|
Ảnh minh họa |
Chuyện thai nghén sinh nở, kể cả tránh thai, từ lâu vẫn được xem như “chuyện của bạn gái chúng mình”. Chẳng có gì đáng nói khi một phụ nữ đi đặt vòng, cấy que tránh thai, thắt ống dẫn trứng; nhưng người ta có thể há hốc khi một quý ông đi thắt ống dẫn tinh.
Khi nam ca sĩ Hoàng Bách đi triệt sản, báo chí, mạng xã hội đăng bài rầm rộ, bình luận nhiều chiều. Vì sao chúng ta lại bất thường hóa một điều bình thường? Vì sao cuộc vui của 2 người mà chỉ có người phụ nữ loay hoay xoay trở khâu “hậu kỳ”?
Cuộc trò chuyện với thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải - tác giả sách Thì thầm chuyện nhỏ chuyện to - Từ tình yêu đến tình dục (Saigon Books, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam) sẽ cho chúng ta thêm một góc nhìn về vấn đề tránh thai thời hiện đại và trách nhiệm của cả cặp đôi.
|
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải mong quý ông nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tránh thai |
Phóng viên: Tỉ lệ mang thai ngoài ý muốn vẫn còn cao vì ngành y còn nghèo nàn các biện pháp tránh thai hay vì đâu, thưa bác sĩ?
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải: Hiện nay đã có rất nhiều phương pháp sinh đẻ có kế hoạch, áp dụng cho cả nam và nữ, bao gồm phương pháp tránh thai tự nhiên và ngừa thai nhân tạo.
Tránh thai tự nhiên là vợ chồng phải tìm hiểu chu kỳ sinh lý của người nữ, theo dõi khoảng thời gian người phụ nữ dễ thụ thai (thời kỳ rụng trứng khoảng 7-10 ngày) để tránh quan hệ trong những ngày này. Dù vậy, không có nghĩa là họ không có quyền trao cho nhau những cử chỉ giao tình đằm thắm, mặn mà.
Phương pháp tránh thai tự nhiên được gọi là “phương pháp đôi”, nói tắt của từ “đôi bạn” vì nó mời gọi tinh thần trách nhiệm của người đàn ông. Ngược lại, nếu mong muốn kiếm con, vợ chồng sẽ mặn nồng với nhau nhiều hơn trong “tuần lễ vàng” này.
Ngừa thai nhân tạo chia ra 2 loại: Biện pháp tạm thời là vợ/chồng hoặc cả 2 áp dụng 1 cách nhân tạo nào đó trước, trong hoặc sau khi giao hợp (thuốc nội tiết, bao cao su, đặt dụng cụ tử cung, cấy que, thuốc diệt tinh trùng, phim đặt âm đạo, mũ chụp cổ tử cung…) để tận hưởng được sự thăng hoa mà không thụ thai. Với phương pháp này, vợ chồng có thể ân ái bất cứ lúc nào, bất cứ ngày nào trong tháng. Khi lên kế hoạch có con thì ngừng áp dụng. Biện pháp vĩnh viễn như thắt/cắt ống dẫn trứng/dẫn tinh là đình sản luôn.
Các biện pháp tránh thai có mức độ hiệu quả khác nhau, không phải “bách phát bách trúng”. Tỉ lệ phần trăm thất bại này, cộng những trường hợp do thiếu hiểu biết, do chủ quan mà không áp dụng biện pháp tránh thai nào đã đưa đến những con số mang thai ngoài ý muốn và tỉ lệ phá thai đau lòng.
* Bên cạnh là thiên chức của phụ nữ, mang thai cũng là rào cản trong việc tận hưởng niềm vui trong đời sống vợ chồng. Bài toán này ở thời hiện đại có dễ giải hơn không, thưa bác sĩ?
- Ngày xưa, ở châu Âu, Mỹ… đâu đâu cũng nan giải như ở Việt Nam mình khi… “hễ ân ái là có bầu”. Thuở ấy, phụ nữ trót mang thai bị bỏ rơi, chịu nhục hình rất nhiều.
Viên thuốc tránh thai ra đời năm 1960 là cuộc cách mạng tình dục đầu tiên, tách lìa hành vi tình dục và sinh sản.
Khác với tôn giáo, nhiều chính quyền trên thế giới coi cuộc cách mạng này cùng những tiến bộ khoa học trong việc phòng tránh thai đã giải phóng người phụ nữ, cho họ có quyền tận hưởng như đàn ông mà không phải treo lơ lửng nỗi lo bầu bí.
Không còn nghịch lý “2 người vui, sao chỉ bắt mình tôi chịu trách nhiệm?”; không còn ai phải hy sinh cho ai cả; phụ nữ tự thưởng cho mình hạnh phúc gối chăn, khám phá đến cùng sự nồng nàn, đê mê của tình dục. Nhiều bác sĩ nói vui rằng phụ nữ với “chiếc bùa bé tí ti” ấy vẫn có thể… “đi hại đời trai” được (cười).
|
Phụ nữ xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An tham gia buổi tư vấn về chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình hạnh phúc Nguồn ảnh: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình |
* Trở lại từ “đôi bạn” mà bác sĩ đã nhắc ở trên, để là bạn tốt của “bạn cùng giường” thì điều cơ bản nhất quý ông cần là gì, thưa bác sĩ?
- Quý ông phải đồng trách nhiệm trong việc tạo cảm xúc thăng hoa cho bạn đời lẫn trách nhiệm trong việc tránh thai. Phương pháp tránh thai tự nhiên trông đợi vào sự tự do, tinh thần trách nhiệm, sự “tự chế” của cả 2 người; chỉ một cái tặc lưỡi buông xuôi là có ngay hành trình 9 tháng 10 ngày và vòng đời trăm năm của 1 con người.
Bởi vì, dù người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt lý tưởng và biết chắc ngày rụng trứng của mình nhưng “nửa kia” của cô ấy giãy nảy với các biện pháp tránh thai, không chịu áp dụng, không thích áp dụng, không thèm áp dụng và không biết đằng nào mà áp dụng… thì việc cô ấy “dính chưởng” chỉ tùy thuộc vào may rủi.
Quyết định của nam ca sĩ Hoàng Bách, ngoài phải đối mặt với ca triệt sản tại bệnh viện, anh ấy còn phải bước qua nhiều rào cản dư luận, kể cả những đồn đoán thiếu cơ sở khoa học rằng triệt sản làm cho người ta yếu sinh lý hay bị “gái hóa”.
Trong niềm vui của ân ái, quý ông cần nhớ đến vai trò của một người cha trong tương lai, xác định đã sẵn sàng để chào đón đứa con hay chưa, từ đó hợp tác, thống nhất với bạn đời về tránh thai.
Chẳng thế mà con tinh tinh, khỉ đột có bộ gen giống người đến 99% nhưng chỉ vì chúng… thiếu trách nhiệm với tình yêu mà mãi “không lớn nổi thành người” (cười).
Tránh thai an toàn, hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe của phụ nữ và là một trong những chìa khóa của hôn nhân hạnh phúc. Vì vậy, phụ nữ và cả đàn ông cần nâng cao nhận thức và đánh giá đúng về tầm quan trọng của việc tránh thai để mỗi đứa bé đều được chào đời trong tình yêu thương, sự mong đợi và có điều kiện sống an toàn, tốt nhất.
* Xin cảm ơn bác sĩ.
61% ca mang thai ngoài ý muốn được giải quyết bằng phá thai Mỗi năm, thế giới có 121 triệu ca mang thai ngoài ý muốn; trong số đó 61% được giải quyết bằng phá thai, tương đương với 73 triệu ca phá thai mỗi năm (theo Báo cáo tình trạng dân số thế giới 2022 do UNFPA, cơ quan về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của Liên hiệp quốc). Trên thế giới có khoảng 45% số ca phá thai không an toàn và hơn một nửa trong số đó xảy ra ở châu Á, phần lớn tập trung ở Nam Á và Trung Á. Ở Việt Nam, theo thống kê Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em), tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các địa phương, những năm gần đây, hằng năm có khoảng 200.000-250.000 ca phá thai (số liệu có thể chưa ghi nhận hết các trường hợp phá thai ở các cơ sở y tế tư nhân). Tỉ lệ phá thai theo độ tuổi (ASAR) cao nhất ở phụ nữ từ 25-29 tuổi (9 lần/1.000 phụ nữ) theo các ước tính trong Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 (SDGCW Việt Nam 2020-2021) do Tổng cục Thống kê và UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc) thực hiện. Theo đó, lý do thực hiện lần phá thai gần nhất: Mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai gần đây nhất (53,6%), còn lý do sử dụng biện pháp tránh thai nhưng thất bại chiếm tỉ lệ 8,9%. Phá thai lặp lại khá phổ biến, là vấn đề rất đáng lo ngại. Theo Nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam do Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) thực hiện năm 2016, khoảng 17,4% phụ nữ cho biết đã từng phá thai. Số lần phá thai trung bình là 1,3 lần/phụ nữ. | Ảnh minh họa |
Nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, sử dụng các biện pháp tránh thai, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, với sự đồng hành của Công ty Bayer Việt Nam, phát động cuộc thi “Chủ động tránh thai - Chủ động tương lai” nhân ngày Tránh thai thế giới 26/9. Hình thức: tiểu phẩm, thuyết trình (bằng lời và hình ảnh bổ trợ). Đăng bài dự thi lên Tiktok và/hoặc Facebook ở chế độ công khai. Thời hạn thi: đến hết ngày 12/10/2023. Thông tin chi tiết trên trang Facebook: Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế. Hoài Nhân |
Tô Diệu Hiền (thực hiện)