|
(Ảnh minh họa: Hoàng Tuấn) |
Đó là cái tết của những năm một ngàn chín trăm hồi đó. Khi đó, tôi khoảng 8-9 tuổi, cùng ông anh lớn hơn mình 2 tuổi và thằng em nhỏ hơn 2 tuổi thường cùng cậu út (lớn hơn tôi 3 tuổi) vô trảng rừng bên khe Một.
Rừng chỉ là bãi cát mênh mông, trên đó có những cụm dây leo bao quanh những cây hoang thân bụi, phần nhiều là mai rừng 5 cánh. Thảng hoặc, có vài bụi nưa, 1 cây thị rừng nhiều trái nhưng ăn chát, trên cây thị có nhiều dây lan cẩm cù có lá hình trái tim.
Khoảng ngày 13 tháng Chạp, chúng tôi thường vác rựa vô cánh rừng thưa, chặt mai về trảy lá, cắm vô cái chum sành để chưng tết.
Khi về ngang khe Một, chúng tôi chắc chắn dừng lại vọc nước thỏa thuê. Chúng tôi đắp đất ngăn dòng nước cạn cho nước dâng lên, ngụp lặn đã đời, bụm 2 tay bắt cá bỏ qua cái ao nhỏ vừa moi, mới lếch thếch kéo nhau về.
Thời đó, tiếng súng trong nước kết thúc chưa lâu, bom đạn vẫn còn vương vãi đó đây; cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đang diễn ra.
Chúng tôi thường dùng ống liều (vỏ của viên đạn đã nổ) nhét lông gà vô, chơi đánh cầu. Chúng tôi thường lấy thuốc súng rải thành chữ rồi cho bắt lửa, lửa sẽ cháy phù theo nét chữ, khói bốc lên khét lẹt, chúng tôi hít hà no nê.
Hồi đó, nhà ai cũng nghèo. Cái xơ xác của nhà tranh vách lá cộng với cảnh cát trắng, cỏ khô và gió nắng hanh hao càng khiến làng quê thêm phần thảm não. Tết đến với vạt cúc vạn thọ tự trồng, nhánh mai tự chặt làm cho không gian tươi tắn lên một chút.
Và còn tiếng pháo nữa, pháo chuột thì nổ lẹt đẹt, pháo tống thì nổ bùm, nghe xa thì lủm bủm. Tiếng pháo cứ râm ran xa gần khiến lòng người rộn ràng không yên.
Sau khi chạy hết sân nhà này đến sân nhà kia lượm pháo rơi, đốt đủ kiểu (cầm trên tay đốt rồi quăng xa, cắm vô bãi phân trâu, ụ cát đốt cho tóe phân, văng cát), cậu út tôi bụm tai 3 anh em tôi, xì xầm: “Bây biết bữa đi chặt mai, tau thấy gì không?”. Chúng tôi trố mắt. Cậu trịnh trọng tuyên bố: “Trái bom. Tau thấy cái đầu hắn còn nguyên. Hắn mà bén mồi lửa, hắn nổ thì phải biết”.
Mấy anh em tôi đứa nào cũng nhút nhát, nhưng nghe cậu nói thì trỗi cơn tò mò, biết rồi mà vẫn hỏi: “Chừ răng (bây giờ tính sao)?”. Cậu nói: “Đút chơ răng (đốt chứ sao)”.
Thế là, chúng tôi lấm lét theo cậu đi ra đống rơm, đánh một con cúi, lén ra chỗ cái bếp nấu bánh tét còn sót đống than hồng, gắp cục than bỏ vô con cúi để giữ lửa. Chúng tôi băng xuyên khe Một, đi tới đám rừng thưa, hồi hộp bám theo chân ông cậu đầu têu.
Sau khi xác định vị trí quả bom chưa nổ, chúng tôi nín thở ôm cỏ khô nhẹ nhàng tấp lên nó, lại tấp cỏ khô thành một đường dẫn. Cậu tôi thổi rơm phèo phèo, phù phù một lúc thì lửa bốc lên. Châm lửa vô đầu đường cỏ khô, cậu hô: “Chạy bây”. Chúng tôi ba chân bốn cẳng chạy thục mạng về làng, chốc chốc quay lại phía đám cháy, chờ nghe tiếng nổ “đã gấp mấy lần pháo tống” như lời ông cậu ngỗ nghịch.
Chạy về khoảng cách an toàn, chúng tôi nín thở chờ nghe tiếng nổ. Nhưng chờ mãi, vẫn im ru.
Chúng tôi về nhà, thập thò banh vách lá coi khách khứa tới thăm, chíp trà, chuyện phiếm. Chúng tôi cũng rửa tay chân sạch sẽ, chờ coi người lớn có rủ đi đâu chúc tết hay không. Người lớn thật phức tạp, quanh năm cuốc đất, tự cấp tự túc mà sáng Mùng 1 vẫn bày đặt kiêng cữ, không dám đi xông đất nhà ai, sợ cả năm không phát tài, người ta lại trách mình nặng vía.
Khi khói bên trảng rừng chỉ còn lác đác, chúng tôi không còn hy vọng gì thì “bùm” một tiếng váng động, rung chuyển cả vùng. Người người nhốn nháo. Cha tôi nói: “Chà, cái pháo này nổ mới dữ dằn đó nghe”. Mẹ tôi thì dáo dác: “Đứa mô (nào) mà chơi ngụy tặc rứa hè (vậy nhỉ)?”.
Sau khi tra ra thủ phạm, mẹ tôi chửi lạc giọng, điếc tai, mắt mẹ đỏ lên giận giữ: “Tổ cha bây. Tau cho bây ăn hết cơm hết gạo, bây đi chơi ngu rứa à? Có ngày hắn nổ cho banh xác, bây biết không? Chơi gì mà hết thế (hết nước nói)”. Chúng tôi chỉ biết cúi đầu im thin thít, lòng vừa sợ, vừa thầm thích thú.
Đến bây giờ, sau hơn 40 năm, tôi vẫn không thể nào quên tiếng nổ chát chúa bên trảng rừng thưa. Tôi cũng không thể quên ánh mắt giận dữ của mẹ khi biết anh em tôi và đứa em út của mẹ làm trò dại dột đùa với tính mạng.
Tôi cũng không thể nào quên những ngày tháng bé thơ nơi làng quê nghèo khó, có tiếng pháo đì đùng mang lại sự rộn ràng hiếm hoi giữa thời cả nước còn chìm trong khó khăn khi chiến tranh chấm dứt chưa lâu.
Tôi cũng thèm lắm những niềm vui vô tư lự, những tò mò dại dột của một thời đã xa. Mà thời gian ôi, một đi không trở lại…
H.H. Trọng Nghĩa