Ngày Quốc tế Nam giới 19/11: Phận đàn ông khổ đủ đường!

19/11/2020 - 14:57

PNO - Đâu phải chỉ khổ ở nhà. Ra đường đàn ông cũng bất lợi thấy rõ. Trăm dâu đổ đầu đàn ông, thế nhưng cánh phụ nữ vẫn cứ hời hời lên than thở, kể lể chuyện mình là phái yếu nên bị hà hiếp.

Trước Ngày Quốc tế Nam giới 19/11, vợ đưa cho chồng link bài báo Cấp cứu trường hợp cương dương suốt 30 giờ do uống rượu ba kích kèm tiếng cười.

Chồng liếc qua tiêu đề rồi buông tiếng thở dài: "Tội nghiệp cho thân đàn ông chúng tôi. Chả ai chê trách quý bà là “yếu chuyện ấy” cả, bao nhiêu trách nhiệm trên giường toàn đổ lên đầu phái mạnh. Nói sao khối ông phải… nguy kịch vì cố gắng tìm cách cải thiện!".

Vợ nguýt dài rồi bảo: "Hay là anh chịu khó xuống… rửa chén dọn nhà xong, rồi hãy ngủ. Chứ để tới sáng mai cũng phải rửa à, còn oải hơn nữa á". Chồng lầm bầm khi xỏ chân vào đôi dép đi trong nhà: "Đến khổ! Hết thời tắm rửa cho con, lại tới đoạn rửa chén…"

Ngày Quốc tế Nam giới được bắt đầu vào ngày 19/11/1999, thịnh hành tại 170 nước. Ngày này ra đời không nhằm “cạnh tranh” với ngày Quốc tế Phụ nữ mà chỉ là dịp tôn vinh những đóng góp của nam giới đối với nhân loại; tập trung vào vấn đề sức khỏe của nam giới và trẻ em nam, cải thiện quan hệ giữa các giới, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế, luật gia đình, giáo dục và truyền thông.  (Theo Wiki Pedia)

“Hoàn cảnh” giống như vợ chồng nhà đấy chắc không phải là hiếm gặp. Nhất là trong bối cảnh mà cánh chị em giờ cũng đi làm “như ai”, vị trí xã hội mạnh, thu nhập vung vinh, lại vô cùng thấm nhuần mấy chữ “bình đẳng giới”.

Nam giới mà sự nghiệp làng nhàng sẽ mất điểm, rất khó ăn nói; chứ phụ nữ thì không sao, dễ được thông cảm: Chị em phải lo thiên chức rồi mà.

Phụ nữ có bao giờ chịu khổ sở vì hoa quà cho đàn ông chưa?
Phụ nữ có bao giờ chịu khổ sở vì hoa quà cho đàn ông chưa?

Đừng tưởng đàn ông là có quyền lùi xùi. Thời buổi đàn bà cũng… háo sắc, ngay cả đàn ông xấu cũng chẳng có quà/có vợ, chứ chẳng đùa! Còn nếu anh may mắn cưới vợ sinh con rồi, thì phải đối mặt với cảnh đáng thương như: Mấy bố con đang chơi đùa bày bừa, ngay lập tức vội vàng dọn dẹp, đi nhẹ nói khẽ, đơn giản chỉ cần bật ra “từ khóa”: "Chết rồi, mẹ về!"

Bà chủ gia đình sẽ mệt mỏi ngó quanh, quăng đôi giày lên kệ, vứt cái giỏ vào ngăn tủ, miệng phát ra đoạn âm thanh nhuốm mùi nguy hiểm: "Sao mà số tôi thảm quá chừng. Chồng con gì mà ỷ lại, cứ ngong ngóng chờ giao việc. Về trước nấu cơm xong cũng không biết dọn lên, đợi “con này” về hầu đấy à?"

Thử tưởng tượng xem, cả nhà đi chơi ai chọn món? Quyết định quán này hay quán kia? Duyệt mua điện thoại mới cho chồng hay là cứ xài hàng “chuyển giao” của vợ? Tiền bạc đa số do ai nắm giữ? Thế gian được mấy ông chồng dám mạnh dạn xem vợ như… heo đất, lúc muốn lấy tiền ra thì… phải đập? Hay toàn là nộp lương cho một "ả tì hưu", chỉ biết nuốt nuốt nuốt chứ có… nhả ra xu nào!

Tấm hình dí dỏm về ngày Ngày Quốc tế Nam giới 19/11 đang được cộng đồng mạng chia sẻ
Tấm hình dí dỏm về ngày Ngày Quốc tế Nam giới 19/11 đang được cộng đồng mạng chia sẻ

Đâu phải chỉ khổ ở nhà. Ra đường đàn ông cũng bất lợi thấy rõ. Hơn thua đáo để một chút, sẽ bị chửi "đồ… đàn bà!". Giành đường hay chen lấn, sẽ ăn mắng: "Đồ đàn ông… mặc váy!"

Xã hội hô hào đòi bình đẳng giới, nhưng cánh đàn ông bao lâu nay vẫn luôn cam tâm chịu lép vế. Có ngày lễ lạt nào dành riêng cho phái mạnh hưởng thụ hoa, quà, giải trí, ưu ái… đâu. Thế nhưng, thử phân bì kêu rêu, lập tức anh sẽ nhận được cái nhìn kinh dị: "Gì vậy ba, đàn ông mà cũng đòi quà à! Khóc lóc ư? Quên đi".

Nước mắt đàn ông là cả một câu chuyện dài…

Trong tình yêu, đàn bà… chán thì bỏ, không sao. Chứ đàn ông mà… lỡ dại kiểu ấy, là ngay lập tức về đội Sở Khanh, bạc bẽo, cần phải đề phòng, tốt nhất nên loại khỏi danh sách người tử tế!

Trăm dâu đổ đầu đàn ông, thế nhưng cánh phụ nữ vẫn cứ hời hời lên than thở, kể lể chuyện mình là phái yếu nên bị hà hiếp, là cái đạo lý gì vậy trời!

Hải Đăng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI