“Ngày thành phố khỏe lại, mẹ sẽ về với con!”

15/09/2021 - 18:00

PNO - Cuộc chiến cùng dịch bệnh kéo dài, các chị đành tự an ủi mình và an ủi con: “Rồi thành phố sẽ sớm khỏe lại. Ngày ấy mẹ sẽ về với con”.

Khi COVID-19 bủa vây thành phố, các chị đã quyết định gửi con nhỏ cho cha mẹ già để tập trung sức lực cho cuộc chiến chống dịch. Nào ngờ cuộc chiến kéo dài, các chị đành tự an ủi mình và an ủi con: “Rồi thành phố sẽ sớm khỏe lại. Ngày ấy mẹ sẽ về với con”.

Mẹ nhớ con nhưng không về được!

Trong khi anh trai Khôi Nguyên, mười tuổi, chú tâm vào màn hình học online thì bé Trung Kiên, năm tuổi, ngồi chơi với chiếc ô tô nhựa. Thỉnh thoảng cháu ngước mặt lên nhìn bà ngoại mếu máo: “Con nhớ mẹ lắm...”. Hai cháu Khôi Nguyên và Trung Kiên được ba mẹ gửi về sống với ông bà ngoại ở P.Linh Trung, TP.Thủ Đức đã mấy tháng nay. Mẹ hai cháu, chị Trần Thị Thúy Nga - Chủ tịch Hội LHPN P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức - phải ở lại trụ sở ủy ban phường để tập trung cho công tác an sinh xã hội và hậu phương của cuộc chiến. Chồng chị cũng phải trực chiến chống dịch ở P.Linh Tây gần đó. 
Sau nhiều lần hẹn hò, 22 giờ ngày 9/9 tôi mới trò chuyện được với chị Nga. Suốt mấy tháng nay, ngày nào người cán bộ phụ nữ ấy cũng bắt đầu công việc từ sáng sớm cho đến tối đêm với những việc như đi chợ giúp dân, tiếp nhận hàng hóa, phân loại và đem tặng bà con nghèo, điều phối các bếp ăn nghĩa tình của Hội, theo dõi tình hình sức khỏe của các F0 điều trị tại nhà, đi phát túi an sinh... Thông thường, phải sau 22 giờ chị mới ngả lưng. Một số chị em khác cùng ở lại ủy ban với chị. Mỗi người ngủ một góc hội trường.

Chị Trần Thị Thúy Nga (trái) cùng đại diện đoàn thể địa phương chuẩn bị quà đi thăm người nghèo
Chị Trần Thị Thúy Nga (trái) cùng đại diện đoàn thể địa phương chuẩn bị quà đi thăm người nghèo

Hồi tháng Bảy, vì quá nhớ con, chị Thúy Nga qua trạm y tế phường làm xét nghiệm để về thăm con. Nào ngờ chị bị nhiễm COVID-19. “Lúc đó, mình chưa có triệu chứng gì. Vào cơ sở điều trị mấy ngày sau mình mới bắt đầu đau họng, nhức đầu, sốt. Thật lòng là lo lắng lắm luôn, các con mình còn nhỏ quá!” - chị Nga nhớ lại. 

Sau mấy ngày hoang mang không thể chợp mắt, chị sốc lại tinh thần, tập trung tập thể dục, xông mũi họng và uống thuốc hạ sốt. Sau khi sức khỏe đã ổn, chị nhận trách nhiệm nắm bắt bệnh tình và tinh thần của bệnh nhân trong khu điều trị và các F0 đang điều trị tại nhà. Một nhóm Zalo được lập ra do chị quản lý để các bệnh nhân chia sẻ với nhau những lo âu, kinh nghiệm dùng thuốc, tập thở, tập thể dục... để chống lại bệnh. Ai diễn biến nặng thì chị Nga sẽ báo với y tế phường cho đi bệnh viện. Chị cho biết, có bốn trường hợp bệnh chuyển nặng, phải chuyển vào bệnh viện, nhưng may mắn tất cả đều đã vượt qua. 

Khỏi bệnh và kết thúc thời gian theo dõi sức khỏe vào ngày 14/8, chị Nga lại lao vào việc. Chị cho hay, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phường đang lên kế hoạch mang bánh Trung thu đến với các em nhỏ. Hội cũng đã vận động được 20 suất học bổng (1,5 triệu đồng/suất) và 1.000 cuốn vở, tới ngày 15/9 sẽ trao cho các em học sinh.

Không thể ôm con dù đang ở rất gần

Ngày 9/9 vừa qua là ngày thứ 18 vợ chồng chị Võ Thị Ngọc cùng nhau vượt qua bệnh COVID-19. Chị Ngọc hiện là Phó Chủ tịch Hội LHPN P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân. Đầu tháng Tư, chị bị tai nạn giao thông bể xương mắt cá chân. Dù đang nghỉ dưỡng thương, nhưng thấy các chị em khác bận bịu với quá nhiều việc nên chị Ngọc lại lao vào công việc với cái chân cà nhắc. Để an toàn cho cha mẹ già và con nhỏ cũng như thuận tiện công việc, chị Ngọc đã gửi con nhỏ bốn tuổi cho cha mẹ mình chăm lo, còn vợ chồng chị chuyển ra ở riêng tại một phòng trọ của gia đình. Mỗi tối đi làm về, mẹ chị lại bồng cháu ra ban công để mẹ con nhìn thấy nhau, bi bô trò chuyện.

Chị Võ Thị Ngọc (phải) cùng chị em cán bộ, hội viên   nấu các suất ăn tặng tiếp dưỡng cho các chốt trực  và người dân sống trong khu vực bị phong tỏa
Chị Võ Thị Ngọc (phải) cùng chị em cán bộ, hội viên nấu các suất ăn tặng tiếp dưỡng cho các chốt trực và người dân sống trong khu vực bị phong tỏa

Ngày 23/8, vợ chồng chị Ngọc được phát hiện đều dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Không thể nhập viện, vợ chồng chị Ngọc được bác sĩ hướng dẫn tự điều trị tại nhà. Ngoài vợ chồng họ, khu trọ còn tám trường hợp khác cũng nhiễm bệnh. Chị Ngọc lập nhóm Zalo để chỉ nhau tư thế ngồi, tập thở, xông thuốc Đông y, tập thể dục và chia sẻ cho nhau những gói thuốc xông.  

Khu trọ có mười phòng được cho thuê với giá 2 triệu đồng/phòng/tháng, là nguồn sống và thuốc men của cha mẹ chị Ngọc. Dù chẳng dư dả, nhưng chị vẫn bàn với cha mẹ giảm tiền thuê 500.000 đồng rồi 1.000.000 đồng/phòng/tháng cho những lao động ở thuê, đồng thời mua gạo, mua rau củ quả chia cho mọi người. Ngày 8/9 vừa qua, y tế kiểm tra và thông báo tất cả mười bệnh nhân tại khu trọ đều đã âm tính. 

Dù nhớ con quay quắt, nhưng chị Ngọc cho biết, ngay sau khi hết thời gian theo dõi sức khỏe, chị sẽ quay lại với công việc. Chị nói: “Bây giờ, mình chỉ mong tới lúc được ra ngoài để có thể ra lan can nhìn sang bên kia, thấy con vui cười. Lúc đó, mình sẽ nói với con: “Ngày thành phố khỏe lại, mẹ sẽ về với con!”. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI