Nhà văn Phan Thúy Hà chia sẻ, có lần chị nghe một bà mẹ kể, “thằng bé” con chị (đang học lớp 7), nhắn tin cho bạn thế này: “Tao đã chạm vú nó rồi”. “Thằng bé” còn vô tư gọi “bạn gái” của mình là vk, xưng ck (vợ, chồng). Bà mẹ ấy hỏi Hà giờ phải làm sao? Với kinh nghiệm nhiều năm biên tập sách và sáng tác, Hà khuyên: “Chị hãy cho con đọc sách văn học thiếu nhi”.
“Trẻ con ngày nay suốt ngày nghe người lớn ra rả karaoke những Duyên phận, Vợ người ta... nên 4-5 tuổi đã thuộc làu những ca khúc mùi mẫn “quá độ” ấy, lại chỉ chơi game, xem video, ít có thói quen đọc sách - đặc biệt sách văn học, thì mới lớp 7 đã như thế cũng chẳng có gì… khó hiểu”, Thúy Hà giải thích.
Nhiều bà mẹ tuy vất vả tìm cách “cai nghiện” ipad cho con, nhưng có thể vẫn… ngơ ngác khi nghe nói, thế giới sách sẽ làm tâm hồn con trẻ rộng mở hơn, có chiều sâu hơn, đồng thời giúp con trưởng thành hơn. Nhân ngày sách Việt Nam (21/4), báo Phụ Nữ đã mời những bà mẹ từng thành công trong việc tạo tình yêu sách cho con chia sẻ kinh nghiệm…
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tạo đà cho sự trưởng thành của con
Đỗ Bích Thúy là tác giả của Lặng yên dưới vực sâu, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Cửa hiệu giặt là… Con gái của chị là Đào Diệu Huyền từng có tác phẩm Câu chuyện Thiên đường (NXB Kim Đồng) khi mới học lớp 7.
Tôi thấy không khó để tạo thói quen đọc sách cho con. Lúc con chưa biết đọc thì mẹ đọc con nghe, con biết đọc rồi thì bảo “con đọc cho mẹ nghe đi”. Sách bây giờ in đẹp, bắt mắt, nhiều sách hay, tuổi nào có sách đó, không như thế hệ chúng tôi ngày xưa chẳng có gì nhiều để đọc.
Dần dần, các con sẽ thấy đọc sách là một sự hứng thú không thể thiếu. Còn việc viết sách thì con gái tôi lọ mọ tự viết từ lúc nào tôi cũng chẳng biết. Viết xong mới khoe mẹ. Mà viết tay, trên một cuốn sổ, còn vẽ hươu vẽ vượn để tự trang trí. Tôi đọc, thấy cũng… được, bèn chuyển cho NXB Kim Đồng.
Sau đấy là việc trao đổi giữa cô biên tập và "cháu tác giả", mẹ chỉ là cầu nối. Tôi không cản nhưng cũng không thúc ép con viết. Tôi cũng làm nghề viết, hiểu chuyện viết lách vất vả thế nào, dù đã là nhà văn thì không viết không chịu được. Tôi cứ để con tùy thích muốn viết gì thì viết.
Chỉ riêng việc viết ấy thôi, theo tôi, đã rất tốt cho tư duy của cháu, nhất là khả năng tưởng tượng. Tất cả các truyện cháu viết đều là hư cấu. Đến giờ, ngoài cuốn đã in, cháu còn viết được thêm mấy cuốn nữa, cái thì gõ vào máy tính, cái thì viết tay.
Trẻ con mà tìm thấy niềm vui từ một công việc nghiêm túc nào đấy thì hiếm lắm, nên tôi vui vì thấy con làm việc thật sự nghiêm túc. Chưa biết có nên cơm cháo gì không, nhưng điều đó sẽ tạo đà cho sự trưởng thành của con sau này.
MC, nhà văn Phương Huyền: Dạy con yêu sách từ...hai tháng
Từ khi con gái tôi tám tháng, chỉ mới ngồi vững và lần đi, mẹ để em ở trong phòng một mình. Nhà thì chỗ nào cũng có sách nên trong phòng em ngồi luôn có vài cuốn. Mẹ lúi húi ngoài bếp không để ý, khi mẹ vào thì thấy cuốn truyện tranh đã tan nát. Mẹ ngồi xuống nói chuyện với em, dù em mới tám tháng, bảo sách là để đọc, không được xé. Xé sách như vậy là không ngoan, mẹ không thương.
Chẳng biết em hiểu được bao nhiêu nhưng từ đó đến tám năm sau, em không hề xé bất kỳ cuốn sách nào, dù nhà vẫn rải đầy sách. Có lần, lúc đó em khoảng hơn hai tuổi, vô tình làm rách bìa sách, nên vẻ mặt hết sức lo lắng khi thấy mẹ. Mẹ chỉ nói đơn giản, con lỡ tay thì không sao. Mẹ bắt đầu đọc sách cho em nghe từ khi em mới khoảng hai-ba tháng.
Có khi mẹ đọc sách của mẹ, nhưng đọc thành tiếng. Lúc em đã biết ê a, mẹ đọc truyện tranh cho em nghe. Em hai-ba tuổi thì mẹ đọc nhấn nhá và hóa thân vào từng nhân vật. Có lần bà nội ẵm em nằm trên võng, em cầm cuốn sách nói: “Để con đọc nội nghe”. Lúc đó em hơn hai tuổi. Em cũng bắt đầu tập kể chuyện từ đó. Chuyện em kể ban đầu cụt ngủn nhưng mỗi ngày em lại biết tự thêm chi tiết vào cho đầy đặn hơn. Bốn tuổi em đã có thể kể hoàn chỉnh một câu chuyện do em tưởng tượng.
Giờ em tám tuổi, cũng mê ti vi, ipad, điện thoại như những bạn khác; nhưng mẹ canh em xem đủ thời gian là tắt ti vi Vậy là em chuyển hướng chú ý vào kệ sách (em có riêng một kệ sách thiếu nhi), cầm ngay một cuốn nào đó đọc đi đọc lại. Có những cuốn em có thể đọc đến vài chục lần, thuộc làu.
Nhiều hôm, em đọc sách suốt ngày, như một con “mọt sách” thực thụ. Em còn xin mẹ mang theo sách vào lớp. Mẹ nghĩ, để con biết yêu sách thì cha mẹ cũng phải là người đọc sách. Trong nhà phải có không gian dành cho sách như phòng đọc hay kệ sách. Sách có thể để ở những nơi tiện lợi nhất… Cứ thế, tình yêu sách sẽ lớn lên dần một cách tự nhiên cùng với bất cứ đứa trẻ nào.
Biên tập viên Mỹ Ái (NXB Kim Đồng): Dùng “chiêu” dụ con đọc sách
Con gái tôi chín tuổi, thích đọc sách và đã có thể đọc những cuốn truyện thiếu nhi nhiều chữ ít tranh hoặc sách đen trắng với những truyện ngắn viết cho thiếu nhi, cả Việt Nam và nước ngoài. Bé cũng rất thích đọc những cuốn sách khoa học như bách khoa thư bằng hình, giới thiệu về động vật, lịch sử, vũ trụ...
Tất nhiên những cuốn sách khoa học đó đều dành cho thiếu nhi với nhiều hình ảnh hấp dẫn, nội dung ngắn và dễ hiểu. Bé đã được làm quen với sách từ khi rất nhỏ, với những cuốn sách thật mỏng, được mẹ đọc cho nghe nhiều lần. Dần dần, mẹ mới chọn những sách có nội dung dài hơn cho bé.
Bé vào lớp 1 thì mẹ đọc cùng bé những cuốn sách khoa học cho thiếu nhi. Bé thích nhìn hình ảnh về vũ trụ, rồi đọc và biết có hành tinh, có sao, có dải ngân hà... Mẹ cho bé xem thêm các clip trên youtube về vũ trụ để thỏa mãn sự tò mò.
Tất nhiên bé cũng chẳng hiểu hết và cũng vô số những thứ mẹ không biết, nhưng việc mẹ và con cùng đọc và khám phá kiến thức đã làm cho cả hai thấy thời gian đọc sách mỗi ngày thật thú vị. Nhiều câu hỏi ngồ ngộ và đôi khi rất sắc sảo của con đặt ra làm mẹ càng thêm hứng thú chơi cùng con, đọc và học cùng con.
Thời gian đầu, mẹ chọn sách chữ cho con, bé cũng không chịu đọc. Mẹ phải dùng chiêu kể một chút hay đọc một đoạn ngắn để gợi sự tò mò của con. Vậy là con thắc mắc đoạn tiếp theo thế nào. Biết con đã “cắn câu”, mẹ bảo: “Con đọc đi thì biết, đọc cho mẹ nghe với”... Giờ bé đã chủ động đọc những cuốn sách thiếu nhi chỉ in toàn chữ.
Võ Thu Hương
(thực hiện)