Ngày tôi đẻ, anh mang vào viện một ổ bánh mì

03/10/2017 - 13:00

PNO - Tôi theo dõi rất nhiều bài báo của các chị em phụ nữ, chia sẻ cảnh họ được chồng nấu ăn, chăm sóc, ngày sinh con chồng tất cả ngược xuôi. Còn tôi, càng nghĩ phận mình lại càng thấy cay đắng.

Chồng tôi không yêu thương tôi, ngay từ đầu cuộc hôn nhân này là vậy. Chỉ có tôi là người yêu anh, say mê anh từ thời còn rất trẻ. Sau này, khi anh chia tay bạn gái, tôi chính là người an ủi, vực anh dậy, giúp anh qua những phút yếu lòng.

Thế rồi chúng tôi gần gũi với nhau hơn. Tôi không rõ mối quan hệ này là gì. Anh em không phải, bạn bè không phải, người yêu lại càng không. Chúng tôi lặng lẽ bên nhau như thế, chia sẻ cho nhau một số điều khi cần và đôi khi có những cái nắm tay thật ngượng.

Nhưng đã từ rất lâu, tôi biết tôi yêu anh nhiều như thế nào. Dù biết tình yêu ấy chỉ xuất phát từ một phía, tôi vẫn kiên trì chấp nhận. Ngày anh uống say mèm, chúng tôi ngã vào lòng nhau trong ánh đèn mập mờ của một phòng khách sạn. Sau đêm đó, tôi đã không còn chỉ yêu anh âm thầm nữa, mà quyết trở thành người phụ nữ của đời anh.

Ngay toi de, anh mang vao vien mot o banh mi
Tôi tìm mọi cách để trở thành người phụ nữ của anh, nhưng cái giá phải trả quá đắt - Ảnh minh họa

Một lần, hai lần, nhiều lần, thế rồi tôi có thai. Cái thai ngày càng lớn, tôi buộc phải nói cho anh. Lúc ấy anh im lặng, không nói gì. Tôi cứ ngỡ anh mừng rỡ, hoặc chí ít tôi cứ ngỡ anh gay gắt, làm ầm lên chuyện tôi không uống thuốc, rằng tôi gài có bầu với anh. Thế nhưng anh im lặng, cái im lặng đáng sợ ấy khiến tôi không biết anh nghĩ gì.

Sự hoảng hốt tột độ cùng nỗi lo lắng bị anh bỏ rơi đã khiến tôi tự tìm đến nhà anh, gặp bố mẹ anh và quỳ xuống xin được chấp nhận. Tất nhiên, mang theo bào thai đã lớn trong mình, cộng với sự yếu đuối của đàn bà, tôi đã thắng. Anh buộc phải kết hôn với tôi. Đám cưới diễn ra nhanh chóng. Nhưng chỉ ngay sau đó, tôi mới nhận ra sự xuất hiện của mình trong nhà anh là dư thừa, sự đồng ý của nhân thân anh và chính anh chỉ là do cưỡng ép.

Những tháng ngày thai kỳ vất vả, tôi đã phải tự chăm lo cho mình. Bố mẹ chồng cũng chỉ có thể cho tôi cái bánh, túi trái cây, chứ không thể lo lắng nhiều. Anh đi làm, có tiền về thì đưa tôi rồi bảo muốn ăn gì tự mua. Suốt chín tháng mười ngày, tôi đã không có lấy một cái ôm, không có lấy một lời động viên, chăm sóc. Anh thì cứ đi được khỏi nhà giờ nào là hay giờ ấy và chỉ biết mang thêm chút tiền về. Tôi dần dần cảm thấy cuộc sống của mình hoàn toàn không có tình yêu, hoàn toàn là chịu đựng.

Thời gian rảnh, tôi hay lên mạng xem các chị em khác tâm sự cách nuôi dạy con, chăm lo gia đình. Tôi tủi thân vô cùng khi thấy có những chị em trạc tuổi mình nhưng lại được chồng yêu thương cưng nựng như trứng. Càng có thai, chồng càng chiều họ. Họ khoe chồng nấu ăn ngon, khoe chồng biết làm việc nhà, khoe chồng tặng quà cáp, mua váy áo cho con. Ngẫm lại, tôi chẳng có gì. Nhìn quanh đi quẩn lại, chỉ mình tôi mãi cứ đau đáu với sự vô tâm của anh, mãi mong chờ một ngày anh ấm áp với mình.

Thế rồi tôi sinh non. Nằm một mình trong bệnh viện, tôi mới thấm cái cảm giác mạnh mẽ đến tột cùng. Anh đã theo chân y tá đi chăm sóc con, chỉ nhìn qua tôi một cái. Còn tôi cứ nằm nhìn trân trân lên trần nhà bệnh viện. Vết thương rỉ máu cả ngoài thể xác lẫn trong tâm hồn.

Lúc ổn thỏa tất cả tôi thấy mình đói cồn cào. Tôi nói với anh. Anh đi thẳng ra ngoài, lúc sau quay lại, trên tay là một ổ bánh mì khô khốc. Tôi giàn giụa nước mắt nhìn ra. Lúc ấy, tôi đã lấy hết sức mình, để nói chỉ một câu: “Em không ăn nữa, từ nay anh cũng không cần bận tâm tới em và con”.

Ngay toi de, anh mang vao vien mot o banh mi
Nhìn ổ bánh mì mà anh mua cho tôi ngày đẻ, tôi biết tất cả đã hết thật rồi - Ảnh minh họa

 Sau này tôi mới nhận ra, ở thời khắc đó, lúc đói lòng, vất vả nhất, đau đớn nhất tôi mới sáng suốt biết rằng tôi và anh không phù hợp. Càng ở với anh tôi càng thiệt thòi, đau lòng. Rõ ràng tôi xứng đáng có hạnh phúc lớn hơn, thế nhưng chỉ một lần đeo đuổi, tôi đã trả giá quá đắt.Bác sĩ đi ra, thấy anh đưa tôi ổ bánh mì thì la mắng um sùm. Người ta chỉ nghĩ anh lần đầu làm bố, vụng về không biết chăm bà đẻ. Người ta hỏi má chồng tôi, má ruột tôi đâu. Tôi khóc, chỉ mong cơn đau thể xác chóng qua nhanh để rời khỏi anh – người đàn ông mà suốt đời cũng không thể trao cho tôi một chút tình yêu. Thậm chí ngay cả khi tôi đã sinh cho anh một đứa con gái nhỏ.

Giá mà hôm đó, anh mang đến cho tôi một tô cháo nóng, có lẽ tôi vẫn còn vì anh mà yêu thương, vì anh mà hi sinh. Nhưng một ổ bánh mì nguội ngắt trên tay anh đã dạy tôi rằng: Mình phải yêu mình trước, rồi hãy yêu người!

Hoài Giang (TP. HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI