"Ngây thơ như nàng": Từ người di cư lạc lõng đến “nỗi đau di truyền”

05/04/2022 - 19:10

PNO - "Ngây thơ như nàng" đề cập đến cảm thức samishii kimochi và lột tả được tâm trạng phức tạp của những người di cư. Samishii kimochi, nói ngắn gọn, là cảm giác cô đơn, lạc lõng, bị mất kết nối.

Ngây thơ như nàng (Thúy dịch, Phanbook & NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2022) mang 2 mạch truyện cách nhau gần nửa thế kỷ được kể song song. Yuki Oyama, cô gái Nhật Bản với một cuộc đời nhiều xáo trộn. Cô yêu Jay - đứa con trai 2 tuổi của mình, nhưng không thể nào kết nối được với cậu bé.

Yuki theo gia đình đến New York từ khi cô mới 6 tuổi. Trong khi bố mẹ luôn nhớ về Nhật và văn hóa Nhật thì Yuki cố tách mình ra khỏi nguồn cội, vì chính dòng máu ngoại lai này mà cô bị cô lập ở trường. Sống ở New York trong phần lớn cuộc đời khiến Yuki quá Mỹ so với Nhật Bản nhưng cũng quá Nhật so với Mỹ. Thế nên, cô nằm giữa lằn ranh và không bên nào dung chứa.

Khó khăn lắm Yuki mới có được người bạn đầu tiên là Jane Graychild - người tự gọi mình là Odile. Nhưng sau khi Odile có bạn trai, Yuki lại bị bỏ rơi, thậm chí còn bị chính người bạn thân duy nhất khinh thường: “Sao cậu xấu xí thế?”.

Trôi nổi trong cuộc sống, Yuki bám vào bất kỳ ai thể hiện sự quan tâm với mình, dù cho mối quan hệ đó là mối quan hệ độc hại. Mối tình giữa Yuki và Lou - gã phóng viên có xu hướng bạo lực gia đình - đã thể hiện cảm thức samishii kimochi ở Yuki rõ nhất.

Cảm thức samishii kimochi, nói ngắn gọn, là cảm giác cô đơn, lạc lõng, bị mất kết nối. Đã từng thấy Lou bạo hành Lillian, mẹ của Odile, Yuki vẫn lao vào mối tình với Lou, và cũng nhiều lần bị Lou đánh đập. Song Yuki vẫn không thể buông bỏ Lou, vì Lou là sợi chỉ mong manh khiến Yuki có cảm giác được kết nối với mọi người.

Cho dù tác phẩm của Rowan Hisayo Buchnan, nhà văn Mỹ gốc Nhật - Anh - Trung Quốc, được nhắc khá nhiều trên các tạp chí như The Guardian, Granta, The White Review và The Harvard Review... nhưng phải đến tiểu thuyết Ngây thơ như nàng (nguyên tác: Harmless Like You), cô mới được xem là chính thức bước vào thế giới văn chương toàn cầu, với đề cử giải thưởng Jhalak Prize cho tiểu thuyết đầu tay.

Mối quan hệ độc hại với Lou ảnh hưởng rất lớn đối với Yuki: cô không còn, cũng không thể kết nối với ai hay tiếp nhận một mối quan hệ lành mạnh nào nữa. Thế nên, khi kết hôn với Edison và sinh ra Jay, Yuki vẫn lạc lõng.

Cô không có cảm giác kết nối với chồng dù anh luôn yêu thương và đối xử tốt với cô. Lần duy nhất Yuki cảm thấy nhẹ nhõm là khi Edison thể hiện một chút bạo lực trong cuộc giao hoan, cô cảm thấy đàn ông bạo lực là bình thường.

Tình mẫu tử cũng không thể khiến Yuki cảm nhận được sợi dây kết nối với Jay, đứa con trai ngoan ngoãn của cô. Tuyệt vọng, Yuki bỏ đi khi Jay chỉ mới 2 tuổi. Cũng chính vì lẽ đó, Jay “được di truyền” cảm thức samishii kimochi từ mẹ: anh không thể kết nối với chính đứa con của mình.

Chỉ đến khi gặp lại mẹ, nút thắt trong lòng Jay mới được gỡ bỏ. Anh tìm lại được sợi dây kết nối với Eliot và bắt đầu học cách yêu con.

Cảm thức samishii kimochi bao trùm lên cuộc đời của Yuki. Cô vật vạ trong nỗi cô đơn bị ngắt kết nối. Cảm thức samishii kimochi của Yuki ảnh hưởng đến sự tan rã của một gia đình, tạo ra một “nỗi đau di truyền” của các thế hệ người di cư.

Mai Thy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI