Ngày rằm không về nhà nội, nghẹn lòng nhìn hai con 'cơm chan nước mắt'

20/01/2019 - 19:30

PNO - Tôi không biết mình đã sống thế nào để rồi con mình phải có một tuổi thơ cay đắng thế này?

Tôi năm nay 35 tuổi, có một gia đình hạnh phúc trong mắt bao nhiêu người xung quanh. Chồng tôi được khen ngợi là tháo vát, giỏi mọi việc từ chăm con cho đến kiếm tiền, lại khéo tay trang hoàng, thiết kế nhà cửa. Còn tôi bị đánh giá là đoảng vị, chẳng biết làm gì, “lấy được chồng tiên” nên sướng. Nhưng phải ở trong chăn mới biết chăn có rận, khi cái nhược điểm lớn nhất của chồng tôi là tính gia trưởng thì tôi phải cắn răng chịu đựng mỗi ngày.

Công bằng mà nói, anh đúng là một người chồng giỏi giang. Anh cân bằng thời gian rất tốt, đủ để làm việc trong, việc ngoài kiếm tiền mang về cho gia đình. Vợ chồng tôi từ hai bàn tay trắng mà nay đã xây được căn nhà 4 tầng khang trang, nuôi được 2 đứa con khôn lớn giữa mảnh đất thành phố là thành quả đáng ghi nhận. Anh cũng chăm con rất khéo, một mình anh có thể “cân” luôn cả 2 đứa mỗi khi tôi có việc phải ở lại cơ quan trực đêm hay đưa con về nhà nội chơi cả tuần liền.

Ngay ram khong ve nha noi, nghen long nhin hai con 'com chan nuoc mat'

Ảnh minh họa.

Thế nhưng đổi lại với tất cả những điểm tốt đó của anh là tính gia trưởng, vũ phu đặc trưng của vùng quê nơi anh sinh ra. Anh luôn làm mọi việc theo ý mình. Căn nhà 4 tầng do anh thiết kế, bày biện. Tôi không được góp ý một chút nào vì anh bảo: “Đàn bà thì biết cái quái gì!”. Trong mắt anh, những người đàn bà chỉ đáng để ngồi ở mâm dưới, anh cũng coi khinh cái bằng trung cấp của tôi nên thường mặc định rằng tôi dốt trong mọi chuyện. Không những phớt lờ ý kiến của tôi, anh còn coi thường khả năng của tôi nữa.

Mọi thứ phải nhất nhất theo ý anh, tôi không được làm trái. Ngay cả việc tôi không được nhuộm tóc, uốn tóc vì anh bảo nhìn chơi bời. Tôi cũng không được mặc váy vì anh bảo lẳng lơ, khiến người khác dòm ngó, nhận xét. Anh cũng không cho tôi sắm sửa những món đồ trang điểm hay trang sức đặc biệt. Nếu tôi im lặng mang về kiểu gì anh cũng phát hiện ra và ngay lập tức vứt vào thùng rác. Tất cả những thứ phù phiếm của một người đàn bà mà tôi có chỉ là một thỏi son. Mỗi lần tôi về quê, dân làng khen tôi là người thành phố mà giản dị là anh sướng ra mặt.

Tôi luôn cảm thấy nghẹt thở, nếu có cãi lại anh, lập tức tôi ăn ngay cái tát vào má. Thậm chí anh còn sẵn sàng giơ chân đá vào bụng tôi, quờ lấy sẵn thứ gì là ném thứ đó vào người vợ không thương tiếc vì cho rằng “vợ hỗn láo”. Hai đứa con không biết bao nhiêu lần đã phải rúm ró đứng một góc ôm nhau khóc và chứng kiến cảnh mẹ bị bố đánh. Nhưng dù tôi có nói “anh đánh tôi, chửi tôi thế nào cũng được, miễn xin đừng trước mặt con” biết bao lần đi nữa, anh cũng không nghe. Bởi cơn giận của anh có thể đến bất kỳ lúc nào và anh hoàn toàn không có ý định kiềm chế.

Ngay ram khong ve nha noi, nghen long nhin hai con 'com chan nuoc mat'

Ảnh minh họa.

Đỉnh điểm là cách đây 2 ngày, anh nói ngày rằm tháng Chạp cả nhà phải về nhà nội để lo công chuyện. Tôi vì cơ quan cuối năm rất nhiều việc bận, lại phải giải quyết hết báo cáo, công nợ, phải làm bù cả thứ 7, Chủ nhật nên không về được. Khi tôi nói với anh lý do, anh liền ngay lập tức trừng mắt lên: “Cô dám không về à?”. Tôi chưa kịp nói hết câu: “Bất đắc dĩ thôi, chứ em không muốn thế!” đã thấy anh bưng luôn cả mâm cơm đổ ập xuống sàn nhà. Bát đĩa vỡ loảng xoảng, thức ăn rơi vãi tung tóe, 2 đứa con đang cầm dở bát cơm trên tay ngồi run khóc vì sợ.

Thế vẫn chưa đủ, anh còn cầm chiếc ghế nhựa ngay bên cạnh ném vào người tôi. May là tôi né được. Anh giơ chân đạp bụng, lấy tay tát tôi nổ đom đóm mắt. Rồi anh quay sang hai đứa con, gào lên: “Bọn mày nhìn cái gì, lấy thức ăn trong nồi mà ăn cơm cho xong đi”. Hai đứa quá sợ hãi, tiếp tục ngồi giữa đống đổ nát, lập cập vừa ăn cơm vừa chan nước mắt. Tôi nhìn cảnh ấy, thấy tim mình như nghẹn đắng không thể thở nổi. Tôi không biết mình đã sống thế nào để rồi con mình phải có một tuổi thơ cay đắng thế này?

Anh sau khi gây ra hỗn chiến liền phóng xe máy bỏ đi, để lại căn nhà tan tác phía sau. Tôi đoán chắc anh phải tìm bạn để đi nhậu. Bởi anh vẫn thường thế, uống rất nhiều và lúc nào cũng tự hào về bản lĩnh chiếu nhậu của mình. Suốt 10 năm nay, tôi không bao giờ được quyền ý kiến về việc anh đi uống triền miên mỗi buổi chiều hay về nhà lúc nửa đêm. Nhiệm vụ của tôi là vẫn phải cất cơm, anh về sẽ tự lấy ra ăn. Anh oang oang “nam nhi vô tửu như cờ vô phong” để nói về mình, nghĩa là muốn anh đàng hoàng đàn ông, kiếm được tiền thì phải để anh uống rượu.

Anh đi rồi, tôi ngồi lại ôm hai đứa con, cả 3 mẹ con cùng khóc với nhau. Không biết đã bao nhiêu lần tôi nghĩ đến lá đơn ly hôn giống như lần này. Nhưng dù tôi có nói ra, cũng chỉ bị một cái bạt tai đáp lại. Trước đây sau mỗi lần bị đánh chửi, sau vài ngày nguôi ngoai, tôi lại nhìn vào những điểm tốt của anh để tự an ủi mình và cứ tự động coi như không có chuyện gì xảy ra. Hẳn đó là lỗi của tôi khi đã biến mình thành một người vợ nô lệ phụ thuộc vào cuộc hôn nhân này. Để rồi tôi khổ, con tôi khổ.

Nhưng nay thật sự tôi không muốn phải chịu đựng thêm cuộc sống địa ngục này thêm ngày nào nữa. Nếu muốn thay đổi tính gia trưởng của anh, tôi phải làm gì đây? Ngày Tết sắp đến rồi, tôi liệu có thể làm được gì để có được mùa xuân cho ba mẹ con mình?

H. Hiền (Vũng Tàu)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI