|
Trẻ xem điện thoại quá nhiều dễ bị rối loạn giấc ngủ, ít giao tiếp xã hội... |
Có điện thoại, máy tính bảng, con mới chịu ngồi yên
Càng gần đến tết, công việc của chị Nguyễn Thị Hoa (34 tuổi, ở quận 5, TPHCM) càng nhiều. Để tập trung làm việc, chị thường phải đưa điện thoại cho con trai 5 tuổi xem. Mặc dù khoảng 30 phút, chị yêu cầu con ngừng chơi 10 phút rồi mới cho bé tiếp tục xem, nhưng buông điện thoại, bé quay sang bật tivi mới chịu ngồi yên cho mẹ làm việc.
Theo chị Hoa, mỗi lần nhìn thấy con chăm chú xem điện thoại, chị rất áy náy với con. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chị không còn cách nào khác.
“Trước đây tôi có nhờ bà ngoại của bé lên trông cháu, nhưng bà lớn tuổi lại nhiều bệnh, khó để theo kịp bé. Còn thuê người giúp việc thì chị ấy luôn than phiền con tôi hiếu động, nếu không cho xem điện thoại bé không ngồi yên hay ăn uống được. Tôi cũng nhiều lần tập cai điện thoại cho con nhưng không thành. Đành để qua tết, tôi đỡ bận sẽ chơi với con nhiều hơn, lúc đó bé đi học trở lại thì cũng ít xem điện thoại” - chị Hoa nói.
Những ngày qua, con trai 7 tuổi của chị Trần Thu Thanh (29 tuổi, ở Tây Ninh) đã thi xong học kỳ, chuẩn bị được nghỉ tết nên chị không kiểm soát việc xem tivi, điện thoại của con.
Ban đầu, chị Thanh nghĩ con đã học hành căng thẳng suốt nhiều tháng, nên cho con xem tivi để thư giãn. Gần đây, chồng chị Thanh nói nửa đùa nửa thật: “Con yêu tivi hơn cả bố mẹ” làm chị giật mình. Nghĩ lại, chị thấy hầu như cả ngày con đều xem tivi, kể cả giờ cơm cũng mang tô cơm vừa xem phim hoạt hình vừa ăn.
Chị Thanh nói: “Càng gần đến nghỉ tết, việc ở công ty quá nhiều, về nhà còn phải dọn dẹp nhà cửa, tôi thường nấu những món đơn giản tiết kiệm thời gian để kịp làm việc. Con trai tôi rất ngoan và nghe lời nên nhiều lúc tôi không để ý. Nghe con đến xin mẹ xem tivi, tôi cũng đồng ý cho xong”.
Theo chị, đã có vài lần con than mỏi, đau mắt, chị cũng mua thuốc về nhỏ cho con sau đó bé khỏi nên cũng không nghĩ nhiều. “May chồng tôi nhắc nhở, từ nay tôi phải giới hạn thời gian xem tivi của con” - chị Thanh chia sẻ.
Nguy hại khi trẻ xem thiết bị điện tử quá nhiều
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Danh - Trưởng đơn vị Mắt Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - cho biết, ngày nay trẻ em tiếp cận điện thoại ngày càng nhiều và thói quen kiểm soát con bằng điện thoại của cha mẹ cũng khá phổ biến.
Rất dễ nhận thấy trẻ vẫn cầm điện thoại khi đi cùng người lớn nhất là ở các quán cà phê, khu thương mại, thậm chí ở quán ăn, hay nơi vui chơi dành cho trẻ em. Phó mặc con cho thiết bị điện tử sẽ rất nguy hại, xem thiết bị điện tử quá nhiều làm trẻ có xu hướng mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần, giao tiếp xã hội, rối loạn giấc ngủ, và mất khả năng tập trung.
Đặc biệt khi xem điện thoại, máy tính bảng quá lâu, tác hại của ánh sáng xanh phát ra từ thiết bị này rất ảnh hưởng đến đôi mắt của trẻ, gây ra các bệnh như cận thị, thoái hóa võng mạc, lác mắt...
Lý giải về việc này, bác sĩ Danh cho rằng các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh, có bước sóng nằm sát với tia tử ngoại gây nguy cơ giảm và mất thị lực. Vì vậy, cha mẹ “giao” con mình cho điện thoại, máy tính bảng “trông giúp” sẽ rất nguy hại cho mắt của trẻ.
|
Bác sĩ Danh đang khám mắt cho trẻ |
“Nói như thế không có nghĩa chúng ta cấm tuyệt đối con sử dụng điện thoại, máy tính bảng. Thay vào đó, cha mẹ hãy bật chế độ bảo vệ mắt và giúp trẻ chỉnh chế độ ánh sáng thiết bị điện tử phù hợp. Nhắc nhở con cho mắt nghỉ ngơi sau 30 phút xem điện thoại liên tục, không cho con chơi quá 2 giờ mỗi ngày” - bác sĩ Danh cho biết.
Khi xem tivi, điện thoại, trẻ sẽ rất chăm chú thì số lần chớp mắt giảm chỉ còn 7-8 lần/phút, thay vì 16 lần/phút làm cho mắt trẻ bị khô rát, mỏi. Để khắc phục tình trạng trên, Viện Hàn lâm nhãn khoa Hoa Kỳ khuyến cáo phụ huynh nên áp dụng nguyên tắc 20 - 20 - 20, tức là cứ mỗi 20 phút nhìn màn hình, cần cho mắt nghỉ ngơi 20 giây bằng cách nhìn xa 20 feet (khoảng 6m) để giúp trẻ thư giãn mắt.
Khi trẻ có bất cứ dấu hiệu bất thường như mỏi mắt, đỏ mắt, cảm giác cay mắt, khô rát, chảy nước mắt, chớp mắt, dụi mắt, đau nhức mắt, nheo mắt khi nhìn, nhìn mờ khi thay đổi khoảng cách giữa xa và gần, đau đầu, mỏi vai gáy... cha mẹ cần đưa con tới cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để thăm khám và lựa chọn kính đúng theo bác sĩ chỉ định.
Bác sĩ Danh lưu ý, theo ghi nhận tại nước ta, ngày càng có nhiều người bị hội chứng TIC (một dạng rối loạn vận động hay một phát âm không chủ đích, xảy ra bất ngờ nhanh chóng nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, có các biểu hiện như nháy mắt liên tục, chun mũi, nhún vai, lắc đầu…), đặc biệt là bé trai ở độ tuổi đến trường. Bên cạnh những bất thường do di truyền hoặc các yếu tố khác, việc tiếp xúc với thiết bị điện tử sớm, liên tục cũng được cho là một trong những yếu tố thuận lợi gây ra hội chứng này. Vì vậy, nếu trẻ có các biểu hiện rối loạn TIC, cha mẹ cần quan sát, phát hiện sớm để kịp thời đưa con đến cơ sở y tế để điều trị.
Phạm An