Nếu phân loại, tôi thuộc về nhóm người không yêu tết. Hay nói cách khác, tôi đã hết yêu tết từ những bi kịch gia đình, từ những chuyện xui xẻo xảy ra vào dịp tết. Nhưng bỗng nhiên 55 tuổi, ngồi nhớ lại đâu là những cái tết vui, tôi lại thấy bồi hồi, nhớ rằng hình như mình cũng trải qua vài cái tết đáng nhớ.
Nếu ký ức xa nhất của tôi còn đúng, thì năm lên bốn tuổi tôi được mẹ may cho chiếc… áo dài gấm để diện tết. Áo dài bằng màu xanh biển có in chữ thọ màu vàng. Cậu em con chú tôi được một chiếc hệt vậy, màu đỏ. Diện áo dài xúng xính nhưng chúng tôi mặc quần tây ống loe và đi giày da. Lục album ảnh gia đình, tôi vẫn thấy hình ảnh hai anh em trong “quốc phục” cười khoe răng sún.
Tôi sống bên ngoại. Nhà đơn chiếc, chỉ có bà ngoại và mẹ, nên tôi mong tết lắm, để được về nội chơi. Gia đình nội đông con cháu, tất cả sàn sàn tuổi tôi và bà nội nấu ăn rất khéo, năm nào tết đến cũng đủ “cây nêu - tràng pháo - bánh chưng xanh” và nồi chè kho ngon không thể quên. Trước tết cả tháng tôi đã nôn nao, rồi khi hết tết, phải quay về với nếp sống cô độc, tôi lại mong từng ngày đến tết sau.
Lớn thêm đi học, tôi biết mẹ lo kinh tế chính của gia đình. Ngoài giờ dạy ở trường, mẹ tôi nhận may thêm áo dài, dịp tết là dịp “làm ăn” của mẹ. Tôi nhớ những ngày giáp tết, khi ngoài phố vang tiếng pháo, trong nhà nhộn nhịp trẻ con chơi đùa, mẹ tôi cắm cúi ngồi may.
|
Ảnh: Khắc Hiếu |
Hình như mẹ không ngủ, ăn thì qua loa cho xong bữa. Ngủ dậy tôi đã nghe âm thanh rầm rập đều đều của chiếc máy khâu, và tôi đi ngủ cũng trong tiếng máy đó. Tối giao thừa mẹ vẫn may áo để kịp giao cho khách. Đó là thời điểm mẹ tôi mệt nhất, thành thử ngày mùng Một ở nhà tôi không hề có sự kiện gì, cửa đóng then cài. Mẹ mệt quá rồi, chỉ còn đủ sức làm mâm cơm cúng, rồi ngủ. Ngày tết nhà tôi đề bảng: “Chúng tôi đi vắng”, ăn uống cũng thất thường. Những đứa trẻ như tôi muốn đi chơi cứ việc đi, nhưng phải làm đủ bổn phận như cúng kiếng, chúc tết người thân.
Sài Gòn ngày tết tấp nập lắm, càng lùi về những cái tết xưa càng tấp nập, đông vui. Người đi chơi như đi hội và pháo ran trời. Đó là lúc đám trẻ con như tôi lấy xe đạp chạy loăng quăng, nhận phong bao lì xì và ăn những món ngon. Nhưng đó là tết khi tôi còn trẻ con.
Tuổi thanh niên, tôi dành ra ba ngày tết để viết nhạc. Còn nhớ một mùa tết năm 20 tuổi, tôi đi chơi hội hoa xuân Tao Đàn với gia đình cậu mợ, về đến nhà lúc gần giao thừa, tôi thức trắng viết nhạc, vì nhiều cảm xúc quá, không viết không được.
Thường thì ngày tết người ta ăn uống đầy đủ, nên mập mạp ra; tôi ngược lại, xơ xác vì thiếu ngủ và ăn món tết không quen. Nhiều bài hát của tôi ra đời vào dịp tết, vì những mùa tết thanh niên của tôi đầy ý tưởng âm nhạc. Người ta đi chơi, tôi tự “trói” mình viết nhạc. Như thể những ồn ào xung quanh càng làm tôi tập trung hơn, như một kiểu “thiền giữa chợ”. Điều đó không dễ, nhưng một khi đã khước từ được mọi thanh âm và diễn biến xung quanh, có lẽ sự tập trung tinh lực của một người sẽ ở mức cao nhất.
Nhiều người có thể thắc mắc, vậy những bài hát viết dịp tết có khác gì với những mùa khác. Tôi cho rằng, cả năm chỉ có tết là dịp được nghỉ dài nhất, thời gian dành cho sáng tác không bị ngắt quãng, nên tôi thường viết tốt hơn. Như ca khúc Em về tinh khôi hay Tình trầm của mùa tết năm 1992, dường như tươi mới và dễ nghe hơn những bài khác trong năm chăng? Như mang cả sự tinh khôi của đất trời vào thời điểm khai niên. Tôi không biết nữa…
Gia đình tôi tan vỡ hồi năm 2004 cùng một đơn ly hôn phiền phức. Tết đó, tôi ở nhà một mình, xem phim giải khuây và viết nhiều nhạc để giết thời gian. Mùa tết năm 2004 đó tôi viết được… 30 bài hát. 30 bài trong vòng sáu ngày. Những bài quen thuộc với khán giả, chẳng hạn Nơi bắt đầu mùa xuân, Em của tôi, Một ngày, Cứ hiền xinh như thế… đã sinh ra như vậy, vào một mùa tết vắng tiếng pháo, tiếng cười và thiếu hoa. Tết một mình. Tết cô đơn tận cùng.
Những mùa tết sau này, tôi có thói quen ngồi các quán dọc phố Ngô Đức Kế (Q.1, TP.HCM) như Ciao Cafe, Bố Già, Jaspas, Hoàng Yến. Điều vui thích của tôi là được ngồi ở một không gian yên tĩnh, nhưng ngay ngoài cửa, chỉ mấy bước chân thôi là tới đường hoa ồn ào náo nhiệt. Tôi được tĩnh mà ngắm nhìn, quan sát “động”. Nhưng thói quen nào rồi cũng đến lúc phải thay đổi, vì các quán quen đã đóng cửa, vì những người bạn quen mặt quen tên đã đi xa, hoặc vì… COVID-19. Hai mùa tết năm 2020, 2021 là “tết Corona”, đâu còn tụ họp bè bạn, cũng chẳng an tâm mà hưởng tết. Hai cái tết lặng lẽ và buồn rười rượi.
Tôi có lệ khai bút đầu xuân. Thường thì sẽ viết chút gì đó, một đoạn thơ hay nhạc, vào thời điểm giao thừa. Hai mùa tết vừa rồi tôi không viết nhạc mà làm thơ. Thơ như thế này:
Hương trong gió, những mùi hương thê thiết
Bóng đà in trên nền xám con đường
Buồn chứ nhỉ, một nỗi buồn da diết
Em ở đâu, mà phố cũ mù sương.
Nhưng thật sự, trong những cái tết buồn đó, tôi lại dành được nhiều thì giờ hơn cho mẹ. Mẹ tôi ngoài 80 tuổi, bao nhiêu năm nhọc nhằn giờ mẹ mới được nghỉ ngơi. Tết có tôi ở nhà, lo liệu chuyện cúng tổ tiên, tiếp khách cho mẹ, đỡ đần ngay cả việc dọn dẹp nhà cửa cũng tốt. Bởi vì nhiều năm lắm rồi, tôi chỉ chúi đầu vào trang viết mà không ngó ngàng gì việc nhà. Mỗi một cái tết khác, dù buồn hay vui, chủ động hay bị động nhận lấy, tôi nhận ra đều có những khoảnh khắc và chi tiết quý giá của nó.
Có cái tết tôi nằm bệnh (năm 2019) và ghét tết dễ sợ. Chẳng là, tôi đã quen nhịp sinh hoạt hằng ngày, bỗng mọi sự thay đổi, bị đứt lìa khỏi công việc, bị cô lập trong nhà, không được ăn những món thường nhật, lại thêm chuyện có bệnh. Tôi bị u tuyến yên, thị lực giảm, may mà mọi thứ rồi cũng ổn. Nhưng vào những ngày đó, hễ khỏe lên một chút tôi lại ngồi vào bàn viết. Tôi tâm niệm ngày nào cũng phải viết, như hít thở ăn uống. Đau bệnh tôi cũng không nghỉ, vì nếu không giữ được nhịp độ công việc, ta dễ trở nên lười biếng, cảm hứng cũng nhạt phai.
Tôi thích không khí mùa xuân, thích nhất những ngày giáp tết. Đó là quãng thời gian đẹp nhất trong năm, mùa mà mọi thứ hồi phục, sinh sôi. Mùa tết năm nay tôi soạn tiếp vở thanh xướng kịch Chử Đồng Tử và viết dự án thu âm mới. Tôi không nghĩ mình yêu tết, nhưng đã sống chung với nó nhiều năm rồi, thôi thì… cứ tết đi. Xong một mùa tết, lại có thêm tác phẩm. Vậy cũng xứng đáng.
Và cạn khô trên bàn bình hoa cũ chờ em trở lại
Những ngày buồn nối nhau đi
Tôi đã sống chưa hết mình đâu nhỉ
Và những tình yêu như khói bay.
Đó là thơ của tết năm nay. Chúc mọi người một mùa xuân bình an, giản dị.
Nhạc sĩ Quốc Bảo