Ngày mai sẽ là một ngày khác

07/10/2015 - 16:41

PNO - TPP liệu có tác động nào sát sườn hơn với những người phụ nữ vẫn tần tảo đi làm, vun vén việc nhà và âu lo cho con cái?

Cuộc họp báo công bố hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hôm 5/10/2015 đánh dấu một mốc lớn của hợp tác và phát triển. Dường như bên này đại dương, nhiều người có thể cảm thấy nhịp đập vui sướng khôn tả của những thành viên đoàn đàm phán Việt Nam bên kia bờ đại dương. Ngày mai sẽ là một ngày khác.

Hầu hết các đánh giá đã nhìn nhận tác động tích cực của TPP đối với Việt Nam về kinh tế. Đó là những lợi ích về thuế quan khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường lớn với thuế suất lùi về 0%.

Đó là tiềm năng lớn cho tương lai khi các doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường dịch vụ thương mại và đầu tư với ít rào cản hơn. TPP sẽ thúc đẩy nền kinh tế còn nhiều khuyết tật của chúng ta trở nên lành mạnh hơn. Những thách thức, trở ngại, khó nhọc đương nhiên cũng sẽ nhiều.

Vậy TPP liệu có tác động nào sát sườn hơn với những người phụ nữ vẫn tần tảo đi làm, vun vén việc nhà và âu lo cho con cái? Chắc là có nhiều, dẫu rằng, những tác động ấy khó nhìn thấy ngay trên bề mặt cuộc sống.

Việc tham gia TPP sẽ dẫn đến bắt buộc thiết lập những chuẩn mực mới về hàng hóa. Hàng xuất khẩu sẽ nhanh chóng “rủ rê” hàng hóa tiêu dùng nội địa tăng chất lượng. Cuộc chơi song hành này sẽ khiến các bà nội trợ mỉm cười, mặt dãn ra vì yên tâm. Tại sao thế?

Ngay mai se la mot ngay khac
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Cái đáng sợ hiện nay trong tiêu dùng là sự lừa dối, lập lờ đánh lận con đen. Mua một mớ rau, miếng thịt, con cá, người tiêu dùng đang phấp phỏng, liệu có dư lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh, chất độc hại nào nữa?

Người tiêu dùng, người phân phối và người sản xuất cứ phải trả tiền cho nhau với sự dè dặt vì không tin tưởng. TPP không phải là đũa thần, nhưng chuẩn mực nghiêm ngặt sẽ gây dựng dần lòng tin. Và lòng tin sẽ làm giảm tâm lý chụp giựt, muốn kiếm lợi nhanh bằng mọi giá.

Để sản xuất hàng hóa đủ chuẩn thì nhân lực phải đủ chuẩn. Như vậy, việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị của thị trường hàng hóa toàn cầu sẽ thúc đẩy giáo dục, đào tạo dịch chuyển về chất lượng.

Những biện giải “do điều kiện đặc thù” để níu kéo những chương trình dạy - học lạc hậu sẽ phải tiêu tán dần. Việc thay đổi của nền giáo dục theo hướng tân tiến và hữu dụng là bắt buộc. Người mẹ nào cũng đều mong từng chiếc cặp của con mình đi học sẽ nhẹ nhõm hơn.

Và câu hỏi khi con từ trường trở về sẽ là “Hôm nay con học có vui không?”. Chất lượng giáo dục không đo lường bằng những điểm số gượng gạo, mà phải đo bằng kỹ năng, kiến thức hữu ích, và niềm vui của con trẻ.

Với TPP, một nền giáo dục tử tế sẽ không chỉ còn là kỳ vọng. Đương nhiên, chúng ta sẽ phải mất nhiều năm để có một mặt bằng chất lượng giáo dục cao. Nhưng đây là thời điểm quan yếu để có sự khởi đầu. Không bước đi thì không có con đường.

Chỉ lấy hai ví dụ là bữa cơm hàng ngày và việc học hành của con cái, để thấy rằng TPP sẽ không phải là chuyện ở đâu đó xa xăm. Thúc ép của TPP sẽ rất mạnh mẽ và liên tục, dù có thể là chưa hiển thị bằng kết quả ngay tức khắc.

Mỗi gia đình là một phần nhỏ của xã hội. Sự dịch chuyển của xã hội trong tiến trình hình thành quy chuẩn mới sẽ làm thay đổi dần nhận thức hành vi của từng thành viên trong phần lớn các gia đình. Ở chiều ngược lại, từng gia đình thay đổi, xã hội cũng khác đi. Đó là sự tương hỗ tất yếu. Tác động của TPP đến tăng trưởng kinh tế dễ đo đếm bằng các chỉ số.

Tác động của nó đến xã hội, tâm thế sống, thái độ nhận và cho của mỗi người sẽ khó đo lường hơn nhiều. Nhưng cuộc sống như một chiếc đồng hồ, những bánh răng phải quay khớp nhau thì những chiếc kim mới chạy chính xác. Đó là lý do để tin rằng, tương lai gần sẽ có những sự thay đổi tốt lành. TPP là cú hích lớn cho tâm thế mới, cho đoạn đường mới không chỉ của quốc gia, mà còn cho mỗi gia đình và cá nhân.

Vũ Thượng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI