Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4: Cả nhà “cháy hết mình” trong ngày hội Đồng hành cùng con

02/04/2023 - 16:27

PNO - Áng mây, cây cối, chú gà, chú mèo… trong tranh toát ra vẻ ấm áp, thân thương của tổ ấm gia đình - điểm tựa suốt đời của trẻ tự kỷ.

Khi người viết bài hỏi về bức tranh cả nhà vừa vẽ, Nguyễn Trần T.K. (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) nói: “Con phụ tô màu cùng cha mẹ. Tranh có mẹ, có cha, có con, có gà, có hoa, có cây ăn quả…”.

Chỉ tay về phía sân khấu của ngày hội Đồng hành cùng con (Trung tâm Giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức, TP Biên Hòa, Đồng Nai cùng các nhà tài trợ tổ chức), bé còn “bật mí” với cô nhà báo rằng bé rất thích phần thưởng là chiếc xe đạp trên ấy.

Bỗng từ sân khấu, tiếng người dẫn chương trình đọc vang tên Nguyễn Trần T.K. - 1 trong 3 gia đình có bức tranh ấn tượng được trao phần thưởng đặc biệt (chiếc xe đạp). T.K. cùng cha mẹ chạy ào lên sân khấu và T.K. đạp xe xuống khán đài trong tiếng vỗ tay rào rào của trên 40 gia đình tham dự chương trình.

T.K. rinh về chiếc xe đạp yêu thích
T.K. rinh về chiếc xe đạp yêu thích

Cha mẹ T.K. không giấu được vẻ vui sướng, hồ hởi. Mẹ bé cho biết, vì mắc hội chứng tự kỷ, trước đây T.K. không bao giờ giao tiếp với người lạ, hiện bé đã có chuyển biết tốt hơn. Dù ít khi chủ động bắt chuyện nhưng T.K. đã sẵn sàng trả lời câu hỏi của người khác.

Ở tuổi lên 9, T.K. đã trải qua 3 năm học lớp 1. Hiện bé đọc được nhưng chưa viết được (chỉ viết dạng sao chép chữ). Để can thiệp cho con tại Trung tâm Hoàng Đức, mỗi tuần 3 buổi, cha hoặc mẹ chở T.K. vượt 160km 2 lượt đi về. Vừa được học vui vừa được kết hợp đi chơi, đi siêu thị… nên bé rất thích.

Cha mẹ T.K. cũng tận dụng những cơ hội tham gia sinh hoạt, giao lưu giữa các gia đình để các con vui chơi, làm quen, kết bạn với nhau và phát triển kỹ năng.

Cả nhà tranh tài vẽ tranh chủ đề gia đình
Cả nhà say sưa vẽ tranh chủ đề gia đình

Những bức tranh được cả nhà vẽ vội vàng trong ngày hội, tuy có bức chưa được tô màu xong, có bức còn chưa chuẩn bố cục, nhưng đều khiến người xem tranh xúc động.

Những nét vẽ đơn sơ, mộc mạc, những vầng mây trôi, những mái ngói, những cây cối, những chú gà, chú mèo… toát ra vẻ ấm áp, thân thương của tổ ấm gia đình – điểm tựa suốt đời của trẻ tự kỷ.

Cha mẹ và con thuyết minh ngắn gọn về bức tranh của mình như cả nhà đá bóng hay dạo chơi cuối tuần ngầm gửi đến nhau thông điệp “Gia đình hãy sát cánh cùng nhau nâng dậy con, chơi học cùng con và đồng hành xuyên suốt để con phát triển”.

Không gian sống hồn nhiên, thơ mộng qua nét vẽ của trẻ tự kỷ
Không gian sống thơ mộng qua nét vẽ hồn nhiên của trẻ tự kỷ
Vũ đoàn nhí và tiết mục múa đặc sắc
Vũ đoàn nhí và tiết mục múa đặc sắc

Tại ngày hội này, các gia đình còn bị hấp dẫn bởi những chiếc bong bóng xinh xắn được các chú hề tạo hình, trao tặng; bởi những tiết mục sôi động, rực rỡ của vũ đoàn nhí. Hồi hộp, gây cấn nhất là cuộc đua thú nhún của cả nhà.

Phần thi cả nhà đua thú nhún được cổ động nhiệt liệt
Phần thi cả nhà đua thú nhún được cổ động nhiệt liệt

Chị Kiều H.L. (công tác ngành y tại Biên Hòa) chia sẻ: “Những ngày hội như thế này tạo cơ hội cho các bé chơi mà phụ huynh cũng xích gần nhau hơn, thấu hiểu nhau hơn. Gia đình trẻ tự kỷ thường rất tự ti. Cha mẹ có con tự kỷ cũng chịu sức ép rất lớn vì người thân, bạn bè thường trách cha mẹ không chăm lo đầy đủ khiến con trở nên như vậy.  Có được động lực từ các thầy cô, từ phụ huynh khác, người trong cuộc sẽ không mãi ray rứt, dằn vặt mình một cách vô lý và vô ích. Thay vào đó là tìm giải pháp tốt nhất để con phát triển, hòa nhập. Phụ huynh sẽ gắn kết với chuyên gia hơn và trao đổi kinh nghiệm cho nhau để đồng hành tích cực với con”.

Chị H.L. vui mừng khi thấy con trai không cứ thui thủi chơi một mình mà đi tới lui ngắm nghía hộp quà và biết xin bong bóng
Chị H.L. vui mừng khi thấy con trai không còn thui thủi chơi một mình mà đi tới lui ngắm nghía hộp quà và biết xin bong bóng

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức nhấn mạnh, các hoạt động ngoại khóa này là cơ hội để các bé được vui chơi, giao lưu, hòa nhập với các bạn; đồng thời, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội đối với trẻ tự kỷ.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, hiện nay, chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) đang tăng nhanh, theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ năm 2014, cứ 68 trẻ em sẽ có 1 trẻ bị rối loạn tự kỷ, cao hơn ước tính năm 2008 khoảng 30%. 

Tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Nếu tính theo cách tính của WHO, con số này chừng 500.000 và thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán, điều trị ngày càng tăng.

Theo thông tin từ Liên hiệp quốc, tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh, gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Để nhấn mạnh tầm nghiêm trọng và sự phức tạp của chứng tự kỷ tới cộng đồng, năm 2007, Liên hiệp quốc đã chọn ngày 2/4 là "Ngày thế giới nhận biết về chứng tự kỷ".

Tô Diệu Hiền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI