Nhận nuôi người hàng xóm bị bệnh tâm thần, miệt mài làm sạch dòng kênh đen, kiên trì vận động chị em “lầm lỡ” làm lại cuộc đời, tạo việc làm cho phụ nữ cao tuổi neo đơn… là những công việc thầm lặng của mỗi người trong số họ - những công dân TPHCM tìm thấy hạnh phúc của mình khi làm được những điều tốt đẹp cho người, cho đời.
Tiếng gọi của trái tim
“Đức, sao ba ngày nay má gọi, con không nghe máy? Ngủ giờ này mới thức hả con? Rầu mày không chịu ăn xế nữa hả?” - bà Hoa nói chuyện với con bằng giọng của người xứ Nẫu, nơi bà sinh ra và cũng từ đó lạc cha mẹ, lưu lạc tứ xứ. Đó là cuộc gọi lúc 15g chiều. Nghe những gì bà Hoa và Đức nói qua điện thoại, ít ai biết rằng, họ vốn không máu mủ ruột rà gì.
|
Bà Hoa và bữa cơm ấm áp bên cạnh đứa con không ruột rà của mình |
Năm 2006, Trần Huỳnh Đức vừa tròn 20 tuổi, bơ vơ sau cái chết của mẹ (cha bỏ đi từ trước), sống một mình trong căn nhà hình tam giác chưa đầy 10m2. Khiếm khuyết gia đình, lại sống trong không gian bức bối, Đức bị trầm cảm rồi tâm thần. Người dì ruột đưa Đức vào bệnh viện tâm thần rồi bỏ luôn ở đó.
Thương đứa trẻ bất hạnh cùng xóm, bà Lê Thị Tố Hoa - sinh năm 1953, ở Q.8, TPHCM - đã đi tìm rồi bảo lãnh Đức về từ Bệnh viện Tâm thần Lê Minh Xuân. Cái duyên mẹ con bắt đầu từ đó.
13 năm qua, bà Hoa yêu thương, chăm sóc Đức như con ruột. Bà lo làm giấy tờ bảo hiểm, xin địa phương trợ cấp cho Đức và tháng nào cũng chở Đức đi bệnh viện khám, lấy thuốc. Hôm nào có việc phải đi đâu đó, bà lại mang thuốc sang nhờ hàng xóm nhắc Đức uống đúng giờ. Ngày ba bữa, Đức ra nhà bà ăn cơm rồi về nhà mình ngủ. Hôm nào không thấy, bà lại bới cơm mang vào. Mỗi tháng một lần, bà qua nhà Đức gom mùng, mền, chiếu, gối về giặt. Những hôm bệnh tâm thần của Đức tái phát, bà phải sang giúp Đức tắm rửa. “Ngày nào, cô cũng nấu nước xách vô tắm cho nó vì khi tắm nước lạnh, nó run cầm cập, cô sợ nó chết. Phải hơn một năm sau, nó mới thuần lại” - bà Hoa kể về lúc đón Đức từ bệnh viện tâm thần.
Tháng 4/2020, căn bệnh chèn tĩnh mạch khiến bà Hoa suýt té ngửa khi nghe hàng xóm báo tin: “Hoa ơi, có người thấy thằng Đức đi chân không ra đường”. “Mày muốn má chết hở Đức?” - bà Hoa ôm ngực khó thở khi tìm được Đức ở chân cầu. Những ngày đó, Đức hay nói nhớ quê. Thấy sức khỏe của mình ngày càng tệ, buộc phải phẫu thuật, bà Hoa quyết định cho Đức về Sa Đéc ở cùng người cậu ruột. Vậy là, gần một năm nay, mỗi tháng, bà Hoa đều đặn gửi cho Đức 1,5 triệu đồng, trong đó có 500.000 đồng tiền cho thuê nhà của Đức, 540.000 đồng do địa phương trợ cấp và số còn lại là tiền túi của bà.
Đức kêu thèm muối tiêu là bà làm muối tiêu gửi về quê cho Đức. Trong thùng đồ gửi về cho Đức, ngoài muối tiêu, còn có sáu cái áo mới, mấy cái quần đùi, hai đôi dép và đủ loại bánh để Đức cúng mẹ. Vài ba ngày, bà Hoa lại gọi điện thoại về quê để nắm tình hình sức khỏe của con. Ông Bảy Tịnh - người hàng xóm từng cùng bà Hoa đi tìm Đức 13 năm trước - khẳng định: “Xóm này nhiều người có cha mẹ mà không bằng thằng Đức đâu nghen”.
Miệt mài làm sạch dòng kênh đen
“Bữa đó mưa to, đường ngập nước. Tui chạy xe mà thấy nước với rác ào ào đổ vô nhà dân. Trên kênh, cỏ với rác ken kín” - ông Nguyễn Ngọc Đức (67 tuổi) nhớ lại chuyện bảy năm về trước. Dòng kênh mà ông nói là kênh Chiến Lược chạy dọc đường Chiến Lược, thuộc P.Bình Trị Đông, Q.Tân Bình, TPHCM. Khi đó, ông Đức nghĩ, nếu tuyến kênh được dọn sạch, khơi thông dòng chảy thì người dân không phải chịu cảnh ngập nước, ngửi mùi hôi triền miên.
|
Hơn bảy năm qua, hằng ngày ông Đức vẫn miệt mài vớt rác trên kênh và làm sạch cảnh quan ven kênh - Ảnh: Tuyết Dân |
Bỏ tiền túi mua đôi ủng, cái liềm và cái cuốc, ông bắt đầu hành trình làm sạch dòng kênh. Lòng kênh là một lớp sình dày, mảnh chai, kim tiêm trộn lẫn, cỏ từ bờ này mọc lút bờ bên kia, mùi hôi thối xộc lên kinh hoàng. Vừa dọn, vừa dò dẫm để tránh bị thương, rác đầy bao tải, ông Đức chở ra đổ ở bãi rác cách đó chừng 2km. Suốt một tháng ròng, ông cũng chỉ làm sạch được hơn 500m lòng kênh.
Vất vả là vậy, nhưng không mấy người ủng hộ việc ông Đức làm. “Họ kêu tui khùng, hỏi tui rảnh hay sao đi làm chuyện tào lao” - ông Đức kể. Có người còn quăng bịch rác to đùng xuống nơi ông Đức vừa dọn cho bõ ghét. Ông Đức lẳng lặng nhặt bịch rác, cho vào bao. Sau ba tháng ròng, kênh Chiến Lược dài gần 2km được dọn sạch. Khi lòng kênh thông thoáng, dòng chảy không còn ứ nghẽn, đường Chiến Lược tự dưng hết ngập. Nhưng, ông Đức chưa hết làm chuyện bao đồng. Từ đó đến nay, mỗi ngày, ông cưỡi chiếc xe máy cà tàng có gắn thùng rác to phía sau, mang theo cây vợt chạy dọc con kênh. Đoạn kênh nào có rác, ông dừng xe lại, vớt lên. “Người ta cứ quen tay quăng bịch ni-lông, vỏ chai, ly nhựa xuống. Rồi lá từ mấy tán cây rụng xuống nhiều” - ông Đức lý giải cái nghiệp mình ôm lấy.
“Niềm vui là cảm xúc thoáng qua. Rồi một tháng, một năm hay nhiều năm trôi qua, nhìn lại sao thấy mình nhiều lần vui quá, vậy mình là người hạnh phúc rồi, đúng không?” - ông Đức vừa vớt rác, vừa hỏi tôi. Hỏi xong, ông lại tiếp tục: “Dọc kênh, có nhiều nhà xây lấn chiếm lắm. Chắc Nhà nước cũng đang tính toán, nếu họ cải tạo mấy chỗ lấn chiếm đó thành công viên nho nhỏ để trồng cây, trồng hoa, chắc con kênh này đẹp lắm”.
Sống tiếp một cuộc đời có ích
Buổi sáng, chị Vũ Ngọc Thúy Phương ủi bộ quần áo, tô chút son môi để bắt đầu một ngày mới. Chị Phương là thành viên ban bảo vệ dân phố P.5, Q.Phú Nhuận, TPHCM, cũng là cán sự tình nguyện, Đội phó Đội Quản lý sau cai của phường.
|
Chị Vũ Ngọc Thúy Phương vui với công việc bảo vệ dân phố |
Chị kể, lúc chị còn là thiếu nữ, cả gia đình chị sống chủ yếu bằng nghề may gia công, nhưng nghèo đến nỗi không mua được chiếc máy may mới. Gia cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất, chị Phương phải bươn chải kiếm tiền, sa chân vào con đường mại dâm, tiếp đó là nghiện ma túy, nhiễm HIV và bị viêm gan siêu vi C. Sau tám lần cai nghiện, đến năm 2006, chị quyết làm lại cuộc đời. Ngày trở về, chị được nhiều người quan tâm. Cảm kích trước những tấm lòng, chị tình nguyện tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, chăm sóc những người trở về sau cai nghiện, người nhiễm HIV. Hiện tại, chị đang trực tiếp quản lý hai trường hợp hồi gia tại phường.
Tham gia công tác bảo vệ dân phố nên trong những lần phá án liên quan đến tệ nạn xã hội, chị Phương luôn có mặt cùng lực lượng chức năng. Chị nói: “Chị quan tâm nhiều đến những phụ nữ có cảnh đời giống mình. Chị đã trực tiếp quản lý năm phụ nữ hoàn lương thì nay hai người đã kết hôn, xây dựng cuộc sống mới, một người được chị giới thiệu tham gia công tác bảo vệ dân phố”.
Mỗi khi có chị em từ trường, trại trở về, chị Phương là người đầu tiên tìm đến, mời ly cà phê rồi động viên và tìm cách giúp đỡ. Là người từng trải nên những lời chị Phương nói đều đúng tâm lý chị em hồi gia. Chính chị cũng là người lầm lỡ, nay đã làm lại cuộc đời. “Mình phải tin mình thì người khác mới tin, cũng như đừng tự kỳ thị mình, người khác sẽ tôn trọng mình” - chị Phương tự nhủ.
Tạo việc làm cho phụ nữ neo đơn
Thấy chị Nguyễn Thị Phúc một mình tần tảo với công việc, người thân và bạn bè khuyên chị bớt làm đi, nhưng chị chỉ cười: “Làm để vui, để cùng nhau có việc làm, để có tiền mua quà bánh cho trẻ con”.
|
Tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ neo đơn, già yếu là niềm vui, hạnh phúc của chị Nguyễn Thị Phúc |
Chị Phúc nay đã ngoài 50 tuổi, không lập gia đình, sống ở xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi, TPHCM. Chị kể, trước đây, chị theo bạn về xã Trung Lập Thượng trồng nấm. Bạn đi định cư nước ngoài, một mình chị tiếp tục xoay xở. Năm 2008, chị dựng trại, đặt mua 2.000 phôi nấm về trồng nhưng thất bại do thiếu kinh nghiệm.
Không nản chí, chị tìm đến Trường đại học Nông Lâm TPHCM học kỹ thuật và tiếp tục kinh nghiệm thực tế từ các trại nấm rồi về gầy dựng lại trại. Đến nay, sau hơn mười năm, chị đã xây dựng được ba trại nấm, mỗi trại 100m2, một phòng thí nghiệm cấy phôi, nhân giống. Trung bình mỗi ngày, chị cung cấp cho thị trường 20kg nấm bào ngư. Mỗi năm, chị trồng thêm hai đợt nấm linh chi với năng suất khoảng 200kg/đợt.
Nhắc đến lợi nhuận, chị Phúc cười: “Làm để có ăn, quan trọng là giúp mọi người cùng có việc làm”. Trại nấm của chị Phúc giải quyết việc làm thường xuyên cho 5-7 phụ nữ lớn tuổi neo đơn và khó khăn, thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Năm nào, chị Phúc cũng góp tiền để chi hội phụ nữ tặng học bổng cho trẻ em hiếu học và tặng quà cho trẻ vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6.
Thu Lê - Phong Vân - Thiên Ân