Ngày tôi đi, hãy nâng một ly rượu

14/07/2022 - 10:26

PNO - Biết mình chỉ còn sống vài tháng, Deborah James quyết định sẽ mỉm cười thay vì than khóc vào những ngày cuối của cuộc đời.

 

Cô Deborah được hoàng tử William phong tước tại nhà
Cô Deborah được hoàng tử William phong tước tại nhà

Được các bác sĩ chẩn đoán bị ung thư đại trực tràng giai đoạn 4 vào năm 2016 và thông báo chỉ còn sống vài tháng nữa, Deborah James quyết định sẽ mỉm cười thay vì than khóc vào những ngày cuối của cuộc đời. 

Khi đó, Deborah là hiệu phó một trường trung học. Cô có hai con Hugo và Eloise lên chín và bảy tuổi. Chồng cô, anh Sebastien, vẫn thỉnh thoảng cãi nhau với vợ xem ai chăm con, ai rửa chén, sau khi nghe tin bệnh tình của vợ, gia đình họ trở nên gắn chặt bên nhau. 

Không muốn mọi người nhìn mình với hình ảnh một nạn nhân của căn bệnh quái ác, Deborah vẫn mang giày gót nhọn đi khám bệnh và thi thoảng đi quán bar.

Cô tìm hiểu và biết mình chỉ còn 8% cơ hội sống sót nên không muốn mất đi giây phút nào bên con. Cô chọn một nhà hàng thay vì ở nhà để thông báo với các con rằng mình bị ung thư để chúng không bị ám ảnh sau này. 

Bác sĩ đã chẩn đoán nhầm các triệu chứng ung thư sớm của Deborah đến ba lần, nên cô tự thấy có nhiệm vụ phải đề cao tầm quan trọng của việc xét nghiệm thường xuyên đối với mọi phụ nữ. 

Cùng với hai đồng nghiệp cũng mắc bệnh ung thư, cô cho ra đời podcast cho đài BBC với tựa đề You, Me and the Big C (Bạn, tôi và chữ C to tướng). Bạn đồng hành của cô là Rachael Bland đã qua đời vì bệnh ung thư năm 2018.

“Tôi cảm thấy tội lỗi với bạn bè vì mình còn sống mà bạn thì không qua khỏi”. Deborah nói: “Khi nào thì đến lượt tôi đây, tôi rất lạc quan nhưng cũng rất thực tế, nên dù có nhiều hy vọng, tôi cũng phải rất thận trọng”.

Trong suốt sáu năm từ khi được chẩn đoán, căn bệnh có lúc tưởng chừng như đã rút lui khi Deborah được hóa trị và bác sĩ phẫu thuật thành công khối u. Sức mạnh tiềm tàng của cô khiến mọi người vô cùng cảm phục, cô trở thành tiếng nói để mọi người nhận thức rõ hơn về căn bệnh.

Những lúc tưởng như không còn sức lực nào cả, cô làm công tác tư tưởng cho các con, không được lấy cái chết của mẹ để đổ thừa cho các thành bại trong cuộc đời.

Biết mình không còn sống lâu nữa, cô mua ít quần áo hơn, nhưng đều là những món đồ có giá trị để sau này con gái cô có thể sử dụng lại và nhớ đến mẹ. 

Nhiều lúc cô cũng kiệt sức với sứ mệnh của mình khi mỗi ngày nhận hàng ngàn tin nhắn bắt đầu với “tôi được bác sĩ chẩn đoán…, cô có thể giúp tôi không?”. Vì thế, cô viết một cuốn sách vui nhộn có tựa đề F*** You Cancer: How to Face the Big C, Live Your Life and Still Be Yourself. 

 

Dame Deborah Ann James là một nhà giáo dục, nhà báo, nhà truyền cảm hứng. Cô qua đời ngày 28/6/2022. Đến nay quỹ từ thiện qua kênh bowelbabe.org do cô gầy dựng đã quyên được gần 7 triệu bảng Anh để dành cho việc nghiên cứu ung thư và tuyên truyền nhận thức về căn bệnh ung thư đại tràng tại Anh.

Thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19 ở Anh, cô dạy con cái đối diện với cuộc sống khi cô không còn trên đời này nữa. Cô dạy lũ trẻ cách nướng bánh, hòa nhập với thiên nhiên, quan sát bươm bướm, trồng hoa, cô hóa trang và nhảy cùng các con điệu nhạc trong phim Beauty and the Beast. Cô muốn chúng nhớ những việc và tháng ngày đã chia sẻ cùng cô. 

Deborah đặt mục tiêu sống đến 40 tuổi và cô đã đạt được vào tháng Mười năm ngoái. Tuy nhiên, suốt năm 2022, cô ra vào bệnh viện liên tục để chống chọi với bệnh tật. Những ngày này, cô phải về nhà bố mẹ cô. Cô thừa nhận có những lúc cô khóc vì không kiềm chế được, nhưng cô không muốn khóc vào những ngày cuối của cuộc đời.

Thay vào đó, cô vẫn tiếp tục hành động với sứ mệnh của mình, dùng cái chết cận kề để gây hơn 6 triệu bảng Anh cho Quỹ Nghiên cứu ung thư Anh quốc, Hội Ung thư trực tràng Anh quốc, Bệnh viện Hoàng gia Marsden. Cô ngủ cùng con gái, ra vườn chơi cùng với chồng, in áo thun với khẩu hiệu của riêng cô, tên cô được đặt cho một loại hoa hồng ở Hội hoa Chelsea. 

Tháng Năm, giữa lúc được Công tước xứ Cambridge trao danh hiệu Dame (một tước vị cao quý do Hoàng gia Anh ban tặng dành cho những người có công lao to lớn với đất nước) cô đã tranh thủ làm nhiều việc “hành chính” để lại cho chồng và con. Cô viết những lá thư gửi cho các con để chúng nhận được vào những giai đoạn quan trọng của cuộc đời cùng những lời nhắn nhủ buồn cười. 

“Đây là những lời khuyên của mẹ vào ngày đám cưới của con; những việc nên làm trong buổi hẹn hò đầu tiên”. Cô cũng nhắn với chồng cô mong anh sẽ kết hôn lần nữa, nhưng đừng chọn người đẹp mà ngốc, hãy kiếm người có thể khiến anh cười. 

“Tôi không muốn câu chuyện của tôi là một câu chuyện buồn, ngày tôi ra đi, hãy nâng một ly rượu nhé!”. Đó là những lời cuối của Deborah. 

Phan Quỳnh Dao (theo The Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI