Ngày mai trời lại sáng

07/04/2019 - 06:00

PNO - Với nhiều nạn nhân bị tấn công tình dục, quá khứ đã chốt chặt cánh cửa tương lai. Mặc cảm và ghét bỏ chính mình là cảm xúc xuất hiện ở nhiều nạn nhân.

Angelica, 15 tuổi, sống ở Philippines, đã bị tước mất nụ cười hồn nhiên, sau khi bị tấn công tình dục thuở còn rất nhỏ. Chuỗi ngày lớn lên của Angelica đầy hoang mang, sợ hãi, bởi những hình ảnh khủng khiếp cứ tái hiện trong em. 

May mắn cho Angelica, em đã tìm thấy ánh sáng hy vọng, dứt bỏ nỗi sợ hãi, nhờ chương trình rèn luyện kỹ năng tự vệ của vận động viên võ thuật Meggie Ochoa.

Ngay mai troi lai sang
Meggie Ochoa dạy võ cho một bé gái

Đến lớp võ của Meggie Ochoa hầu hết là những cô gái trẻ, phụ nữ từng bị tấn công, xâm hại, lạm dụng tình dục. Rèn luyện võ thuật được ví như liệu pháp giúp các nạn nhân đẩy lùi những sang chấn còn sót lại, giúp họ tự tin đối diện với ngày tháng phía trước.

Một trong những ung nhọt gây nhức nhối nhất ở Philippines chính là nạn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. Theo ước tính, Philippines có 60.000-100.000 trẻ em bị xô đẩy vào thảm cảnh này. Các tổ chức từ thiện hoạt động vì trẻ em ở Philippines hầu hết có cùng mục tiêu tìm kiếm ngày mai tươi sáng cho các bé gái. Đó là lý do thôi thúc Meggie Ochoa (3 lần vô địch nhu thuật thế giới) thành lập võ đường dành cho những cô gái trẻ, để họ được là chính mình, được tự hào mà không cần phải né tránh bản thân, bởi quá khứ bị mọi người xung quanh cho là dơ bẩn.

Meggie Ochoa chia sẻ: “Nhiều bé gái tôi gặp luôn thể hiện và tin rằng, các em là người vô dụng, bởi bi kịch đã trải qua. Tôi hiểu và đau lòng vô cùng”. Dự án Chiến đấu để bảo vệ đã hoạt động được gần hai năm. Meggie Ochoa đã dạy cho hàng trăm nạn nhân từng bị xâm hại.

Khi Meggie Ochoa triển khai dự án, có nhiều luồng ý kiến cho rằng, việc tiếp xúc, va chạm da thịt khi thực hiện các động tác võ thuật sẽ khiến nạn nhân nhớ lại ký ức u tối. Trên thực tế, đây lại là cách giúp các nạn nhân xây dựng phản xạ phản kháng và yêu quý, tôn trọng cơ thể mình hơn.

Cô bé Angelica chia sẻ: “Võ thuật dạy tôi sự kỷ luật, tự tin và dám đối diện với nỗi sợ hãi. Giờ đây, tôi có thể chạm trán những vấn đề mình từng trốn tránh và thoải mái hơn khi tương tác, tiếp xúc với mọi người”. Trước đây, Angelica luôn nghĩ mình chân yếu tay mềm nên cách thể hiện của em luôn khiến người đối diện thấy đây là cô bé ngoan ngoãn. Còn bây giờ, ánh mắt Angelica tự tin hơn, những cử chỉ của em uyển chuyển nhưng dứt khoát, tạo nên phong thái mạnh mẽ hơn hẳn.

Trên thế giới từng có những sáng kiến tương tự như Chiến đấu để bảo vệ. Đó là ý tưởng của vận động viên Olympic môn võ judo người Mỹ - Kayla Harrison. Kayla từng là nạn nhân bị chính huấn luyện viên của cô xâm hại tình dục. Cô mở lớp học tự vệ, ngoài việc giúp đỡ người khác, cũng là tự giúp mình thoát khỏi nỗi giày vò năm xưa.

Cô gái người Jordan - Lina Khalifeh (đai đen taekwondo) cũng dạy võ tự vệ cho hàng ngàn phụ nữ. Năm 2015, cô được đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama mời đến Nhà Trắng, để gửi lời khen đến cô.

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI