Năm nào cận tết dì Hạnh cũng gọi từ Mỹ về, nhắc hờ mẹ tôi: “Tết chị nhớ nấu mấy món má thích nha. Mình tự làm và nấu má mới vui...”. Dì nói vậy cũng là để nhắc mấy đứa cháu trong nhà biết ý ngoại mà nấu về sau. Nhưng dì không kể thì đứa nào cũng nhớ rõ mấy món truyền thống mà ngoại hay nấu cho ăn, dù mấy món đó nhà ai cũng có nhưng không ai nấu ngon như ngoại.
Quên làm sao hũ kiệu củ nhỏ nhỏ nhưng trắng tươi của ngoại. Năm nào cũng vậy, cứ đến gần tết là ngoại mua mấy ký kiệu về làm. Ngoại không thích củ to nên chỉ chọn loại nhỏ. Ngâm nước tro, rửa, lặt, phơi rồi lại lặt sạch trước khi cho vào hũ keo để ngâm kiệu.
Biết con cháu vẫn còn đi học, đi làm, lại còn lo cho nhà riêng nên ngoại tự làm tất cả. Tôi nhớ có lần 29 tết tôi sang nhà ngoại, thấy trên đi-văng một đám khổ qua nhỏ lông lốc, ngổn ngang. Nghe tôi hỏi, ngoại nói mình mới moi ruột vài trái đã đau tay nên để đó, khi nào hết đau sẽ làm tiếp. Mà trời đã nhập nhoạng tối.
Dù chân tay đau nhức ngoại vẫn đi chợ sớm, mua thịt đùi heo để có thịt ngon. Tôi còn nhớ, khi tôi còn nhỏ, cả nước khó khăn nên nồi thịt của ngoại cũng bé. Về sau, kinh tế khá hơn và cũng do “dân số” trong nhà ngày càng tăng nên nồi thịt kho hột vịt của ngoại cũng “khủng” hơn.
Nghe ngoại nói mua 3 ký thịt để kho, ai cũng “sốc”, nghĩ chắc ăn phải đến “hết mùng”. Ngoại cười xòa, bảo: “Tụi nhỏ nhà này nó như bầy vịt Tàu vậy đó. Nó “lùa” qua một lượt là sạch hà”. Đúng là sạch thật! Đến mùng ba là nồi thịt kho hột vịt, canh khổ qua chỉ còn một ít nước.
Mấy dì, mấy mợ tôi đều lắc đầu, than: “Ở nhà cũng nấu mà nó không ăn. Để qua nhà nội (ngoại) ăn như bị đói lâu ngày vậy đó”. Nghe vậy mấy đứa em họ tôi còn “tố” thêm: “Thằng Trực nó ăn đến hai trứng luôn đó mợ”. “Còn thằng Thắng kêu nó ăn thì nó không ăn. Đến lúc con ăn thì nó giựt của con...”. Nghe mấy đứa cháu nhoi nhoi kể tội đứa nào đã góp phần làm sạch nồi sớm mà ngoại tôi cười tít mắt, thích thú.
Ngoài tự tay nấu đồ ăn cho đám “vịt Tàu” việc mà ngoại cũng chuẩn bị trước là "bỏ ruột" vào mấy phong bao đỏ. Cháu lớn sẽ được nhiều hơn cháu nhỏ. Đứa cháu nào đã đi làm là “hết suất”, vì không thuộc diện còn được tiền mừng tuổi may mắn, số tiền mà chúng tôi hay gọi đùa là trợ vốn "khởi nghiệp" mấy ngày Tết.
Đến một ngày cận Tết, ngoại trở thành ngọn gió lay khẽ những nụ mai sắp nở trong sự bất ngờ của cả nhà. Mấy dì, mấy mợ tôi cũng cố nén đau, chuẩn bị các món mà ngoại vẫn nấu. Nhưng nồi thịt kho, canh khổ qua năm đó chỉ hết khi có “chỉ đạo” ráo riết. Nó vẫn đúng chuẩn ngoại nấu nhưng thiếu ngoại, thiếu dư vị yêu thương và chờ mong đám cháu từng giờ của ngoại nên đến giờ chúng tôi vẫn quay quắt nhớ, thèm món thịt kho trứng và canh khổ qua hầm của ngoại năm nào.
|
Khi bà ngoại là cơn gió bên những cánh mai, ông ngoại vẫn thay bà lì xì cho đám cháu. |
Năm đó ông ngoại thay mặt bà ngoại tôi lì xì cho đám cháu. Thấy tôi được lì xì, mấy đứa em thắc mắc vì sao tôi được thiên vị, khi đã đi làm từ lâu. Ông ngoại cười mà như khóc, giải thích: “Bà ngoại bây nói ai chứ con út Ngọc nếu còn chưa có chồng là còn được lì xì. Ông chỉ làm theo ý của bà ngoại”.
Nhận tiền lì xì của ngoại mà lòng tôi rưng rưng. Tôi ước gì mình còn được thấy ngoại lui cui trong bếp mấy ngày Tết. Thấy ngoại cười vui khi mấy cậu chọc ngoại má làm thì bị đau lưng nhưng ngồi xòe tứ sắc đến tối cũng không sao.
Giờ “bầy vịt Tàu” ngày xưa của ngoại đã lớn, có đứa “bay” tận trời Tây. Nhưng cứ mỗi lần tết đến đứa nào cũng nhớ đến mấy món truyền thống “nhớ tới lại thèm” của ngoại.
Group chat bên ngoại tôi mấy ngày nay lại ting ting suốt vì kể những chuyện cũ năm nào còn ngoại. Chuyện biết ngoại thích hoa mai, năm sắp làm rể, dượng Thuận đem biếu nhà ngoại một cành mai lớn. Nhưng không biết sao cành mai đó không nở mà rụng từng ngày, cho đến cái nụ cuối cùng…
Út Ngọc