Ngày Quốc tế thiếu nhi, chưa hết áp lực tấm giấy khen học sinh giỏi

01/06/2019 - 11:59

PNO - Công ty mẹ phát tiền khen thưởng các cháu nhỏ ngày 1/6. Thằng anh học sinh giỏi được 400 ngàn đồng, thằng em chỉ tiên tiến 200 ngàn đồng. Cuối tuần mẹ cho hai anh em đi mua quà. Thế là cuộc chiến nổ ra.

Đâu chỉ chuyện phân biệt đối xử về lực học tại cơ quan cha mẹ gây nên những hậm hực trong cộng đồng phụ huynh công sở. Tổng kết năm học xong, nghỉ hè rồi, mà khắp chốn facebook vẫn rộn ràng ảnh giấy khen và kết quả học tập của con.  

Những cái “like”, “share” nhiệt tình cùng với những bình luận khen ngợi càng tăng thêm niềm tự hào cho các ông bố bà mẹ có con học giỏi. Những người con học kém thì chì chiết con mình và giai điệu "con nhà người ta" bắt đầu. 

Ai mà không mừng khi con cái mình chăm ngoan, học giỏi. Nhưng không ít phụ huynh đã biến điều đó thành áp lực với con cái. Cuối năm học mà con không có giấy khen để lĩnh thưởng ở cơ quan bố mẹ là một điều xấu hổ.

Ngay Quoc te thieu nhi, chua het ap luc tam giay khen hoc sinh gioi
Nhiều phụ huynh tạo áp lực thành tích đối với con. Ảnh minh họa

Nhiều năm về trước, khi đang làm chủ nhiệm lớp chín, một cô bé học trò cứ gặng xin thêm điểm để đạt học sinh giỏi. Tôi hỏi: “Sao em lại cần danh hiệu đó đến thế”. Cô bé trả lời thẳng thắn rằng: “Đối với em được học sinh giỏi hay trung bình cũng như nhau nhưng mẹ em thì khác, mẹ sẽ xấu hổ mà không sống nổi”.

Tôi nghĩ em nói thật, tôi gặp quá nhiều phụ huynh luôn đạt áp lực lên vai con mình, bắt buộc con phải giỏi giang như “con nhà người ta” để giữ thể diện cho bố mẹ. Có trường hợp, phụ huynh gọi điện để xin cho con giấy khen học sinh giỏi trong khi cháu chỉ đạt học sinh tiên tiến.

Hỏi ra mới biết, cơ quan phụ huynh đó tổ chức phát thưởng cho con em cán bộ có thành tích học tập. Số tiền thưởng chênh lệch theo từng mức thành tích khá cao. Con của chị nhiều năm liền nhận phần thưởng học sinh giỏi, giờ xuống một bậc nên chị cảm thấy không hài lòng.

Bởi vậy cứ vào độ cuối năm học, lúc chuẩn bị tổng kết điểm, xét hạnh kiểm và học lực cho học sinh, giáo viên làm công tác chủ nhiệm như tôi thường gặp những trường hợp khó xử.

Các cuộc điện thoại tới tấp, hẹn gặp đột xuất của cả học sinh lẫn phụ huynh để “xin điểm”. Mặc dù, cả năm học hiếm khi thấy những vị phụ huynh ấy hỏi han đến tình hình học tập của con mình. Học sinh thì nước mắt lưng tròng mong cô sửa điểm vì sợ bố mẹ mắng.

Tất nhiên, tôi chẳng bao giờ “yếu lòng” trước những lời xin xỏ như thế bởi khi một giáo viên cho điểm số học sinh thường cân nhắc rất nhiều. Nếu em nào chăm ngoan, có nỗ lực học tập, hoặc do sơ ý mà bị điểm thấp thì thầy cô sẽ có điều chỉnh hợp lý. Tôi luôn nói với học sinh, điểm số chỉ có thể đánh giá được một phần năng lực và danh hiệu không có ý nghĩa gì nếu không có kiến thức thực sự.

Nhưng phần lớn học sinh đều bị áp lực từ nguyện vọng quá cao của ba mẹ. Nhiều phụ huynh la mắng nặng lời, xỉ vả con cái vì không đạt được những danh hiệu như mong muốn khiến các em luôn có tâm trạng lo lắng.

Khi con cái không ngoan ngoãn giỏi giang như nguyện vọng cha mẹ có thể buồn nhưng quan trọng cách hành xử như thế nào để con tiến bộ hơn chứ không nên chạy theo thành tích. Như con trai út của tôi đang học lớp mẫu giáo, thỉnh thoảng bé vẫn không được phiếu bé ngoan. Chồng tôi thường khó chịu bảo: “Chỉ là trẻ con thôi sao cô khắt khe thế” nhưng tôi nghĩ cô giáo có lý do của mình.

Ngay Quoc te thieu nhi, chua het ap luc tam giay khen hoc sinh gioi
Khi không đạt danh hiệu như mong muốn của bố mẹ, các em luôn có tâm trạng lo lắng. Ảnh minh hoạ

Vì tôi quá hiểu mức độ nghịch ngợm của con trai nên không thể tuần nào ngoan được. Khi tôi hỏi con: “Vì sao con được phiếu bé ngoan trong khi các bạn đều có”. Con trả lời: “Cô bảo do con nói chuyện riêng nhiều và ngủ gật trong lớp”. Tôi nhắc nhở con nếu muốn được phiếu bé ngoan thì không được làm như vậy nữa.

Tôi thầm cảm ơn cô giáo của con đã rất công bằng và trung thực khi đánh giá học sinh của mình. Trong một lớp, không thể tất cả các học sinh đều ngoan và giỏi được bởi mỗi đứa trẻ có một tư chất khác nhau.

Bản thân tôi có con đi học nên rất hiểu nguyện vọng của phụ huynh nhưng thiết nghĩ bố mẹ cần phải xem khả năng, tư chất của con mình đến đâu trước khi đề ra những yêu cầu thành tích đối với con. Đừng vì một chút sĩ diện với bạn bè đồng nghiệp, một chút phần thưởng của cơ quan mà tự tạo áp lực quá lớn trên đôi vai bé nhỏ của các em.

                                                                                                         Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI