PNO - Những thế hệ tiếp theo sẽ không còn là đội lót đường trong các bảng đấu cũng từ những thành quả khiêm tốn hôm nay. Mọi chuyện bắt đầu từ hôm nay như lời của một bài hát nổi tiếng: "Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay".
Những nữ cầu thủ đầu tiên của Việt Nam trong đội bóng Cái Vồn xa xưa không thể nào hình dung có ngày thế hệ con cháu của mình được ra sân trên đấu trường World Cup danh giá. Ngay cả những nhà lãnh đạo thể thao có tâm, có tầm, có dũng khí như Trần Mai Ngữ, Hoàng Vĩnh Giang… chắc không ngờ những hạt giống phong trào mình gieo năm nào đã trở thành những trái quý. Vài hôm nữa thôi, khán giả khắp năm châu sẽ nhìn theo sải bước của các nữ cầu thủ bóng đá Việt Nam, được gọi trìu mến là “những cô gái kim cương”, khi họ thi đấu với đội đương kim vô địch bóng đá nữ thế giới, đội tuyển Mỹ.
Các cô gái Việt Nam sẽ có trận gặp tuyển nữ Mỹ
Sẽ không có một phép màu nào đâu, khi trận đấu giữa một đội hạng 33 gặp đội hàng đầu, giữa một đội lần đầu tiên được dự chung kết World Cup thi đấu với một đội đã 4 lần vô địch thế giới, 4 lần vô địch Olympic. Sẽ là một trận đấu mà tỉ số có thể nhiều hơn cả 1 sec đấu tennis. Một trận đấu mà đội yếu hơn hẳn ghi được bàn vào lưới đội mạnh là một mơ ước khá viển vông. Khi mà tỉ số bàn thắng với đội yếu được lấy ra so sánh với nhau để xếp hạng.
Nhưng có hề gì đâu, đến được New Zealand đá World Cup là thành quả của nhiều thế hệ nữ cầu thủ. Thành quả bắt đầu từ sự nỗ lực của một nhà trí thức muốn đưa bóng đá nữ như một biểu tượng của sự bình đẳng giới ở những năm 30 của thế kỷ trước. Thành quả đến từ công sức của nhiều nhà quản lý thể thao, muốn vượt qua những định kiến bảo thủ, bóng đá là trò chơi của đàn ông.
Còn nhớ từ rất lâu khán giả đến xem trận đội bóng nữ đá với đội nam lão tướng chỉ vì hiếu kỳ “xem đàn bà đá bóng” ra sao. Trong trận đấu ấy, mấy cầu thủ, được gọi là lão tướng đó không dám tranh chấp xô, lấn, đành phải nhường nhịn nhìn các cô càn lướt để rồi lắm khi bị thua trận, bị mang tiếng là do “nịnh đầm”. Đến lúc các cô được đá với nhau. Và rồi có hẳn một giải quốc gia cho chính mình, quả là một bước tiến dài. Thành quả đó trước tiên là do chính những cô gái đá bóng nhiều thế hệ. Thế hệ của người sẽ được ra sân đấu trong những ngày sắp tới, thế hệ của người đang là huấn luyện viên đội tuyển hay của các đội câu lạc bộ, và cả của những người rời xa bóng đá đã lâu. Những con người ấy chắc là sẽ không cầm được nước mắt khi nhìn thấy Huỳnh Như, Hải Yến, Dương Thị Vân… nghiêm trang hát quốc ca Việt Nam trước hàng vạn, hàng trăm vạn khán giả có mặt trên sân, hay đang dán mắt vào màn ảnh nhỏ theo dõi trận Việt Nam đá với Mỹ.
Một chi tiết làm mọi người chú ý là 11/23 nữ cầu thủ đang ở New Zealand đã và đang học đại học, mà họ theo học không chỉ riêng trong lĩnh vực thể thao gần gũi với họ. Chúng ta có nể phục họ hay không khi biết thêm đa số các cô xuất thân từ thôn quê, gia cảnh không khấm khá, bước đầu chơi bóng là đá chân trần với các bạn trai cùng lứa?
Vậy đó! Có một Huỳnh Như hòa nhập tốt với đội bóng nước ngoài khi đang đi “đá mướn”. Hòa nhập không chỉ là dùng tiếng Anh lưu loát để dễ dàng ăn, tập, thi đấu như mọi cầu thủ khác trong đội, mà còn tranh thủ giới thiệu được những cái hay cái đẹp của quê hương, đất nước cho bạn bè năm châu. Và chắc chắn sẽ có nhiều Huỳnh Như khác tiếp bước. Những thế hệ tiếp theo sẽ không còn là đội lót đường trong các bảng đấu. Mọi chuyện bắt đầu từ hôm nay như lời của một bài hát nổi tiếng: Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay. Hãy cố lên các cô gái kim cương!
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.