“Ngây thơ” như Hồng Phước

22/02/2014 - 21:11

PNO - PNO - Thái độ “lập lờ đánh lận con đen” của Phạm Hồng Phước về vụ “mượn thơ không phép” dường như không thỏa mãn được dư luận đang mong chờ một sự sửa sai của nam ca sĩ trẻ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cho đến thời điểm này, trước dư luận gay gắt, Hồng Phước đã gửi lời “xin lỗi muộn màng” tác giả, nhưng ca khúc Khi chúng ta già (Phạm Hồng Phước song ca cùng Hương Giang) vẫn chưa được gỡ bỏ khỏi các trang nhạc.

“Ngay tho” nhu Hong Phuoc
Phân tích những điểm giống nhau giữa bài thơ và ca khúc Khi chúng ta già
(Ảnh từ Facebook nhà thơ Nguyễn Thị Việt Hà)

Trong lần lên tiếng “chính thức và duy nhất” ngày 21/2 sau một tuần im lặng của Hồng Phước, anh đã có lời xin lỗi, nhưng đó không phải là lời xin lỗi dành cho tác giả bài thơ Khi chúng ta già Nguyễn Thị Việt Hà - người bị anh “vô ý cầm nhầm” tác phẩm, mà là lời xin lỗi gởi đến… khán giả, trong đó có một số fan đang bất chấp pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, bất chấp lẽ phải để bênh vực thần tượng. Mãi cho đến khi dư luận phẫn nộ thì Phước mới lên Facebook xin lỗi trong một status "lần cuối cùng".

Ca từ trong bài hát Khi chúng ta già của Phạm Hồng Phước thực chất chỉ là bài thơ cùng tên đã được “xào nấu” đảo đoạn, thêm thắt một vài từ, nhiều câu còn giữ nguyên si như Khi chúng ta già / Con cháu chúng ta đã lớn / Anh đọc sách, em pha trà / Gói cả thế gian vào lòng bàn tay… Dù tác phẩm có ca từ mà theo tác giả Việt Hà là “giống đến 80% nội dung bài thơ của tôi” nhưng trong phần trả lời của mình Phạm Hồng Phước vẫn nói rằng “chưa từng đọc bài thơ của chị Hà”, “không hề có chuyện tôi đọc bài thơ rồi mới viết nên ca khúc này” và cho rằng đó chỉ là sự “trùng hợp ngẫu nhiên”, vì ca khúc của anh được cảm tác từ những dòng chia sẻ trên mạng. Cả trong status xin lỗi, Phước vẫn khăng khăng là mình chỉ "ảnh hưởng" chứ không "đạo".

Những phát ngôn của Hồng Phước có thể cũng có một phần sự thật, khi những status trên facebook hiện nay ngồn ngộn và rất nhiều trong số đó là “hàng copy, hàng vay mượn, hàng sưu tầm”. Nhưng điều đáng trách của người mang danh nghệ sĩ lại ở chỗ, đã tự ý cầm nhầm đồ của người khác, để rồi khi chủ nhân lên tiếng đòi lại món đồ của mình, anh lại cố tình lờ đi (chọn thái độ im lặng). Chỉ đến khi tác giả tỏ thái độ quyết liệt (gửi công văn đến trường ĐH Sư phạm nơi Phước đang theo học và đòi kiện ra tòa), thì Phước mới tuyên bố gỡ bỏ bản ghi có lời (giữ lại beat nhạc và vẫn không thừa nhận mình lấy tác phẩm của người khác).

“Ngay tho” nhu Hong Phuoc
Lời xin lỗi muộn màng trên Facebook Phạm hồng Phước
(Ảnh P.T.N chụp từ màn hình)

Thêm vào đó, cách mà Phước cho rằng nữ tác giả là người "dày dạn kinh nghiệm, có quan hệ tốt với truyền thông" làm một nghệ sĩ trẻ “ngây thơ vô số tội” bối rối, đã “đánh bùn sang ao” một cách ngoạn mục, cứ như thể cậu là người bị hại trong toàn bộ lùm xùm này.

Cần phải nói thêm rằng, qua vụ lùm xùm này, thêm rất nhiều người đã biết mặt, biết giọng Hồng Phước - một ca sĩ top 8 của một trong những cuộc thi truyền hình thực tế, chưa có dấu ấn gì đáng kể trong sự nghiệp âm nhạc - là ai, đã nghe bài hát của cậu, dù cách nổi tiếng bằng tai tiếng luôn là một con dao hai lưỡi.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi tạo tác phẩm phái sinh mà không xin phép, sử dụng tác phẩm không trả nhuận bút, thù lao đã vi phạm điểm 7, điểm 8 của điều 28 - Hành vi xâm phạm quyền tác giả, bao gồm cả quyền nhân thân (quyền đứng tên tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm) và quyền tài sản mà ở đây là những lợi nhuận phát sinh từ bài hát, thậm chí là chi phí cho phép tạo tác phẩm phái sinh.

Dù chưa bị xử phạt (vì tác giả chấp nhận hành động gỡ bài hát và không khởi kiện), nhưng lối hành xử kém cỏi của Hồng Phước đã gây thất vọng về cả về phương diện pháp luật lẫn tình cảm, nhất là khi Phước còn trẻ và chuẩn bị trở thành một thầy giáo dạy dỗ người khác.

HIỀN MINH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI