Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM đã gửi lời thăm hỏi ân cần đến các lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động; cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước; đại biểu và người dân thành phố…
|
Nhiều tiết mục văn nghệ tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc |
Nhắc lại những ngày tháng hào hùng Nam bộ kháng chiến, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói: "Mỗi năm, cứ đến ngày 23/9, dù đang sống hay làm việc ở đâu, trong tâm trí của những người dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM và đồng bào Nam Bộ lại vang lên khúc hát: “Mùa thu rồi ngày 23 ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”.
|
Các tiết mục văn nghệ để lại niềm xúc động sâu sắc, khơi gợi tinh thần yêu nước của dân tộc |
Vào những ngày mùa thu lịch sử năm 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám trên khắp cả nước đã giành được thắng lợi. Đất nước ngay sau đó đối diện với vô vàn khó khăn: phía Bắc, 20 vạn quân Tưởng lợi dụng danh nghĩa đồng minh vào giải giáp quân Nhật hòng thôn tính chính quyền cách mạng non trẻ của ta. Phía Nam, thực dân Pháp núp sau lưng đồng minh Anh - Mỹ kéo vào Sài Gòn âm mưu áp đặt lại ách đô hộ trên đất nước ta.
|
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thay mặt lãnh đạo thành phố, gửi lời tri ân đến các lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng... |
Đêm 22, rạng 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp gây hấn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Như vậy, chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập; nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng niềm vui hòa bình, độc lập, tự do thì lại phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu.
|
Buổi họp mặt có sự tham gia của nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố |
Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn đã anh dũng đánh trả quyết liệt, giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ, thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, một hội nghị được triệu tập khẩn cấp ở phố Cây Mai - Chợ Lớn để phân tích, đánh giá tình hình. Sáng cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ - ông Trần Văn Giàu đã phát lời kêu gọi: “Độc lập tự do hay là chết”! Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược...”.
|
Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố tham dự cuộc họp mặt |
Đáp lời, cả nước đã dấy lên phong trào ủng hộ kháng chiến Nam Bộ.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, từ những sự kiện lịch sử “Ngày Nam bộ kháng chiến” đã cho nhiều bài học kinh nghiệm, như sức mạnh đoàn kết chiến đấu một lòng đã thể hiện rất rõ ở tất cả các tầng lớp nhân dân…
|
Buổi họp mặt có sự tham gia của các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân... |
Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển, thành phố đã đạt được những thành quả to lớn có ý nghĩa lịch sử, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của các thế hệ đi trước.
Đặc biệt gần 35 năm đổi mới, thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế tăng trưởng khá, tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước về tốc độ và quy mô; xây dựng nhiều công trình hạ tầng trọng điểm… Thành phố cũng là một trong các địa phương đầu tiên của cả nước nghiên cứu, triển khai xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh và đã đạt được một số kết quả.
|
Ông Nguyễn Trọng Xuất - Phó chủ tịch thường trực CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM kể về không khí hào hùng của những ngày Sài Gòn quyết giữ lời thề non sông... |
Theo ông Phong, tới đây, thành phố tiếp tục đồng lòng, phát huy thế mạnh, vượt qua những khó khăn và thách thức tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội lần thứ 13 của Đảng; lấy sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo kết quả sự lãnh đạo; tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập...
Triển lãm ảnh chào mừng Kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ Kháng chiến
Sáng 22/9, TPHCM đã tổ chức triển lãm ảnh Sáng mãi danh hiệu vẻ vang “Thành đồng tổ quốc”, với hơn 200 ảnh tại 3 điểm trong trung tâm thành phố.
Ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố, nhấn mạnh: “75 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của Ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945 vẫn còn vang vọng mãi trong lòng người dân chúng ta, mùa thu năm ấy luôn là niềm tự hào, là nguồn động viên nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ vững bước tiến lên dưới lá cờ vẻ vang của Đảng trên con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày càng giàu đẹp hơn”.
Triển lãm diễn ra từ ngày 22 đến 30/9/2020 tại 3 địa điểm: Công viên Lam Sơn với chủ đề “Sáng mãi danh hiệu vẻ vang “Thành đồng tổ quốc”; đường Đồng Khởi (phía trước Sở Văn hóa và Thể thao) với chủ đề “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Vững vàng tiến bước”; đường Đồng Khởi (đối diện công viên Chi Lăng) với chủ đề “Sức trẻ TP. Hồ Chí Minh - Vang mãi tinh thần Nam bộ kháng chiến”.
|
Nghi thức khai mạc triển lãm |
|
Lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu tham quan, nhìn lại một giai đoạn lịch sử đã đi qua tại buổi triển lãm |
Tuyết Dân, Tam Nguyên