Ngày nhà báo, xin gửi bạn đọc những yêu thương

21/06/2021 - 06:36

PNO - Ngày 21/6 đánh dấu một năm làm nghề vất vả nữa lại đi qua. Những người làm báo chúng tôi hạnh phúc khi nhận ra rằng, khi được bạn đọc tin cậy, đồng hành thì những khó khăn của nghề nghiệp sẽ không còn là trở ngại.

Không thể đếm những tin bài do bạn đọc giúp sức

Sáu giờ ngày 23/5, chị Trịnh Thị Kiều Thu, người dân sống ở hẻm 954 Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp, TPHCM - một con hẻm bị phong tỏa - nhắn tin: “Tôi sẵn sàng rồi. Cả nhà tôi sẽ ra bỏ phiếu rồi chụp hình bà con đi bầu cử gửi cho nhà báo”. Hơn 7 giờ, chúng tôi đã có những tấm ảnh đầu tiên. Cùng lúc ấy, từ xã đảo Thạnh An, H.Cần Giờ, chị Trần Vân Giác, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, cũng gửi về cho chúng tôi những tấm ảnh chụp cảnh người dân ở ấp Thiềng Liềng, nơi xa xôi và khó khăn nhất của xã đảo, đi bỏ phiếu…

Phóng viên tác nghiệp an toàn trong các khu cách ly nhờ sự giúp đỡ của các y, bác sĩ
Phóng viên tác nghiệp an toàn trong các khu cách ly nhờ sự giúp đỡ của các y, bác sĩ

Đến giữa trưa, trước khi có thông tin của Ủy ban Bầu cử, chị Kiều Thu báo tin: 100% cử tri trong hẻm đã thực hiện xong quyền công dân. Chiều muộn, từ đảo xa, chị Giác cũng phấn khởi: Dân Thạnh An đều đã đi bầu đông đủ. Hôm ấy tin tức về bầu cử của Báo Phụ Nữ TPHCM được gửi về từ khắp mọi miền đất nước, ngồn ngộn sắc màu. Được như thế, Báo Phụ Nữ TPHCM phải nhờ cậy và được nhiều bạn đọc như chị Thu, chị Giác nhiệt tình giúp sức. Để có được những góc hình đẹp, có tính thời sự cao về ngày bầu cử, một nữ cộng tác viên của báo đã… rớt xuống sình.

Nói đến công lao của bạn đọc đằng sau những bài báo, chúng tôi không thể không nhắc đến luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM).

Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng trong suốt hơn một năm qua, bà và các luật sư của Hội vẫn kiên trì đồng hành cùng chúng tôi làm báo, can thiệp cho hàng chục trẻ em bị xâm hại tình dục và bạo lực gia đình ở TPHCM và khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Bà chưa bao giờ từ chối bất cứ lá đơn nào của bạn đọc.

Mới đây nhất, trong vụ “chặn đường cướp con” (bài “Cần can thiệp khẩn cấp vụ chặn đường cướp con”, Báo Phụ Nữ TPHCM số ra ngày 31/5), dù ngay trong những ngày thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, nhưng cùng với Báo Phụ Nữ TPHCM, bà và các luật sư ở Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã giúp nạn nhân kịp thời thảo đơn và gửi công văn yêu cầu Công an H.Bình Chánh khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự những người có liên quan…

Luật sư Nữ nói: “Truyền thông có tốt thì người ta mới có niềm tin, biết đường mà kêu cứu cho đúng chỗ”. Với quan niệm đó, cùng với việc trợ giúp các nạn nhân, bà còn đồng thời hỗ trợ giới nhà báo tác nghiệp. Nhiều vụ việc ở các tỉnh xa, chúng tôi không thể có mặt trong các phiên xét xử, ngoài cáo trạng và nội dung phiên xét xử, bà còn tranh thủ chụp ảnh, quay clip phỏng vấn những người liên quan để hỗ trợ chúng tôi. 

Dù chỉ một năm thôi thì chúng tôi cũng không thể đếm được hết những tin bài được bạn đọc báo tin hay giúp sức. Thông tin của bạn đọc gửi về báo là hết sức phong phú, từ phản ánh tiêu cực, cảnh báo về nạn lừa đảo đến những thông tin khen ngợi hoặc đề nghị trợ giúp người khó khăn. Nhiều thông tin đã được phóng viên xác minh, tìm hiểu để thành bài viết được đông đảo bạn đọc quan tâm, như các bài: “Quán cơm 2.000 nhà má Hai Xuân”, “Mẹ Việt Nam Anh Hùng chọn cơm rau nhường lương hưu chống dịch”, “Nữ biệt động nhí năm xưa và cây gạo ATM độc đáo ở Sài Gòn”… 

Xin gửi yêu thương đến bạn đọc

Tháng 12/2019, dịch COVID-19 xuất hiện ở Trung Quốc cũng là lúc phóng viên phụ trách mảng y tế của các báo phải quan tâm tìm hiểu về dịch bệnh này. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo dịch bệnh khá nguy hiểm, có thể tấn công vào Việt Nam. 

Các chị cán bộ Hội LHPN Q.Gò Vấp vừa miệt mài nấu nướng phục vụ tuyến đầu chống dịch, vừa cắt cử nhau chụp ảnh, làm tin tuyên truyền, gửi Báo Phụ Nữ TP.HCM thông tin cùng  độc giả ngay vùng phong tỏa
Các chị cán bộ Hội LHPN Q.Gò Vấp vừa miệt mài nấu nướng phục vụ tuyến đầu chống dịch, vừa cắt cử nhau chụp ảnh, làm tin tuyên truyền, gửi Báo Phụ Nữ TPHCM thông tin cùng độc giả ngay vùng phong tỏa

Tháng 2/2020, ở Việt Nam xuất hiện ca bệnh đầu tiên khi một người từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc sang thăm con trai. Từ đó, báo chí phải liên tục cập nhật những thông tin liên quan để giúp độc giả hiểu về dịch bệnh, cơ chế lây nhiễm của virus SARS-CoV-2, cũng như cách phòng ngừa… 

Dịch bệnh quá mới, chỉ cần một chi tiết viết chưa đúng sẽ dễ làm hoang mang dư luận. Để có những thông tin chính xác và kịp thời, chúng tôi đã không biết bao lần làm phiền các y, bác sĩ, vào bất cứ lúc nào, thậm chí là đêm khuya.

Dịch bệnh phức tạp, nhiều lần các bác sĩ phải chạy đua với “tử thần” để giành giật từng mạng sống. Không ít lần chúng tôi phải đợi nhiều tiếng đồng hồ chỉ để được gặp bác sĩ trong vài phút. Ấy vậy mà nhiều khi chưa về đến tòa soạn, chúng tôi lại nhận được tin nhắn báo “Anh vừa gửi. Em kiểm tra email nhé!”. Thư gửi là trọn vẹn nội dung cuộc phỏng vấn kèm lời xin lỗi: “Lúc nãy anh mệt quá nên hơi bất nhã. Thông cảm cho anh nhé”.

Cũng từ những lần như thế, chúng tôi hiểu hơn về sự nhọc nhằn của các y, bác sĩ và ngược lại, họ cũng hiểu và thông cảm với công việc truyền thông của chúng tôi hơn.

Tôi sẽ không bao giờ quên những lần vào khu cách ly tập trung, nhân viên y tế dặn đi dặn lại rằng, người tôi sắp trao đổi thuộc đối tượng nguy cơ nên đừng chạm vào bất cứ vật dụng gì trong phòng và phải “ráng chịu nóng với bộ đồ bảo hộ”. Quả thật, ngay sau khi xong công việc, cởi bộ đồ bảo hộ ra, tất cả chúng tôi đều kêu lên rằng: “Không thể tưởng tượng nổi các anh chị có thể mặc nó trong nhiều giờ liền!”.

Về nguyên tắc dịch tễ, có những nơi phóng viên không thể vào, các bác sĩ ngoài việc chia sẻ thông tin còn tình nguyện chụp ảnh, giúp phỏng vấn người này người kia. Có lần, chúng tôi vô tình bắt gặp một nữ bác sĩ đang ru con ngủ qua điện thoại khi con gái thèm được mẹ ru. Chúng tôi cũng từng đọc được những trang nhật ký của một chị điều dưỡng kể lại rằng, buổi sáng chị chăm các bé tại khu cách ly, buổi chiều về đóng cửa tự "nhốt" mình trong phòng để giảm nguy cơ cho cả nhà. Con gái nhớ mẹ, hai mẹ con tựa lưng vào cánh cửa phòng kể chuyện cho nhau nghe…

Tất cả mọi sự giúp đỡ, hoặc vô tình hoặc hữu ý, đã giúp chúng tôi có cái nhìn thấu đáo hơn về nghề nghiệp, để từ đó có thể phản ánh chân thực nhất mọi vấn đề đang diễn ra nơi tuyến đầu chống dịch. 

Ngày 21/6 đánh dấu một năm làm nghề vất vả nữa lại đi qua. Những người làm báo chúng tôi hạnh phúc khi nhận ra rằng, khi được bạn đọc tin cậy, đồng hành thì những khó khăn của nghề nghiệp sẽ không còn là trở ngại.

Ngày 21/6, Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi xin gửi những bó hoa, những lời chúc mừng yêu thương đến tất cả những nhà báo - bạn đọc - của mình. 

Phạm An - Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI