Ngày mai, sẽ thêm một lần đứng dậy

25/12/2022 - 11:47

PNO - Anh ra mở cửa nhưng không cho chị vào nhà mà chỉ giật chùm chìa khóa. Nhìn cánh cửa đóng sầm trước mặt mình, chị tủi nhục đến bật khóc.

 

Chị tổn thương, không tin nổi chồng có thể đuổi mình khỏi nhà (Ảnh minh họa)
Chị tổn thương, không tin nổi chồng có thể đuổi mình khỏi nhà (Ảnh minh họa)

12 giờ đêm, chị đứng trước cổng nhà, đôi tay cầm giỏ quần áo run lên bần bật vì giận, vì tổn thương, vì không thể tin nổi người chị gọi là chồng vừa giật chùm chìa khóa nhà và đóng sập cửa trước mặt chị. 12 giờ đêm, chị biết đi đâu?

Chị và chồng sống với nhau đến nay đã ngót nghét 12 năm. Chị và anh rổ rá cạp lại, ai cũng từng đổ vỡ, cảm thông hoàn cảnh của nhau mà dọn về ở chung nhà chứ chẳng cưới hỏi gì.

Anh có 2 cô con gái đã theo mẹ sang Mỹ. Chị cũng có đứa con gái ở cùng bên nội, mẹ chỉ ghé qua thăm hỏi con và chu cấp tiền học. Ngày dọn về nhà anh, chị mừng lắm vì thoát cảnh ở thuê, lại dư ra một khoản để dành.

Thời gian đầu, cuộc sống khá êm ấm. Anh có nghề thợ điện, làm nhiều năm có mối quen nên rủng rỉnh sống qua ngày. Chị có sạp hàng nhỏ ngoài chợ, túc tắc đồng ra đồng vào. Biết chị còn phải lo cho con gái, anh lo hết chi phí điện nước, chợ búa… trong nhà. Tiền chị kiếm được chỉ để dành tiêu xài và lo cho con riêng. Chị thấy may mắn vì có người chồng rộng rãi như anh.

Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, anh trở nên trái tính trái nết, thường xuyên tụ tập bạn bè chè chén đến khuya. Anh vẫn lo chi phí trong nhà nhưng ít quan tâm đến chị, thỉnh thoảng còn cộc cằn, nổi nóng. Anh đi đâu cũng được, nhưng chị vắng nhà chừng vài tiếng là không xong.

Có lần cãi nhau, anh bảo: “Không ở được thì dọn đi”. Chị ngỡ ngàng.

Qua hôm sau, anh xin lỗi và bảo lỡ lời do giận chị hay cãi chồng. Chị cũng cho qua nhưng hình như "nói được quen thói", cứ mỗi lần gây nhau, anh lại nhăm nhe muốn đuổi chị đi.

Chị buồn bực, tổn thương, cũng định dọn đi, nhưng nghĩ con gái chỉ mới năm thứ hai đại học, còn 2 năm nữa mới ra trường. Dọn đi, chị phải thuê nhà, không kham nổi chi phí, vậy là chị ráng nhịn nhục cho qua.

Hằng ngày, chị cố gắng tránh va chạm với anh, dẹp bỏ tự ái mà cơm bưng nước rót. Chị nghĩ ráng hai năm nữa, chờ con ra trường, chị sẽ dọn đi cho anh khỏi phải phiền lòng.

Cách đây mấy hôm, cháu gái chị đổ bệnh nặng, em ruột chị một thân một mình lo không xuể nên nhờ chị ra vào viện phụ một tay. Chị xin phép anh nhưng có vẻ anh không hài lòng, dù cũng ậm ừ cho qua. Chị cố gắng bớt giờ bán hàng vào với em và cháu, tranh thủ mỗi ngày về sớm cơm nước để không phải khiến anh khó chịu.

Nhưng hôm nay, cháu gái chị trở nặng và cấp cứu. Em gái chị vì quá lo lắng mà ngất xỉu. Một mình chị vừa lo em vừa lo cháu, lu bu trong bệnh viện đến tận khuya. Anh gọi hơn 10 cuộc giục chị về nhưng chị không làm sao dứt ra được. Cuộc gọi cuối cùng, anh bảo: “Đi luôn đi, đừng về!”.

Nghĩ anh chỉ dọa như mọi lần, chị cố gắng lo cho em và cháu ổn thỏa xong rồi tất tả chạy về nhà lúc 12 giờ đêm. Chẳng ngờ, anh ra mở cửa nhưng không cho chị vào nhà mà chỉ giựt lấy chùm chìa khóa. Nhìn cánh cửa đóng sầm trước mặt mình, chị đau đớn và tủi nhục đến bật khóc.

Ngày mai sẽ là một ngày mới, khởi đầu mới, nhất định thế (Ảnh minh họa)
Ngày mai sẽ là một ngày mới, khởi đầu mới, nhất định thế (Ảnh minh họa)

12 giờ đêm, chị lang thang khắp các con đường, cám cảnh nghĩ vì mình ăn nhờ ở đậu nên bị đối xử tệ bạc. Chẳng ngờ chừng ấy năm tình nghĩa mà giờ anh nỡ hành xử như thế.

Vừa đi vừa khóc, chị cũng biết chẳng thể trông chờ gì sự sửa đổi ở người đàn ông này. Ngày mai, chị sẽ đi thuê nhà trọ và dọn đi.

Ngày mai, ngoài giờ bán hàng ngoài chợ, chị sẽ đi làm thêm lao công, tạp vụ, giúp việc nhà theo giờ… Vất vả cũng được, rau cháo cũng được, chỉ cần đồng tiền lương thiện do mình làm ra, sẽ không ai có thể đuổi chị giữa đêm như vậy nữa.

Ngày mai, chị nhất định sẽ mạnh mẽ hơn, thêm một lần nữa đứng dậy làm lại cuộc đời.

Trần Khoa Yêng Hạ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI