Ngày thi tốt nghiệp THPT đầu tiên: Đề thi văn, toán vừa sức đa số thí sinh

08/07/2022 - 06:36

PNO - Ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 với hai môn văn và toán được đánh giá nhẹ nhàng, vừa sức với đa số thí sinh.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trong ngày thi đầu tiên, môn ngữ văn có 985.492 thí sinh đăng ký và có 981.598 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 99,6%. Đối với môn toán, có 987.001 thí sinh đăng ký và 982.914 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 99,59%. Có 79 thí sinh F0 ở 20 hội đồng thi. Trong đó có 18 thí sinh đến dự thi; 61 thí sinh không đến dự thi. 

Cả nước có 22 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi. Trong đó, ngữ văn: 12 thí sinh, toán: 10 thí sinh. Cụ thể có 5 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 17 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Không có cán bộ vi phạm quy chế.

Thí sinh thi môn toán tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) - ẢNH: TAM NGUYÊN
Thí sinh thi môn toán tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TPHCM) - Ảnh: Tam Nguyên

Báo cáo từ các địa phương cho thấy, các buổi thi ngữ văn, toán đã diễn ra theo đúng kế hoạch và quy định. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi bài thi ngữ văn và bài thi toán nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp với mục tiêu kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Các thí sinh diện F0 dự thi được bố trí thi tại phòng riêng. Công tác coi thi tại các phòng thi này được triển khai theo đúng quy định với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho các cán bộ coi thi và thí sinh.

Tại TP.HCM, trong sáng 7/7, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã đi kiểm tra tình hình tổ chức thi tốt nghiệp tại hai điểm thi THPT Trưng Vương (quận 1) và THCS Colette (quận 3). Ông Dương Anh Đức đánh giá tình hình tổ chức tại các điểm thi nghiêm túc, đúng quy chế, cán bộ coi thi được tập huấn kỹ lưỡng. Ở điểm thi Trưng Vương, trong buổi sáng thi văn đã có sự điều chỉnh kịp thời cho một trường hợp thí sinh bị tai nạn. Thí sinh này bất ngờ bị gãy chân nên đã được dời từ phòng thi ở tầng 2 xuống tầng trệt để tạo điều kiện cho em thi thuận lợi. 

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết: Trong buổi sáng thi môn văn có một thí sinh tự do đi trễ 30 phút nên không được thi. Trong buổi chiều thi toán có một thí sinh vi phạm quy chế là mang điện thoại vào phòng thi, đã bị đình chỉ thi. Đồng thời, TPHCM có học sinh bị F0 vẫn dự thi được bố trí thi phòng riêng, và một thí sinh gần ngày thi nhiễm COVID-19 đang làm hồ sơ xin đặc cách tốt nghiệp THPT.

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) - đánh giá: Ngày thi đầu tiên với đề thi môn văn, toán vừa sức, phù hợp với nhu cầu của đa số học sinh là xét tốt nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn có những câu phân hóa cao để xét tuyển đại học. Đề thi đúng với tinh thần của Bộ GD-ĐT là không tạo áp lực đối với học sinh năm nay vốn chịu nhiều thiệt thòi do dịch bệnh. Thầy Phú hy vọng đề thi các môn còn lại cũng đáp ứng được yêu cầu tốt nghiệp, xét tuyển và đảm bảo trọn vẹn một kỳ thi nghiêm túc, công bằng.

Hôm nay 8/7, thí sinh cả nước tiếp tục bước vào ngày thi cuối cùng với tổ hợp thi tự chọn (tự nhiên hoặc xã hội) vào buổi sáng và thi tiếng Anh vào buổi chiều. 

Thí sinh dễ lấy điểm trung bình

Cô Nguyễn Thị Ngọc Châu - Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Ngô Quyền (quận 7) - đánh giá: Đề văn nhìn chung hay, nhẹ nhàng, vừa sức học sinh. Trong đó, ngữ liệu đọc hiểu ra đoạn thơ Con đường của những vì sao (Nguyễn Trọng Tạo) dễ hiểu, có ý nghĩa giáo dục. Các câu hỏi quen thuộc, học sinh đã được luyện tập nhiều nên có thể làm tốt các câu 1, 2, 3. Đối với câu 4 là câu hỏi mở có tính chất phân hóa, học sinh cẩn thận sẽ làm đủ hai ý là nêu những suy ngẫm của tác giả rồi mới nhận xét; nếu không thì phần nhận xét dễ sơ sài, chung chung nên khó được trọn điểm. Tóm lại, đề theo đúng cấu trúc và hướng đã ra trong đề minh họa. Các em dễ đạt điểm 6 - 7, học sinh giỏi cũng không khó để đạt điểm trên 8.

Trong khi đó, đề môn toán được đánh giá là có tính phân hóa rất cao nhưng với học sinh học lực trung bình, chăm chỉ, không khó để lấy điểm trung bình. Thầy Nguyễn Đăng Xuân Duy - Tổ trưởng Tổ toán Trường THCS-THPT Lạc Hồng (quận 12) - đánh giá: Từ câu 1 - 35 ở mức độ cơ bản, nếu các em nắm chắc lý thuyết và ôn kỹ có thể lấy được 7 điểm. Từ câu 39 trở đi bắt đầu phân hóa độ khó, nếu các em giỏi và khả năng tư duy tốt mới có thể lấy điểm từ 8 trở lên. Từ 9 điểm trở lên là khó và muốn 10 điểm là rất khó. Câu 49 (về tọa độ không gian) và 50 (về hàm phức) là những câu “khó nhai” nhất, dành cho học sinh xuất sắc, tư duy nhanh, vận dụng cao.

Minh Linh

 

Những sĩ tử đặc biệt

Có thể nói, em Tạ Quốc Hùng (lớp 12A3 Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) là thí sinh đặc biệt nhất ở miền Tây. Chiều 7/7, em đến dự thi môn toán nhờ sự hỗ trợ của đội tình nguyện. Gần một tháng trước, khi Hùng đi xe đạp đến một cửa hàng tiện lợi để mua hàng thì bị tai nạn giao thông khiến cả hai tay đều bị chấn thương. Trong suốt thời gian chuẩn bị cho kỳ thi, Hùng đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của thầy cô, bạn bè.

Phòng thi duy nhất dành cho thí sinh Tạ Quốc Hùng tại điểm thi Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa khá đặc biệt: Có hai cán bộ coi thi và thêm một giám sát ở ngoài, lại được trang bị thiết bị thu tiếng, ghi hình trong suốt quá trình Hùng làm bài. Vì không thể viết bài do gãy tay nên có một cán bộ hỗ trợ ở môn thi, phần thi viết bài, ở môn trắc nghiệm thì Hùng có thể tô bằng tay… trái. 

Ba điểm thi tại TPHCM có học sinh không thể viết bài, được bố trí thi ở phòng riêng và có cán bộ ghi bài hỗ trợ, ở mỗi phòng thi đều có máy ghi hình, ghi âm và thêm hai cán bộ coi thi, một cán bộ giám sát theo dõi toàn bộ quá trình.

Quang Thư

Phương Thanh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI