Ngày Tránh thai thế giới 26/9: Khi cha mẹ chưa sẵn sàng, con ra đời sẽ thiệt thòi

26/09/2023 - 13:46

PNO - Ngày Tránh thai thế giới 26/9 nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, sự nguy hại của phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai bằng các phương pháp hiện đại.

 

Hoạt động siêu âm, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên / thanh niên tại trường THPT Yên Thành 3, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Nguồn ảnh: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
Hoạt động siêu âm, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên / thanh niên tại trường THPT Yên Thành 3, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Nguồn ảnh: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

Thường lui tới một bệnh viện phụ sản tại TPHCM, vài năm gần đây, chị H.S. (quận Tân Phú, TPHCM) gắn bó với khu khám hiếm muộn, trong khi mười mấy năm trước chị thân quen với khu kế hoạch hóa gia đình.

Thuở tuổi đôi mươi, do nhà nghèo, phải nghỉ học sớm, chị S. từ quê Tiền Giang lên TPHCM làm thuê rồi quen với ông chủ gần 60 tuổi giàu có. Do vợ con đề huề, ông không ly hôn để cưới chị. Điệp khúc của ông chủ là: “Em chờ anh sắp xếp, bà nhà đòi lấy hết tài sản mới chịu ly hôn. Chẳng lẽ tích cóp cả đời mà giờ anh phải ra đi tay trắng?”.

Kết quả của mười mấy năm làm người thứ 3 là 5 lần chị S. phải phá thai. Ông chủ không cho chị sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào. Cuộc tình chủ tớ ê chề mãi chị mới thoát ra được khi hữu duyên gặp được người đàn ông hiền lành, chân thực là chồng của chị hiện giờ. Mong con, nhưng ở tuổi 37, khả năng đậu thai của chị không cao vì đã không biết tránh thai đúng cách, phá thai quá nhiều lần trong cuộc tình đầu. Gần đây, chị lại bị căng thẳng, mất ngủ vì áp lực tìm con.

Theo Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 (SDGCW Việt Nam 2020-2021) do Tổng cục Thống kê và UNICEF thực hiện cho thấy tỷ lệ phá thai cao nhất ở phụ nữ từ 25-29 tuổi (9 lần/1.000 phụ nữ), tiếp theo là nhóm từ 20-24 tuổi (7 lần/1.000 phụ nữ), rồi đến nhóm từ 30-39 tuổi (6 lần/1.000 phụ nữ). Nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi có tỷ lệ phá thai là 1 lần/1.000 phụ nữ.

Lý do thực hiện lần phá thai gần nhất: Mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai gần nhất (53,6%), còn lý do sử dụng biện pháp tránh thai nhưng thất bại chiếm tỷ trọng (8,9%). Quan ngại về sức khỏe của bà mẹ và của thai nhi đóng góp lần lượt là 20,1% và 19,8% trong tổng số trường hợp phá thai, trong khi đó lý do phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi là 1,6%.

Kết hôn 3 năm mới sinh được con, nhưng trong thời gian chăm con mọn, chị T.T. (nội trợ, quận Bình Tân, TPHCM) lại lần lượt sinh thêm 2 bé vì vỡ kế hoạch. Lúc mới cấn bầu bé thứ 3, chị từng có ý định phá thai vì 2 bé đầu còn quá nhỏ và lo ngại đồng lương tài xế của chồng chị không gánh nổi 5 con người. Nhân cơ hội chị sinh mổ bé thứ 3, cô ruột của chị là bác sĩ phụ khoa tư vấn việc chị thắt ống dẫn trứng triệt sản.

Chị T.T. tâm sự: “Không sinh thêm, tôi có thời gian học hỏi kiến thức và kỹ năng chăm sóc nuôi dạy con. Các bé đều khỏe mạnh, thông minh. Khi các con đã đi học cấp 1 và mầm non, tôi tập tành buôn bán online kiếm thêm thu nhập, phụ trang trải với chồng, cuộc sống tạm ổn. Khi cha mẹ chưa sẵn sàng về mọi mặt thì đứa bé sinh ra và các anh chị của bé sẽ thiệt thòi, thiếu hụt. Không khí gia đình sẽ nặng nề, căng thẳng vì cha mẹ vô tình xem con cái là gánh nặng, là nguyên nhân của những khó khăn”.

Hàng năm, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới 26/9 nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, sự nguy hại của phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai bằng các phương pháp hiện đại,... cũng như kêu gọi sự quan tâm hơn nữa từ những cơ quan có liên quan đến các đối tượng trong độ tuổi sinh sản. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiến sĩ Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ: Truyền thông về kế hoạch hoá gia đình, sức khỏe sinh sản vẫn luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của công tác dân số. Mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng được trang bị đầy đủ kiến thức về kế hoạch hoá gia đình, sức khỏe sinh sản sẽ chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và để mỗi đứa trẻ sinh ra đều mạnh khỏe, nhận được đầy đủ cơ hội học tập, phát triển toàn diện. Đặc biệt, trong xã hội hiện đại ngày nay, khi phụ nữ và nam giới đều bình đẳng trong quan hệ xã hội, việc chị em phụ nữ chủ động lựa chọn và chia sẻ các biện pháp tránh thai phù hợp sẽ có hiệu quả rất cao trong việc thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình, góp phần phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, giảm thiểu tối đa việc phá thai và giảm nguy cơ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến mang thai và sinh con”.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI