Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11: Nhớ một người đưa đò nhiệt huyết

18/11/2020 - 06:02

PNO - Quê dượng Nguyễn Văn Tám ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ra trường còn rất trẻ, dượng chọn về một nơi xa - Chợ Mới, An Giang quê tôi. Một vùng đất nghèo, hẻo lánh, được hồi sinh nhờ công lao của dượng. Nơi đây, dượng gặp cô tôi và gắn bó đến cuối đời.

Hồi đó tôi còn nhỏ lắm, nghe má tôi kể lại, khi dượng nhận nhiệm sở thì nơi đó chưa phải là ngôi trường đúng nghĩa. Phòng học là cái “nhà việc” (nơi mấy ông hương chức hội tề gặp nhau nói chuyện làng nước, đình chùa) nằm trên cái ao rộng mênh mông, muốn vào phải đi qua một cây cầu ván.

Dạy được một thời gian, dượng kêu gọi dân làng chở đất lấp ao, sợ trẻ rơi xuống nước, rồi xin tre lá cất mấy phòng học. Một ngày dượng phải dạy ba ca vì chưa có giáo viên về. 

Thầy Nguyễn Văn Tám
Nhà giáo Nguyễn Văn Tám - dượng tôi 

Như có một làn gió mới, trẻ từ mấy làng bên cũng kéo tới học rất đông. Có người còn đem ghe tới đậu gần trường cho con đi học. Cơi nới thêm hai chái hai bên vẫn không đủ chỗ ngồi, dượng gõ cửa khắp nơi. Cuối cùng thì tám phòng học hình chữ L bằng gỗ, mái tôn khang trang cũng được dựng lên. Ngày khánh thành, chiếc tàu mũi nhọn màu trắng to như cái nhà lầu lừng lững cập bến. Một ông quan chức cùng đoàn tháp tùng đến cắt băng ăn mừng. Cờ xí, tiếng hoan hô của dân làng vang dậy hai bên bờ sông. Mấy trò đua ghe, bơi lội, kéo co, trèo cột thoa mỡ bò, múa lân… tưng bừng nô nức trong ngày hội lớn.

Xếp hàng ở sân trường cùng đám học trò đông nghịt, tôi chợt vỡ òa ngộp thở trong bầu không khí trang nghiêm, trong cái vĩ đại của đám đông, của con người. Với suy nghĩ của một đứa trẻ lúc đó, tôi cảm thấy con đường tìm đến cái chữ sao mà trang trọng và thiêng liêng quá. Cảm giác đó theo tôi nhiều năm sau này, cả đến lúc tôi đã giã từ trường lớp, về hưu…

Thế là ngôi trường tiểu học Nhơn Mỹ A chính thức có mặt từ đó. Trường mới, sách vở còn thiếu thốn, cơ sở vật chất chưa hoàn chỉnh. Không thể ngồi chờ ở trên “rót” xuống, đành phải tự lực cánh sinh. Dượng cải tạo lại một nửa cái ao nuôi cá, thuê đất trồng lúa, khuyến khích học trò xới đất sau hè trồng rau, lập đội lân đi múa dịp lễ tết gây quỹ.

Và “Ngọ phạn điếm” ra đời giúp chỗ ăn chỗ nghỉ buổi trưa cho học trò nghèo ở xa. Hội Phụ nữ cũng được thành lập với tủ thuốc phát không cho những bệnh “thời khí” (từ hay dùng thời đó) thông thường như cảm, sổ mũi, bệnh ghẻ, ho, đường ruột… để người dân hiểu đau bệnh thì uống thuốc, không nên tin vào thầy bùa, thầy pháp. Rồi phong trào thể dục thể thao, điền kinh, nhảy cao, nhảy xa, bóng tròn, đá cầu… ra đời, dân chúng hưởng ứng rất đông.

Học trò học hết lớp Nhất (lớp Năm bây giờ), phải lên tỉnh thi vô Trung học Đệ Nhất cấp. Đa số người dân chưa một lần ra khỏi bến đò đầu làng, dượng đóng vai cha mẹ học trò. Thuê chiếc đò lớn, ai có điều kiện thì dẫn con đi, còn không, dượng gánh hết, lo chỗ ăn chỗ nghỉ (thi hai ngày). Không phụ lòng dượng, học sinh trường tôi năm nào cũng đậu 100% vô trường điểm Thoại Ngọc Hầu. Nhiều thế hệ học trò thành đạt từ cái nôi ấm áp đó.

Tôi vẫn nghĩ những gì thuộc về nghề nghiệp thì bình thường thôi, vì chắc ai cũng làm được. Nhưng hơn 50 năm trước thì lại là một chuyện khác. Đó là những năm cuối của thời kỳ thuộc Pháp, cái thời mà nhà ai cũng phải có hầm tránh đạn; máy bay thì ngày ngày quần nát bầu trời, và tiếng tàu sắt réo ì ầm ngoài sông cái, chĩa họng súng đen ngòm…

Trong loạn lạc, sinh mạng con người còn chưa có gì bảo đảm, vậy mà dượng dám đêm đêm đốt đèn măng-xông “rủ” người ta đến học. Dám lập nhóm nhân dân tự vệ, thay phiên nhau canh gác, tuần tra đề phòng trộm cướp. Dám thắt lưng buộc bụng để người nghèo có viên thuốc khi ốm đau. Nhìn bề ngoài dượng hiền lành, ít nói, lại hơi gầy, có ai ngờ rằng, ẩn sâu bên trong là ý chí, là tinh thần thép. Bản thân dượng cũng đâu có được yên, bị mời lên mời xuống, dòm ngó, theo dõi hoài, nhưng dượng vẫn không hề nao núng, cứ lặng lẽ với công việc của mình.

Cũng không phải vì vậy mà giờ học khô khan, kém lãng mạn. Tiếng đàn măng-đô-lin trong trẻo, tươi vui vẫn vút lên vào những giờ hoạt động thanh niên cuối tuần. Mấy thầy cô dạy hát cho học trò. Những giai điệu hùng ca của Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu theo chân bao đứa trẻ len lỏi khắp ruộng rẫy bưng đồng, khơi gợi tình yêu làng quê xứ sở. Hồi đó khó khăn lắm, mà vui, gần như ai cũng biết hát, biết diễn kịch, lan tỏa từ ngôi trường một thời “lừng danh” của dượng.

Ai đã từng chứng kiến những đêm văn nghệ trường tôi thì biết, nào “cờ lau tập trận Đinh Bộ Lĩnh”, “thù chồng nợ nước Bà Trưng Trắc” hay “Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi/ Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng” - Lý Công Uẩn. Rồi những tiểu phẩm hài cười bể bụng hoặc màn “múa mọi” đùm đề hoa lá với váy, áo, mão… cũng do dượng viết kịch bản, đạo diễn, dàn dựng. Người làng đến coi rần rần, còn khen: “Trời ơi, con nít mà diễn hay còn hơn gánh cải lương về hát đình nữa”.

Cái gì dượng cũng làm được và làm tốt. Đêm trăng sáng, mấy chị mấy thím xúm lại giã gạo chày ba, chày tư cụp cùm cum, dượng cũng tham gia nhưng không cầm chày mà cầm cây tầm vông múa đường roi vun vút, hoặc dạy cho cô tôi, chị tôi mấy thế võ. Hồi đó phụ nữ năng động và mạnh mẽ lắm!

Bây giờ dượng đã yên nghỉ bên cạnh cô tôi trên phần đất ông bà để lại. Lâu lâu về thăm mộ phần cô dượng, tôi không khỏi ngậm ngùi. Qua sông rồi ai còn nhớ kẻ đưa đò? Nhưng riêng với dượng, tôi có một niềm tin sắt đá rằng, ngoài số học trò đông đảo, dượng còn được người làng khắc cốt ghi tâm. Lúc nào dượng cũng là tượng đài sáng chói, rực rỡ cùng niềm kính trọng, nể phục và thương mến. Hơn nửa thế kỷ, lúc nào người dượng, người thầy cũng ở trong lòng tôi, với tất cả lòng biết ơn và ngưỡng mộ. 

Nguyễn Thị Kim Oanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI