Đơn hàng dồi dào
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên - cho biết năm nay, số công nhân quay trở lại làm việc sau tết đạt 95%. Ngay trong tháng 2/2025, công ty phải bàn giao 9 container mật ong sang thị trường Mỹ theo hợp đồng đã ký trước tết. Ngoài xuất khẩu, các đại lý, siêu thị cũng tới tấp đặt hàng nên ngay sau kỳ nghỉ tết, công nhân có nguồn việc dồi dào để làm.
Từ Mùng 6 tháng Giêng, 90% trong tổng số hơn 1.000 công nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex bắt đầu làm việc trở lại sau kỳ nghỉ tết. Trong tháng 2/2025, Intimex cần bàn giao khoảng 20.000 tấn hàng nông sản cho các đối tác ở nhiều nước. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Intimex - cho biết, trước kỳ nghỉ tết, công ty đã có kế hoạch sản xuất chi tiết nhằm đảm bảo giao hàng cho các đối tác đúng tiến độ. Khi đó, trừ khối văn phòng, các bộ phận khác phải chia ca, chia kíp làm việc hết công suất.
![Ngay sau tết, doanh nghiệp hối hả hoàn thành đơn hàng Công nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên hối hả làm việc ngay sau kỳ nghỉ tết để hoàn thành các đơn hàng đúng tiến độ - ẢNH: MAI CA](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250209/images/wm_ngay-sau-tet-doanh-nghiep-hoi-_231739110827.jpg) |
Công nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên hối hả làm việc ngay sau kỳ nghỉ tết để hoàn thành các đơn hàng đúng tiến độ - Ảnh: Mai Ca |
Năm 2025, Intimex đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 1,9 tỉ USD (năm 2024 đạt 1,4 tỉ USD) và đạt tổng doanh thu 90.000 tỉ đồng. Theo ông, giá cà phê đang tiếp tục tăng, giá hồ tiêu cũng có thể đạt mức 200.000 đồng/kg, giá hạt điều cũng tăng trưởng tốt. Giá gạo trên thị trường châu Á đang đi xuống nhưng gạo Việt vẫn được thị trường ưa chuộng và giá chỉ giảm tạm thời. Do đó, ông tin rằng công ty sẽ đạt những kỷ lục mới về doanh thu, xuất khẩu.
Ông Trần Minh Tú - Giám đốc điều hành nhà máy sản xuất Kềm Nghĩa Sài Gòn - cho hay, hầu hết công nhân đã quay trở lại làm việc sau tết. Hiện tại, đơn hàng của nhà máy tương đối ổn định, có đủ nguồn việc cho công nhân làm. “Đơn hàng hiện nay nhiều hơn so với trước khi có dịch COVID-19” - ông nói.
Đơn hàng của Công ty TNHH Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cũng tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Trương Chí Thiện - Giám đốc công ty - lý giải, đơn hàng sau tết tăng mạnh là do sức mua cuối năm tăng mạnh làm cạn kiệt hàng hóa trên kệ.
Cạnh tranh gay gắt về giá
Theo ông Trần Minh Tú, trong năm 2025, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp là nguồn cung nguyên liệu. Ông lý giải, khi Mỹ áp thuế đối với hàng hóa sử dụng nguyên liệu Trung Quốc trên toàn cầu, các công ty gia công bằng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, các doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm nguyên liệu từ các nước khác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản để thay thế. Nếu không thay đổi nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp buộc phải mở rộng thị phần nội địa, châu Á hoặc bán sản phẩm cho Trung Quốc. Khi đó, sự cạnh tranh về giá cả sẽ rất khốc liệt.
Ông Phạm Quang Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dony - cho biết, khi thay đổi nguồn nguyên liệu, giá thành sản phẩm sẽ tăng lên. Thời gian qua, số đơn hàng của ngành may mặc nhiều trở lại nhưng giá trị mỗi đơn hàng cũng như lợi nhuận giảm so với trước. Đó là do chi phí sản xuất tăng lên, trong khi đối tác ép giá nhiều hơn. Sức mua hàng hóa sau đại dịch cũng yếu đi, gây ra tình trạng cung vượt cầu. Thời gian qua, để kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phải khuyến mãi, giảm giá 10 - 20% ngay cả trong những ngày tết.
Theo ông Trương Chí Thiện, để cạnh tranh về giá, Công ty Vĩnh Thành Đạt phải tinh gọn bộ máy, trang bị thêm máy móc, thiết bị, đưa công nghệ số vào hoạt động quản lý, chẳng hạn dùng phần mềm giao nhận cho khâu vận tải. Ông nhận định, công ty nào không cải tổ bộ máy để giảm giá thành, sẽ bị loại, nhưng muốn cải tổ thì phải có năng lực tài chính. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ vốn từ ngành ngân hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - nhận định, năm 2025, các thị trường trên toàn cầu sẽ yêu cầu cao về yếu tố xanh. Do đó, để xuất khẩu được hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần gấp rút đầu tư nâng cấp sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh khắt khe. Doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị tâm lý để đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá cả khi các nước có thể áp dụng các biện pháp thuế quan bảo hộ.
Theo ông, chính quyền TPHCM đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, xanh hóa quá trình sản xuất. Nhưng để thực sự cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng công nghệ vào quản lý hoạt động sản xuất, tối ưu hóa quy trình để giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Trước những diễn biến phức tạp của địa chính trị thế giới, đặc biệt là các chính sách mới của Mỹ, HUBA đã chủ động mời các chuyên gia hàng đầu phân tích và đưa ra các dự báo để cộng đồng doanh nghiệp có thể vượt qua thách thức, nắm bắt tốt cơ hội, từ đó duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu.
Doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch sản xuất, tuyển dụng Ông Lâm Ngọc Mẫn - Phó chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM - cho biết, trong ngày 3/2 (mùng Sáu tháng Giêng), đã có 140 doanh nghiệp trong các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM với hơn 31.000 người lao động đã trở lại làm việc, đạt tỉ lệ hơn 90%. Số ít người lao động chưa trở lại làm việc trong ngày này là do có quê xa (miền Trung, miền Bắc). Một số doanh nghiệp chọn bắt đầu làm việc từ mùng Tám hoặc mùng Mười tháng Giêng. Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, năm 2025, hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều dấu hiệu tích cực. Từ cuối năm 2024, một số doanh nghiệp đã tiếp nhận đơn hàng sản xuất đến hết quý II/2025. Các ngành nghề dệt may, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ gỗ nội thất và linh kiện điện tử có số đơn hàng tăng mạnh khiến các nhà máy hoạt động hết công suất, một số phải tổ chức tăng ca. Nhìn chung, các doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch sản xuất từ trước khi nghỉ tết, đồng thời sớm triển khai kế hoạch tuyển dụng bổ sung nhân sự. |
Mai Ca - Thanh Hoa