Ngày Tết, sao con không được về?

23/01/2014 - 17:46

PNO - PN - Ngày 20/1/2014, tôi đọc được lời tâm sự của một học sinh (HS) lớp 8.

edf40wrjww2tblPage:Content

“24 tháng chạp năm ngoái, bạn bè lần lượt được ba mẹ lên đón về quê ăn Tết. Đứa bạn giường bên cạnh nghe thầy giám thị thông báo có người nhà đến đón là hí hửng chào thầy cô, bạn bè, quẩy ba lô chạy vèo ra cổng. Con cứ nhìn về cửa, im thin thít, dỏng tai cố nghe thật kỹ, sợ lỡ mất tên mình. Mỗi lần thấy thầy vào là tim con đập thình thịch rồi lại thất vọng. Ngày cuối năm ở khu nội trú, con chỉ biết chờ đợi, thậm chí không dám đi ăn quá lâu…”, L.T.Th., HS lớp 8 Trường THCS-THPT Hồng Hà từng bị “bỏ quên”, phải ăn Tết ở trường nội trú trải lòng.

Ngay Tet, sao con khong duoc ve?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngày Tết Giáp Ngọ gần kề, em M.T. (HS lớp 6 Trường Hồng Hà) vừa nghe tin phải ở lại trường mấy ngày Tết, đã thẫn thờ suốt cả tuần. T. năn nỉ thầy cô, hiệu trưởng xin được để ông ngoại đón về. “Ăn Tết ở nhà ông ngoại cũng được, con không cần phải về nhà mới của ba hay mẹ”, T. khóc.

Một HS Trường THPT Đức Trí (quê Hà Giang) chỉ mới “nếm” mùi vị đón Tết dương lịch 2014 ở trường ngao ngán kể: Tết dương lịch cộng với thi xong học kỳ I, trường cho nghỉ nhiều ngày, nhưng vì nhà ở tận ngoài Bắc, cha mẹ lại không có tiền nên em phải ở lại trường, không về quê như các bạn. Những ngày này rất đáng sợ, dù thầy cô luôn cố gắng tạo không khí, bày hoạt động cho tụi em vui, quên chuyện nhớ nhà. Nhưng, hết lúc vui thì cũng phải trở về thui thủi ở trường nội trú. Cảm giác nhớ nhà, nhớ cha mẹ cứ ăm ắp trong đầu. Một ngày rất dài, khu nội trú vắng vẻ, chỉ vài đứa hết đi ra đi vào, xem ti vi, đọc báo, đọc truyện, nói chuyện với thầy cô, ăn và ngủ, mãi vẫn chưa hết ngày…

Ngày 22/1/2014, gặp bà Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà, tôi được nghe bà kể: "Năm nào, trường tôi cũng có hơn chục em không về nhà ăn Tết. Phần lớn những em này đều có hoàn cảnh đáng thương, nhà quá nghèo và xa, ba mẹ lại làm việc luôn ngày giáp Tết nên không thể đón con về kịp giao thừa. Hoặc có em cha mẹ ly hôn, phải sống cùng ông bà, cô chú… nên khi người giám hộ không muốn đón về, các em phải ở lại trường. Người lớn ăn Tết xa quê còn chạnh lòng huống gì con nít. Hiểu được điều đó, chúng tôi tổ chức cho các em nấu bánh tét, mừng tuổi ông bà (là cha mẹ của hiệu trưởng) để nhận lì xì rồi dẫn các em về ăn Tết cùng gia đình... Nhưng, bù đắp cỡ nào thì cũng không bằng ăn Tết dưới mái nhà có người thân của các em".

Sinh viên không về quê dịp Tết còn có thể làm thêm, tìm cách tiêu khiển, đi chơi với bạn bè hoặc đến nhà bè bạn... Nhưng với HS phổ thông, nếu không về quê ngày Tết, các em phải ở lại trong khu nội trú của trường. Muốn đi đâu, làm gì phải được sự cho phép của quản nhiệm hoặc giáo viên nên chỉ quanh quẩn trong khu nội trú, xem ti vi, đọc sách, học bài… cho qua những ngày dài.

Những ngày cuối năm, hoàn tất những công việc cuối cùng để chuẩn bị về nhà đón Tết, tôi lật lại sổ tay, chợt bắt gặp những câu chuyện học trò, đắng lòng khi nhớ dòng lưu bút nhòe chữ của một nữ sinh đón giao thừa năm Quý Tỵ trong trường nội trú và điều ước của em: “Nếu có điều ước cho năm mới, con chỉ ước được đón về nhà”.

 Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI