Ngày mưa, "thương nhớ" những món bún đậm đà hương vị

20/09/2020 - 15:00

PNO - Khi những cơn mưa nặng hạt dần bao phủ khắp tuyến đường, không ít người thấy nhớ nhớ thương thương một món bún nóng hổi, đậm đà hương vị.

bún bò huế
Bún bò Huế: Vào những ngày mưa, nếu có dịp chạy ngang một gánh hay quán bán bún bò Huế, bạn sẽ khó kiềm lòng với hương thơm thoang thoảng của sả, của mắm ruốc tỏa ra từ nồi nước dùng đang sôi sùng sục, lan trong không khí. Những lúc ấy, nếu không có việc gấp, không ít người cho phép mình tấp xe vào quán, gọi một tô nóng hổi rồi vừa xì xụp vừa ngắm mưa rơi qua khung cửa kính. 
bún cá
Bún cá mê hoặc thực khách với hương thơm đậm đà của thứ nước lèo được gia giảm mắm cá linh và mắm cá sặc. Điều thú vị của bún cá là dù có cùng nguyên liệu chính (cá lóc), nhưng mỗi tỉnh miền Tây lại có cách xử lý và chế biến khác nhau, song thường là tách phần thịt cá sau khi luộc chín, xào cùng các loại gia vị, nhất là nghệ tươi. 
bún mắm
Bún mắm có nguồn gốc từ Campuchia. Trong nguyên bản, món ăn này được nấu từ mắm pohook, khi du nhập vào các tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long để phù hợp khẩu vị, người dân ở vùng đất này đã thay thế mắm pohook bằng mắm cá linh và mắm cá sặc. Ảnh: Bếp Á-Âu
bd
Bún Thái có nguồn gốc từ đất nước chùa Vàng. Ngay khi xuất hiện, sự hòa quyện của những loại gia vị đặc trưng của ẩm thực Thái và các loại hải sản tươi ngon, giúp món ăn nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhiều thực khách. Khi thưởng thức bún Thái, nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận ra hương thơm và vị ngot đặc trưng của mắm ruốc đã được xử lý khéo. 
bún cá rô
Là một trong những món bún quen thuộc của miền Bắc, bún cá rô đồng chiều lòng thực khách - những người ngày mưa muốn ăn món gì nóng nóng, thơm thơm béo béo với hương vị đặc trưng của mắm tôm và dấm bỗng. Bún cá rô có vị thanh của nước dùng được nấu từ xương heo và xương cá theo tỷ lệ nhất định; cái béo giòn của cá rô chiên; xanh mát và tươi ngọt của các loại rau nhiều tinh dầu như cần nước, thì là...
canh bún
Vào những ngày mưa, tô canh bún hay bún đỏ hút thực khách với hương thơm của mắm tôm và miếng riêu cua thơm lừng, béo ngậy. Khác với các loại bún khác, canh bún chỉ có hai loại rau ăn kèm là rau muống luộc và rau nhút trụng. Mỗi loại rau có hương, vị khác nhau nhưng đều kết hợp hài hòa với loại nước dùng có màu đỏ đặc trưng. 
bún riêu
Cũng có riêu cua, có huyết, có đậu hủ trong món ăn và có mắm tôm trong nước dùng, nhưng bún riêu mang đến cho thực khách vị giác khác hẳn. Sự khác biệt ấy có thể đến từ những cọng bún nhỏ xinh, từ vị dấm bỗng chua nhẹ. Vị ngon ấy có thể đến từ một thành phần trong tô bún, có thể là sự tổng hòa của tất cả. Đôi khi, là từ cảm quan của người dùng. 
bún mọc
Bún mọc còn có tên gọi khác là bún mộc, là món ăn bắt nguồn từ làng Mọc, Nhân Chính, nay là quận Thanh Xuân, Hà Nội. Như tên gọi, mọc (thịt quết nhuyễn với bột và gia vị hay còn gọi là chả giò sống) là điểm nhấn cũng là yếu tố chính của món ăn. Tùy sở thích, khẩu vị, người nấu có thể biến tấu mọc thành nhiều món khác nhau như trộn cùng thịt cua thì mọc thành chả cua, hấp chín thì là chả lụa, chiên thì thành chả chiên. Với mỗi sự kết hợp hay chế biến khác nhau, mọc lại mang trong mình hương vị khác nhau song đều thơm, ngọt. 

An Huỳnh

 
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI