Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3: Hạnh phúc đang ở đâu?

20/03/2024 - 06:16

PNO - Có người đi qua cả quãng đời thanh xuân, tới lúc da mồi tóc bạc vẫn không thể trả lời mình có hạnh phúc không.

 

Hạnh phúc khi vợ chồng thấu hiểu và sẻ chia (ảnh minh hoạ)
Hạnh phúc khi vợ chồng thấu hiểu và sẻ chia (ảnh minh hoạ)

Anh là bạn khá thân với tôi thời đại học. Sau hơn 20 năm thất lạc, chúng tôi mới tìm lại được nhau. Anh hỏi tôi: “Em có hạnh phúc không?”. Câu hỏi khiến tôi khựng lại mấy giây. Tôi không thể trả lời qua loa rằng tôi hạnh phúc hoặc không hạnh phúc.

Có người đi qua cả quãng đời thanh xuân, tới lúc da mồi tóc bạc vẫn không thể trả lời mình có hạnh phúc không. Bởi hạnh phúc là phạm trù trừu tượng. Cùng một sự việc là hạnh phúc với người này nhưng không với người kia. Điều đó tuỳ thuộc vào cảm nhận và quan điểm của mỗi cá nhân.

Anh bạn chia sẻ cùng tôi câu chuyện của bản thân. Anh cật lực cày bừa suốt nhiều năm, ở tuổi 40 anh đã có số vốn kha khá. Ba mất khi 4 anh em anh còn rất nhỏ. Má anh bươn chải đầu tắt mặt tối mới nuôi đàn con nên người. Tâm nguyện của anh khi có tiền sẽ bù đắp cho má, cho má cuộc sống thảnh thơi, sung sướng.

Anh đưa má đi du lịch Ninh Bình,Thác Bản Giốc… Suốt chuyến đi má anh say xe. Bà không khoẻ nên không vui. Thêm nữa, món ăn đắt đỏ khiến bà tiếc tiền. Má anh than: “Bữa ăn đắt vầy, bằng má đi chợ cả tuần”, “Cảnh đẹp mà chỉ nhòm qua rồi về, tốn tiền quá trời quá đất”…

Anh đã nghĩ má sẽ hớn hở suốt hành trình, sẽ về khoe khắp xóm đã được đi du lịch tận phía Bắc, nào ngờ…

Anh chỉ thấy má thật sự vui khi con cháu về nhà. Má túi bụi dọn chỗ ngủ, lấy tô chén trong tủ ra rửa, rồi đi chợ, nấu nướng phục vụ cháu con. Má bày bếp lò bên hè, đổ bánh kẹp, bánh xèo, luộc ốc… Mấy anh em anh trải chiếu bên thềm. Cả nhà xúm lại ăn món má làm. Nhìn con cháu vừa ăn vừa hít hà khen ngon, má anh cười mãn nguyện, mặc mớ tóc lơ thơ lấm bụi tro, mặc lưng áo đẫm mồ hôi vì bếp nóng…

Anh hiểu ra, với má hạnh phúc là được chăm sóc con cháu, làm chúng vui vẻ, đơn giản vậy thôi.

Anh trai tôi 20 tuổi đã bôn ba xứ người. Là người sống nội tâm nên anh luôn đau đáu về quê nhà. Anh nhớ vườn dừa nhà nội, nhớ mái lá đơn sơ nơi tuổi thơ anh lớn lên ở đó. Anh mong ước khi về già sẽ quay về cố hương, được sống những ngày bình yên trên đất mẹ.

Các con anh khôn lớn, lập nghiệp nơi chúng sinh ra, vì vậy anh không thể yên tâm hồi hương mà để các con ở lại. Mấy năm trước, anh mua được căn nhà vườn khá rộng. Anh đào ao thả cá, trồng bông sen, bông súng. Làm cả chuồng nuôi chim cút. Bên hiên nhà anh trồng rau, làm giàn trồng bầu bí, khổ qua…

Anh khoe giờ có thể ăn rau luộc, bầu luộc… chấm kho quẹt. Anh hạnh phúc khi sáng thức giấc nghe tiếng cá quẫy trong ao, tiếng chim lục cục trong chuồng. Anh hạnh phúc cả khi nhìn từng mầm xanh hồi sinh sau mùa đông băng giá… Một Việt Nam thu nhỏ giữa trời Âu khiến anh thấy đủ đầy và trọn vẹn.

Tôi hiểu ra với anh tôi, nơi khiến anh yêu thương và gắn bó đã là nhà. Và anh đang vun xới cho ngôi nhà ấy ngày càng giống nhà Việt để thoả mãn phần thiếu thốn, khao khát nhớ quê trong anh.

Ao cá của anh trai tôi - Nguyễn Đại Hải (66 tuổi, bang Hessen, Đức)
Ao cá của anh Nguyễn Đại Hải (66 tuổi, bang Hessen, Đức) - anh trai tác giả

Thu An - cô bạn tôi xếp lại tấm bằng đại học và công việc tốt ở tập đoàn danh tiếng, để lui về chăm sóc 2 con và bà mẹ chồng bị tai biến. Trước khi An nghỉ việc, vợ chồng cô đã thuê một người họ hàng và người giúp việc để chăm sóc bà mẹ. Nhưng chăm người già nằm liệt một chỗ, vệ sinh không kiểm soát là chuyện chẳng dễ dàng. Chồng An xót mẹ khi thấy bà bị lở loét tái đi tái lại vì không được chăm sóc tốt, và An chấp nhận lui về gánh việc nhà để chồng yên tâm đi làm.

Chồng An là người hiểu chuyện. Ngày nghỉ, anh thay An chăm mẹ. Anh nhắc cô ra ngoài đi cà phê, mua sắm, họp mặt bạn bè… Một năm đôi lần, chồng mua vé cho An cùng hội bạn đi du lịch. Chồng hiểu An cần nạp năng lượng cho bản thân.

Sau mỗi chuyến đi, An rạng rỡ và mạnh mẽ hơn, đủ sức gồng gánh việc nhà. Nhiều người nói An dại, sao phải hy sinh như vậy. Nhưng An nói: “Mình không thấy vất vả, vì chồng mình luôn biết ơn vợ đã hy sinh vì gia đình. Mình nghĩ chồng mới là người vất vả vì phải gồng gánh kinh tế nuôi cả nhà, gánh đỡ vợ lúc mệt nhọc. Vợ chồng mình cố gắng vì nhau, làm cho nhau yên lòng. Tụi mình hạnh phúc vì điều đó”.

Liên hiệp quốc chọn ngày 20/3 làm ngày Quốc tế hạnh phúc, vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng của sự cân bằng và hài hoà của vũ trụ. Cân bằng và hài hoà là một trong những chìa khoá để mang hạnh phúc đến cho mỗi người, mỗi gia đình.

Với người này hạnh phúc là được chăm sóc người khác. Với người kia thì hạnh phúc khi được làm điều mình thích, thoả mãn những mong muốn của bản thân. Người thì hạnh phúc khi được hy sinh, gánh vác trọng trách… 

Tôi thì nghĩ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ cần bản thân thấy vui, thấy bình an và biết ơn những gì mình đang có là hạnh phúc. Nhiều người giàu tiền của nhưng luôn bất an vì không tìm thấy sự cân bằng, bình yên. Họ chẳng thể hạnh phúc. 

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI