Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4: Từ “cậu bé Thánh Gióng” đến giảng đường đại học

02/04/2023 - 06:46

PNO - Nhớ lại mười mấy năm trước, những đêm thao thức, chị thì thầm vào tai con trai đang ngủ say: “Con ơi, con có giận mẹ gì không? Sao con không chịu nói lời nào? Con nói đi!”.

Gian bếp nhà bác sĩ T.T.
Gian bếp nhà bác sĩ T.T.

12 năm, mẹ cùng con đèn sách

Với biểu hiện của con là chậm nói, ánh mắt cứ nhìn xa xăm, không chơi với ai, luôn thu mình một góc, chị T.T. đã đưa con (lúc đó khoảng 2 tuổi) đi khám tại Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM). Chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp kết luận bé mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (thuộc rối loạn phát triển lan tỏa). 

Dù công tác trong ngành y nhưng thời điểm đó, chị T.T. chưa được biết nhiều thông tin về tự kỷ để can thiệp. Chị chỉ biết rằng mình sẽ luôn cố gắng, nhẫn nại, quyết tâm, đồng hành cùng con và các vị chuyên gia để hỗ trợ con. Xác định đây là một hành trình đầy khó khăn nhưng với trái tim tràn đầy tình yêu thương, bền bỉ, lòng quyết tâm vì con, chị đã không quản ngại, vững vàng vượt qua mọi thử thách.

Đồng hành cùng gia đình vẫn là chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp (hiện là tiến sĩ, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM). Tiến sĩ Xuân Điệp hằng tuần đến nhà chị T.T. chẩn đoán cho bé, thiết kế chương trình can thiệp phù hợp với sự phát triển của bé, có sự phối hợp hỗ trợ đồng bộ của cả gia đình, nhà trường… Hằng ngày, cô giáo đến nhà can thiệp theo đúng chương trình được thiết kế và duy trì suốt nhiều năm ròng.

Đến một ngày, trong khi đang nấu cơm dưới tầng trệt, chị T.T. nghe tiếng con trên lầu: “Ui da, đau quá!”. Vui sướng, hồi hộp, chị quýnh quáng chạy lên lầu xem thì chỉ thấy con lặng thinh giở sách Doraemon coi hình. Đặt dấu hỏi “hay là con thấy Nobita bị Chaien đánh nên mới bật lên tiếng kêu đau?”, chị lại rình ở góc cầu thang, nhưng hồi lâu chẳng nghe được gì hơn. 

Vào học mẫu giáo và lớp Một, con được cô giáo chủ nhiệm rất quan tâm. Một vài bạn bè tốt bụng hỗ trợ, giúp đỡ con vượt qua những khó khăn trong giao tiếp, sinh hoạt hay những lúc bị bạn bè bắt nạt. Qua học kỳ II của lớp Một, con mới bập bẹ được vài tiếng và chưa biết viết chữ cái nào. Sau ngày làm việc, mỗi tối chị T.T. kiêm luôn vai trò cô giáo dạy kèm cho con. Vì con không thích cầm viết nên 2 mẹ con bày trò viết chữ trên mặt cát hoặc để ly nước đá cho nước rịn ra ngoài thành ly và mặt bàn, chị quệt nước đó để vẽ chữ, làm toán dạy con học. Với chị, gương mặt con lúc ấy thư thái, phấn chấn như họa sĩ vẽ bức tranh mình tâm đắc. 

Hành trình dạy và học cùng con là cả một quá trình phấn đấu, vì lúc ấy không phải dễ dàng giải thích cho con hiểu khái niệm về các đồ vật, mối quan hệ, hoạt động. Thay vì chỉ dùng ngôn ngữ, chị kết hợp ngôn ngữ với vẽ hình, cử chỉ… Ví dụ nói về Bác Hồ, chị phác thảo một người đàn ông trán cao, tóc bạc, có râu dài… Về sau, hễ thấy hình gương mặt quen thuộc ấy, con mấp máy gọi: Bác Hồ. 

Có lần giáo viên Anh văn mời con ra khỏi lớp học, khi chị đến rước con, vội hỏi: “Vì sao vậy con, con có học được không?”. Con quỳ sụp xuống, giọng ngắt quãng: “Con lạy mẹ, mẹ cho con học thêm Anh văn”. Thấy anh Hai học Anh văn ở một trung tâm nổi tiếng, về nhà nói chuyện ro ro, con cũng xin học. Chị bấm bụng đóng rất nhiều tiền cho khóa học mà không biết có thu được kết quả gì không. Nào ngờ, con học khá, tiến bộ từng ngày, thậm chí còn chỉnh những tiếng mẹ phát âm sai. Nghe cô giáo hỏi mẹ rằng “bé trước nay sống ở Việt Nam hay nước ngoài vậy chị?”, con càng hào hứng, tự tin và hăng hái học. 

Vào mùa trái ngọt... 

Không chỉ theo sát bài học ở lớp của con, chị T.T. còn tạo điều kiện cho con chơi đá banh, banh bàn, bóng rổ… Con cũng chăm chỉ luyện ngón với đàn piano và hát karaoke để khắc phục những chữ phát âm chưa chuẩn. Các hoạt động này cũng giúp con giảm căng thẳng và tăng kỹ năng giao tiếp. Dù rất bận rộn, có khoảng thời gian, chị vẫn xung phong vào hội phụ huynh học sinh. Chị mong được tiếp cận với các bạn học chung với con để kết nối, thêm cơ hội cho con vui chơi, hòa nhập với bạn bè. Chị bộc bạch: “Tôi tìm mọi cách để kéo con ra khỏi thế giới co cụm, đơn độc”.

Từ cấp II, con đã được đưa vào lớp chuyên Anh. Con thi đua với các bạn và với bản-thân-mình-ngày-hôm-qua. Không tự gây áp lực thành tích mà con thực sự vui khi thu nạp được nhiều kiến thức và nhận điểm số tương xứng. Các môn tự nhiên không khó đối với con. Chỉ môn ngữ văn là con phải vô cùng nỗ lực để không bị điểm dưới trung bình.

Đôi lúc con bị điểm rất thấp, chị vẫn luôn động viên. Đọc từng lời từng câu văn con viết, chị rưng rưng vì con đã rất cố gắng quan sát thực tế, tìm ý, chọn từ ngữ, chọn chỗ ngắt câu và lồng cảm xúc vào. Ví dụ bài văn tả mẹ, con phác họa rất mộc mạc, chân thực về một bác sĩ yêu nghề, một phụ nữ 2 giỏi, được nhận nhiều bằng khen. 

Với nghị lực của con, chị T.T. bắt đầu nuôi ước mơ, hy vọng cho con vào đại học. Dù nhiều người e ngại và cho đó là điều viển vông nhưng chị vẫn tin. Với chị, nếu cha/mẹ không lạc quan, tích cực, con sẽ không đủ động lực để chống chèo. Con cũng dần tin mình sẽ đậu đại học, theo đuổi lĩnh vực mình đam mê là công nghệ thông tin. Và cánh cửa trường đại học đã chào đón bước chân của con đầu năm học 2021-2022. 

“Hồi nhỏ, nhiều người cứ gọi con là “Thánh Gióng” vì 3 tuổi rồi mà chẳng nói chẳng rằng. Nếu không phải là mẹ thì không biết bây giờ con ra sao, con có biết nói chưa nữa” - cậu sinh viên năm hai ngập ngừng, giả định thay cho lời cảm ơn mẹ đã dành cả đời cho con. “Nhờ các chuyên gia, các thầy cô, bạn bè và đại gia đình nữa” - chị T.T. nhấn mạnh với người viết bài rồi quay sang nhìn con trai, nở nụ cười an nhiên, trìu mến.

Dạn dĩ, cởi mở bắt chuyện với cô nhà báo, con cho biết hồi con thi đại học xong thì mẹ nhận lệnh vào khu cách ly và 3 tháng ròng, 2 anh em phải tự nấu ăn. Chuyên môn của anh Hai là… “nghĩ ra món”, còn con xào nấu. Nhờ vậy mà giờ đây con đã biết chế biến vài món cho cả nhà cùng ăn, đã biết nhìn màu của mỡ để phân biệt thịt heo thịt bò và nấu cơm đổ vừa nước để không khô, không nhão. 

Tô Diệu Hiền

Hạnh phúc khi con dám ước mơ

Lúc con luyện thi là giai đoạn căng thẳng nhất của tôi. Con vào ngồi trong phòng thi, còn tôi thì ngồi trên… “đống lửa”. Tôi không nhất thiết con phải vào đại học, nhưng tôi hạnh phúc khi con dám mơ ước và ước mơ ấy được hiện thực hóa. Mẹ con tôi may mắn rất nhiều. Hồi xưa tôi hay rầu rĩ, khóc nhiều vì lo nghĩ cho tương lai của con. Giờ đây, tôi nhận được nhiều niềm vui như: con biết hỏi thăm khi thấy tôi bị đứt tay; ngày lễ, sinh nhật con biết nhắn tin chúc mừng, con biết tự lái xe máy đến trường… Con còn chủ động thăm thầy cô cũ, hẹn hò cà phê với bạn bè. 

Đối với trẻ tự kỷ, chúng ta phải nhìn nhận đó là một đứa trẻ bình thường và hoàn toàn có thể thay đổi, tiến bộ được. Việc giáo dục giúp trẻ hòa nhập không phải là việc đơn giản. Đó là cả một quá trình tác động lâu dài, không hồi kết, đòi hỏi tình yêu thương, nhẫn nại và bền bỉ. Chính vì vậy cần phải có sự thấu hiểu, tác động kiên trì, tâm huyết từ gia đình, nhà trường, thầy cô, bạn bè và của toàn xã hội để giúp trẻ tự kỷ có thể hòa nhập được với cộng đồng và vì một mục tiêu cao đẹp “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Bác sĩ Nguyễn Thị T.T. 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI