãi là những năm tháng không thể nào quên.
|
Bà Lại Thị Kim Túy xúc động khi nhắc về kỷ vật quý giá, là chiếc áo mà đồng đội đã tặng năm xưa. Ảnh: Nguyễn Quang |
Chiều 29 tết Mậu Thân 1968, trên con đường từ xã Mỹ Hạnh (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), có một đoàn quân khẩn trương vượt qua cánh đồng, những con rạch... Đó là cuộc hành quân thần tốc của các chiến sĩ Phân khu 2, theo hướng tây nam tiến vào nội đô Sài Gòn. Người dẫn đường cho đoàn quân ấy chính là nữ giao liên Lại Thị Kim Túy (biệt danh Sáu Tý).
Bà Túy nhớ lại, buổi hành quân ấy không gặp trở ngại nào từ phía địch. Cho đến nhiều ngày sau đó, lực lượng biệt động vẫn ở lại trong lòng nội đô, tiếp tục “diệt ác phá kiềm”. Cho đến ngày thứ 13, bị một tên chiêu hồi chỉ điểm, nơi ẩn trú của các chiến sĩ bị địch bao vây. Một trận chiến không cân sức diễn ra giữa lực lượng biệt động chỉ có 44 người với hai tiểu đoàn bộ binh địch. Sau hơn bảy giờ đồng hồ giằng co, 38 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
“Tương quan lực lượng quá chênh lệch, nhiều lần anh em mở đường máu để có thể thoát ra ngoài nhưng không được. Máy bay địch quần thảo trên đầu, nhà dân bị bắn cháy hết. Chúng tôi chiến đấu từ bảy giờ sáng cho đến hơn 11 giờ trưa, đạn dược cũng cạn kiệt. Khi biết không thể nào chống đỡ nổi nữa, anh em nhảy lên khỏi chiến hào, hô vang câu “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó cũng là lúc các anh ngã xuống…” - bà Túy nghẹn ngào.
Mời bạn đọc xem talk show Từ trong đất lửa Chương trình Từ trong đất lửa, số đầu tiên chủ đề Hoa trong lửa, gặp gỡ nhà văn Trầm Hương và cựu nữ giao liên biệt động Sài Gòn Lại Thị Kim Túy, sẽ được phát tại website: phunuonline.com.vn vào ngày 20/10. Từ trong đất lửa là chương trình do Báo Phụ Nữ TP.HCM thực hiện, nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật được trao giải thưởng chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (giai đoạn 2010-2020). Chương trình giao lưu với văn nghệ sĩ cùng các nhân vật bước ra từ trang sách, cũng như các vở diễn sân khấu, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm múa; với những sáng tác có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa, ca ngợi vẻ đẹp của đất và người ở thành phố mang tên Bác. |
Còn lại sáu người sống sót, tìm cách thoát khỏi vòng vây bằng cách trà trộn vào người dân. Bà cùng với người chỉ huy là đồng chí Sáu Ngay đóng vai hai cha con, những người khác cũng giả dạng thường dân, nhờ vậy mà qua được sự kiểm soát của địch. Sau đó, nữ giao liên Kim Túy được cử lên chiến khu học Trường Sĩ quan Lục quân, các đồng đội sống sót trong trận chiến hôm ấy cũng nhận nhiệm vụ mới ở các đơn vị. Cho đến khi hòa bình lập lại, người được trở về với cuộc sống đời thường cũng chỉ còn lại một mình bà…
|
Là thư là kỷ vật cuối cùng của người anh trai đã hy sinh, được bà Lại Thị Kim Tuý giữ gìn hơn nửa thế kỷ |
“Ơn người giọt nước, ta phải trả một dòng sông”
Hơn 40 năm sau, bên cạnh người cựu nữ giao liên biệt động Sài Gòn năm xưa vẫn còn chiếc áo mà đồng đội đã tặng khi bà đi học ở chiến khu. “Lúc thoát khỏi vòng vây ra ngoài, trên người tôi chỉ có một bộ đồ lem luốc, ở ngoài có thêm chiếc ba lô với mấy bộ quần áo bà ba. Các anh nói lên chiến khu lạnh lắm, nên gửi tặng tôi chiếc áo lính. Một năm ở rừng, nếu không có chiếc áo này, chắc là tôi cũng không chịu nổi. Chiếc áo giờ đã sờn vai, vá nhiều chỗ rồi, nhưng mỗi lần trời lạnh, tôi đều mang ra mặc, để giữ ấm mà cũng là để nhớ đồng đội mình” - bà Kim Túy bồi hồi.
Một kỷ vật mà cứ mỗi lần nhắc đến, bà lại rơi nước mắt, đó là bức thư được viết từ chiến trường của người anh trai tên Năm Nghi. Thư anh gửi về cho em gái bà, dặn dò em luôn phải kiên cường, chăm sóc và an ủi mẹ. Bức thư được viết vào ngày 10/2/1971, và đó cũng là kỷ vật duy nhất còn lại của anh trai bà. Cha và người em trai út của bà đều hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, ba người anh trai và chồng bà đều là liệt sĩ. Nhưng kỷ vật còn lại cho người nữ giao liên biệt động Sài Gòn chỉ còn lại chiếc áo và bức thư này. Bởi trong chiến tranh, ngôi nhà của gia đình bà đã bị bắn cháy rất nhiều lần, đồ đạc trong nhà cũng không còn giữ lại được gì.
|
Cô giao liên Lại Thị Kim Tuý thời trẻ |
Nhà văn Trầm Hương chia sẻ, điều khiến chị nể phục cựu nữ giao liên Lại Thị Kim Túy không chỉ vì sự kiên cường, dấn thân trong chiến tranh, mà còn là những nghĩa cử bà đã làm cho những người nằm xuống. “Như thể câu ơn người một giọt nước, ta phải trả một dòng sông. Chị Túy đã nuôi con của chồng mình và cả cháu nội của chồng. Người vợ trước của chồng bà mất vì bệnh, để lại con trai nhỏ. Sau đó ông mới gặp bà, rồi hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968. Tôi cứ nhớ hoài hình ảnh của chị, con gái một người Mẹ Việt Nam anh hùng đi thăm và nhận nuôi một người Mẹ Việt Nam anh hùng khác. Và cũng chính chị đi tìm mộ các chiến sĩ biệt động đã hy sinh trong trận chiến năm ấy, cũng như tìm lại thân nhân, gia đình các liệt sĩ” - nhà văn Trầm Hương chia sẻ.
Nhà văn từng viết trong truyện ký Chuyện năm 1968 về những khoảng lặng rất đẹp của thời bình: “Mỗi năm, đến ngày giỗ 38 liệt sĩ biệt động, lại có thêm nhiều người mẹ, người chị ở ấp Bàu Công, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa đến dự. Các mẹ, các chị mang theo bánh tét, bánh ít - những món ăn mà ngày ấy, các mẹ, các chị đã tiễn con em mình ra chiến trường trong mùa xuân năm 1968…”.
Nhà văn Trầm Hương: “Nếu không viết, tôi thấy mình có lỗi…” Truyện ký Chuyện năm 1968 (giải B giải thưởng chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018) đã được nhà văn Trầm Hương bắt đầu viết từ 10 năm trước. Đó là quãng thời gian chị còn công tác ở Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Chị chia sẻ, càng tiếp cận với nhiều tư liệu, hình ảnh, những nhân vật thầm lặng phía sau cuộc chiến, chị càng muốn dấn bước tìm hiểu và kể về cuộc đời họ. | Nhà văn Trầm Hương (bìa trái) và bà Lại Thị Kim Túy (phải) nhận hoa cảm ơn từ bà Lý Việt Trung - Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM - tại buổi ghi hình talk show Từ trong đất lửa - Ảnh: Nguyễn Quang |
“Tôi luôn ấn tượng với những cuộc khởi nghĩa cách mạng. Chính trong những cuộc khởi nghĩa đó, có biết bao số phận bi tráng. Họ kiên cường chiến đấu, bị bắt giam, bị tù đày, những số phận bị dồn đuổi… Càng tìm hiểu, càng biết thêm nhiều, tôi càng phải viết về họ. Bởi vì, nếu không viết, tôi thấy mình có lỗi” - nhà văn Trầm Hương chia sẻ. Bằng tình yêu thương và rung cảm sâu sắc của trái tim phụ nữ, chị đã đi nhiều nơi, gõ mọi cánh cửa, nỗ lực hết sức để tìm kiếm những nhân vật - những người phụ nữ anh hùng thầm lặng của Sài Gòn - Gia Định. Cho đến bây giờ, khi nhắc lại những câu chuyện từng khiến chị rơi nước mắt, nhà văn vẫn rưng rưng. Đó là chuyện về chị Nguyễn Thị Ánh - một phụ nữ bình thường sinh sống ở vùng ven Đức Hòa - năm xưa nhận nhiệm vụ đưa đường các chiến sĩ thoát khỏi vùng nguy hiểm. “Đêm đó, chị Ánh đưa các con xuống hầm, rồi băng qua cánh đồng, đưa đoàn quân đến nơi an toàn. Chị kể với tôi, khi đến nơi, có một anh bộ đội đưa chị mảnh giấy, căn dặn là khi hòa bình lập lại thì đi tìm những người này để cách mạng trả ơn chị. Nhưng người nông dân họ đâu nghĩ gì nhiều, quay về thấy các con của mình an toàn là mừng rồi. Chị Ánh vẫn sống cuộc đời bình dị như thế, không đòi hỏi gì. Khi tôi tìm đến, chị đang bị bệnh, thiếu trước hụt sau. Gia cảnh chị nghèo khó, một nách nuôi cả đàn con bằng nghề đan lát” - nhà văn Trầm Hương bùi ngùi. Hay chuyện bà Võ Thị Sang, một người phụ nữ từng giữ hầm vũ khí chuẩn bị cho bộ đội đánh vào Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, tên tuổi được lưu vào trang sử của biệt động Sài Gòn, từng bị kẻ thù truy nã. Nhưng hòa bình lập lại, bà chỉ là một bà Tư Trọng bán tạp hóa ở vùng đất xa xôi của tỉnh Lâm Đồng. Câu chuyện bi tráng một thời trong cuộc đời bà cũng không ai hay biết… Những người phụ nữ của Sài Gòn - Gia Định đã tham gia cuộc chiến, dù ở bất kỳ vai trò nào, họ cũng đã góp phần rất lớn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, cho cả hòa bình… Song Giang |
Lục Diệp