PNO - Vợ anh thật sự là người luôn lo lắng cho ngày mai của cha con anh. Anh là người đàn ông trụ cột nhưng chưa làm trọn trách nhiệm của mình vì chưa tạo được niềm tin cho vợ...
* Anh nhớ có lần, vợ chồng cự cãi to tiếng về tật “thủ thế” của chị. Đó là lúc anh chị tính chuyện mua nhà. Tích cực cày bừa, tiết kiệm suốt ba năm, hai vợ chồng vẫn chưa đủ tiền mua căn hộ chung cư mơ ước. Khi đó, thời cơ tậu nhà có thể sẽ vuột mất nếu không gom đủ tiền ngay. Anh mở lời nói vợ lấy tiền riêng góp vào, khoản tiền đó đang để không, dùng vào dịp này là rất phù hợp. Biết tính vợ, anh chỉ nói là “mượn”, nhưng chị cũng cự tuyệt ngay. “Biết thế nào ngày mai, em không làm thế được”, chị khăng khăng. Trong thoáng chốc, anh giận muốn điên. Chị sợ mất tiền, sợ anh tráo trở đến thế chăng? Anh quát: Vậy cô lập gia đình làm gì? Cô cứ phòng cái thân cô đi! Anh lao khỏi nhà, tự ái nghẹn giọng.
* Vợ anh là người biết vun vén. Anh cũng trân trọng tính nói thẳng nói thật của vợ. Kể cả những điều tế nhị tưởng như không thể nào nói với chồng, chị vẫn thổ lộ tự nhiên như không. Vì tính vợ như thế, anh mới biết chị thường trích riêng một phần thu nhập để… phòng thân. Hằng tháng, chị chia thu nhập thành nhiều khoản: khoản dành dụm mua nhà, khoản chờ sinh con, khoản “phúc lợi” phòng khi gia đình có người đau ốm, tai nạn, rồi tiền chi tiêu mỗi ngày… Tiền “phòng thân” của chị vốn đã gom góp từ trước khi lập gia đình nên cũng kha khá. Chị cũng giải thích rõ với anh, đây là đề phòng cho “thân chị”, nhỡ một mai không còn lại gì bên cạnh.
Ban đầu anh tự ái ghê gớm. Không phải anh đang là chồng chị sao, không phải anh chị đã thề ước chăm sóc nhau cả đời này sao? Cớ gì chị phải thủ thân như thế? Vợ anh ích kỷ đã đành, lại còn thể hiện rõ ra là không hoàn toàn tin tưởng vào chồng… Anh càng giận vợ hơn khi nghĩ đến má anh ở quê. Cả đời má không tiếc gì cho cha con anh, chưa bao giờ thấy má lo gì riêng cho mình. Cái áo mặc đã cũ mèm má vẫn tiếc, nhưng cứ đầu năm học là anh em anh có áo mới đến trường. Tích góp được bao nhiêu, khi các con lập gia đình là má cho gần hết. Vậy mà vợ anh bây giờ…
Chị lại nói: "Sự thật nó là thế mà. Ngay như chồng cũng đâu tin vợ tuyệt đối!". Cái cách chị giải thích nó hiển nhiên quá, đến nỗi muốn giận cũng khó mà tìm ra lý lẽ. Đó lại là thói quen của chị từ thời con gái, có phải giờ lấy chồng rồi mới sinh “đa nghi” đâu - chỉ do chị lo xa thôi! Chị tranh thủ làm thêm ngoài công việc hành chính lãnh lương hằng tháng để có thêm thu nhập, rồi trích từ đó chút đỉnh “để riêng” - nên nói cho công bằng thì chị không làm gì sai quấy cả.
Nỗi lo của chị, xét cho cùng, là có căn nguyên tội nghiệp: chị lo một ngày mình mất hết, lo một tai ương nào đó khiến chị phải tự bươn chải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng. Nỗi lo ấy không phải vô lý. Phần nhiều phụ nữ vẫn dâng hiến hết mình cho đời sống chung của gia đình mà quên mất chính mình đấy thôi.
Mẹ chị là cái gương nhãn tiền. Anh cũng biết gần cả đời mẹ vợ đã làm lụng vất vả lo cho chồng và ba đứa con. Bố vợ là cán bộ xã, đi thì nhiều nhưng chủ yếu là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chẳng phụ vợ được mấy tí. Đã vậy, ông đi nhiều nên có cơ hội cặp kè, rồi quay ngoắt bỏ rơi vợ con. Một tổ ấm chung xây đắp nhiều năm, thế là đổ vỡ tan tành.
Bố vợ đứng tên tất cả giấy tờ nhà cửa, nên mẹ vợ lúc ấy mới hiểu ra lòng người nông sâu. Ngày bố bỏ đi với nhân tình, mẹ con chị bơ vơ tay trắng… Anh hiểu ám ảnh “phòng thân” của vợ mình xuất phát từ nỗi sợ cụ thể ấy, nhưng không biết làm cách nào để chị yên lòng. Quãng thời gian anh chị đi cùng nhau mới chỉ dăm năm, trong khi cuộc hôn nhân của bố mẹ vợ đã hơn 20 năm vẫn có thể tan nát…
Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock
* Từ sau lần giận vợ ghê gớm ấy, anh không nói gì đến chuyện đó nữa. Vợ cứ “để dành”, anh không ý kiến. Nhưng, tính anh không giận được mãi. Không được thì thôi, anh chị vay ngân hàng, cày cuốc thêm chút đỉnh để trả nợ, cuối cùng cũng đổi được nhà. Rồi anh chị có con, bao thứ phải lo cho con nhỏ, cũng một tay chị vun vén. Khi con trai năm tuổi, bị chẩn đoán suy tim, cả nhà bàng hoàng. Gom tiền hết trong nhà năm ấy không đủ, chị dốc gần hết tiền tiết kiệm bấy lâu để đưa con đi nước ngoài phẫu thuật.
Vợ không nói nhưng anh biết tiền đó từ đâu ra. Cũng lạ, việc “thủ thế” thì chị không cần giấu anh, nhưng khi tự nguyện hy sinh “cái thế” ấy của mình thì chị không nói một câu. Anh sững người nhận thấy chị thật ra cũng hệt như mẹ của anh và mẹ của chị năm xưa - khi rơi vào tình thế phải lựa chọn, họ vẫn luôn chọn gia đình, con cái, không còn cái gọi là ích kỷ phòng thân cho riêng mình. Một căn chung cư năm xưa không phải là thứ quý giá, nhưng con trai thật sự là tất cả đối với chị. Làm sao anh có thể xóa đi được cơn giận đã lỡ trút vào vợ trước đây?
Nhìn vợ đứng ngồi không yên bên giường bệnh của con trai, anh thấy như đang có điều gì đó diễn ra trong mình. Bấy lâu anh không ý kiến, nhưng đúng là anh ngấm ngầm giận vợ. Nay thì cảm giác tức tối đó đột nhiên tiêu tan, anh quay sang giận mình. Vợ anh thật sự là người luôn lo lắng cho ngày mai của cha con anh. Anh là người đàn ông trụ cột nhưng chưa làm trọn trách nhiệm của mình vì chưa làm cho chị yên tâm tin tưởng anh. Anh chỉ muốn bước đến ôm lấy vợ vỗ về, để chị cảm nhận được là anh hiểu, anh yêu thương chị, chị cứ bình yên mà sống bên anh trong cuộc đời chung của hai người, vốn còn rất dài…